10/01/2025

Tự chọn hay… bắt chọn môn học ?: Vừa chạy vừa xếp hàng

Dù xem là chủ trương đúng và phải làm nhưng từ Bộ GD-ĐT đến các chuyên gia đều không tin rằng điều kiện hiện có sẽ đáp ứng được việc dạy học phân hoá đúng như mục tiêu ở các địa phương.

 

Tự chọn hay… bắt chọn môn học ?: Vừa chạy vừa xếp hàng

 

 

Dù xem là chủ trương đúng và phải làm nhưng từ Bộ GD-ĐT đến các chuyên gia đều không tin rằng điều kiện hiện có sẽ đáp ứng được việc dạy học phân hoá đúng như mục tiêu ở các địa phương.




Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phân hóa mạnh ở cấp THPT theo năng lực và nguyện vọng của HS - Ảnh: Đào Ngọc ThạchDự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ phân hoá mạnh ở cấp THPT theo năng lực và nguyện vọng của HS – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Điều cần làm trước hết là thay đổi cách quản lý, dạy học
 
 
Tự chọn hay... bắt chọn môn học ?: Vừa chạy vừa xếp hàng - ảnh 2 Bộ GD-ĐT chỉ cần đưa ra 
chương trình, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, số lượng bao nhiêu HS/lớp… Lúc đó địa phương sẽ phải thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Cần phải đổi mới cơ sở vật chất, nếu không sẽ không đổi mới được

Tự chọn hay... bắt chọn môn học ?: Vừa chạy vừa xếp hàng - ảnh 3
 
Giáo sư NGUYỄN MINH THUYẾT
 

Bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định: “Kinh nghiệm từ những lần đổi mới giáo dục trước đây cho thấy nếu giải quyết giáo dục thì phải giải quyết đồng bộ, nếu không sẽ không giải quyết được. Đồng bộ từ chương trình đến cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên…”. Tuy nhiên, bà Tâm Đan cũng cho rằng với điều kiện của nước ta, nếu đặt vấn đề có sẵn tất cả rồi mới đổi mới thì không biết bao giờ mới thực hiện được, nên cái cần làm trước mắt là phải thay đổi cách thức quản lý, cách dạy học. Theo bà, dạy theo tự chọn ai cũng thấy tốt, hiện đại, linh hoạt, mềm dẻo, không hạn chế sự phát triển cá nhân nhưng phương án đó đòi hỏi trình độ quản lý tốt, phải linh hoạt và thực sự vì học sinh (HS).

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, chỉ ra rằng Bộ quản lý đủ thứ nhưng có một thứ quan trọng nhất không quản được, đó là tiền. 20% ngân sách cho giáo dục nhưng lại chi cho các bộ ngành, các địa phương. Họ chi tiêu thế nào không cần phải báo cáo Bộ. Vì vậy, Giáo sư Thuyết đề nghị: “Bộ GD-ĐT chỉ cần đưa ra chương trình, tiêu chuẩn cơ sở vật chất, số lượng bao nhiêu HS/lớp… Lúc đó địa phương sẽ phải thực hiện và chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Cần phải đổi mới cơ sở vật chất, nếu không sẽ không đổi mới được”.
Tùy điều kiện từng nơi
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng Bộ thấy hầu hết các khó khăn sẽ gặp phải khi dạy phân hoá, tự chọn. Bộ cũng không kỳ vọng tất cả các trường, các địa phương sẽ thực hiện tốt ngay từ đầu, không thể tốt bằng nhau ở tất cả các nơi có điều kiện dạy học khác nhau. Tuy nhiên đó là hướng đi đúng, tất yếu phải theo. Bộ cũng đã đưa ra giải pháp cho việc dạy học tự chọn như: Từng trường có lộ trình triển khai dạy học tự chọn riêng, phù hợp với điều kiện cụ thể qua các năm. Ban đầu số môn học, chuyên đề tự chọn có thể không nhiều, tập trung vào các môn học, chuyên đề có nhiều HS chọn và nhà trường có thể đảm đương được. Những năm sau đó, trường sẽ tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ, bổ sung cơ sở vật chất… để có thể triển khai thêm, mở rộng dần danh sách các môn học, chuyên đề.
Việc lập lớp học theo môn học nào, số lượng bao nhiêu HS ở lớp học đó sẽ phụ thuộc vào sự tính toán năng lực của nhà trường về nhân lực, về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Trường hợp có ít HS đăng ký học thì có thể hướng dẫn HS chuyển nguyện vọng hay chờ sang năm học sau sẽ có thêm các bạn có cùng nguyện vọng, cũng có thể gửi HS học ở trường lân cận rồi thông báo kết quả học tập về trường…
Cũng theo ông Hiển, Bộ và các sở GD-ĐT sẽ hỗ trợ về quản lý cho các trường: tập huấn cán bộ về kỹ năng điều hành theo phương thức dạy học tự chọn, áp dụng các phần mềm quản lý dạy học tự chọn, tổ chức bồi dưỡng giáo viên dạy các chuyên đề mới, thỉnh giảng giáo viên hoặc những người có đủ điều kiện…
Tự chọn nhưng vẫn phải phân luồng
Nhiều chuyên gia cho rằng muốn thực sự thành công phân hóa, rũ bỏ sai lầm của phân ban hiện nay thì phải gắn với phân luồng. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đề xuất đến THCS phải phân luồng ngay, có nhiều loại trường phù hợp với năng lực của HS, chấp nhận giảm bớt môn học bắt buộc, chấp nhận HS ở THPT có thể học lệch theo sở trường, có những môn sẽ rất ít HS học. Khi đó không nên quy định mỗi lớp phải có tối thiểu bao nhiêu HS.
Tiến sĩ Lương Hoài Nam, một doanh nhân quan tâm đến giáo dục, cũng cho rằng phân luồng giáo dục ngay từ cấp THCS là một nội dung quan trọng phải thực hiện trong lần đổi mới giáo dục này. Giáo sư Nguyễn Minh Đường, Viện Khoa học giáo dục VN, cũng khẳng định phân luồng ở bậc trung học để tránh việc đổ xô vào ĐH như phân ban hiện nay. Theo đó, bậc trung học phân thành 2 nhánh: THPT phân hoá và THPT nghề. THPT phân hoá chỉ học khoảng 3 – 4 môn chung bắt buộc, còn lại là các môn tự chọn theo hướng nghề nghiệp tương lai của HS. THPT nghề vừa dạy văn hoá phổ thông vừa dạy nghề với 50% thời lượng học các môn văn hoá chung bắt buộc, 50% thời gian học nghề, trong đó chú trọng đến thực hành nghề.
Học sinh THPT học tối thiểu 6 – 7 môn

Bộ GD-ĐT vừa công bố báo cáo tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Về ý kiến cho rằng tổng số môn học bắt buộc và môn học tự chọn mà HS phải học ở cấp THPT còn nhiều so với thế giới; HS, giáo viên hay nhà trường quyết định các môn tự chọn, Bộ lý giải: “Tổng số môn học bắt buộc và môn tự chọn mà HS phải học trong chương trình giáo dục phổ thông mới không nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới”.
Cụ thể, HS học tối thiểu 6 hoặc 7 môn và các chuyên đề học tập, hoạt động trải nghiệm sáng tạo; trong đó có 4 môn bắt buộc là ngữ văn 1, toán 1, công dân với Tổ quốc, ngoại ngữ 1. Các môn tự chọn theo nhóm môn quy định như sau: HS định hướng khoa học tự nhiên hoặc công nghệ – kỹ thuật sẽ học môn khoa học xã hội và tự chọn 2 môn trong số các môn: vật lý, hoá học, sinh học, tin học, công nghệ, toán 2. HS định hướng khoa học xã hội và nhân văn sẽ học môn khoa học tự nhiên và tự chọn 2 trong số các môn: lịch sử, địa lý, ngữ văn 2. HS định hướng nghệ thuật hoặc thể dục thể thao học 2 môn khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, chọn thêm một môn nữa (nếu có nguyện vọng). Các HS còn chọn học các chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo về âm nhạc, mỹ thuật, thể dục, thể thao.
Bộ cũng khẳng định môn học tự chọn sẽ do HS chọn, tuỳ vào điều kiện của nhà trường.
Theo Bộ, với các môn học tự chọn, chuyên đề học tập tự chọn, định hướng nghề nghiệp cho HS không phải chỉ theo khoa học tự nhiên, khoa học xã hội mà còn theo các ngành khác như kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, quốc phòng – an ninh, âm nhạc, mỹ thuật…

Tuệ Nguyễn