Nhật rộng tay nhận lao động nước ngoài
Một khảo sát gần đây cho thấy 3/4 các công ty Nhật ủng hộ việc mở cửa cho nhiều lao động nước ngoài có tay nghề thấp vào làm việc để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động.
Nhật rộng tay nhận lao động nước ngoài
Một khảo sát gần đây cho thấy 3/4 các công ty Nhật ủng hộ việc mở cửa cho nhiều lao động nước ngoài có tay nghề thấp vào làm việc để đối phó với tình trạng thiếu hụt lao động.
Người lao động nước ngoài tuần hành đòi đối xử công bằng ở Nhật – Ảnh: AFP |
Nếu chúng ta không đón nhận lực lượng lao động nước ngoài theo cách hợp pháp và ở một mức độ nào đó thì số lao động bất hợp pháp sẽ gia tăng và sẽ làm mất trật tự công cộng |
Quản lý một công ty hóa chất người Nhật |
Công ty Nikkei Research đã khảo sát 515 doanh nghiệp lớn, trung bình và khoảng 260 công ty về lao động nước ngoài theo đơn đặt hàng của Hãng tin Reuters.
Nhật là một trong những quốc gia có dân số già đi nhanh nhất thế giới và đang phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt người lao động nghiêm trọng, đặc biệt là trong các ngành như xây dựng, nông nghiệp và chăm sóc người cao tuổi.
Reuters nhận định sự thiếu hụt nguồn lao động này có thể cản trở các kế hoạch phục hồi kinh tế của Thủ tướng Shinzo Abe.
Khảo sát thực hiện từ ngày 30-9 đến 9-10 cho thấy 76% các công ty Nhật đang chào đón lao động nước ngoài có tay nghề thấp với lời hứa dành cho họ quyền lợi tương tự như lao động trong nước.
Sự thiếu hụt lao động tập trung trong lĩnh vực xây dựng khi Nhật đang xây dựng các dự án mới cho Thế vận hội Tokyo năm 2020 và tái thiết các khu vực phía bắc đất nước vốn bị tàn phá sau thảm hoạ động đất – sóng thần năm 2011.
Theo báo Nikkei, số người lao động nước ngoài đến Nhật đã tăng lên đều những năm gần đây. Số liệu cuối tháng 10-2014 cho biết có 787.627 người lao động nước ngoài ở Nhật, tăng 9,8% so với năm trước đó.
Theo Bộ Lao động Nhật, đây là con số kỷ lục tính từ năm 2007 – năm mà các doanh nghiệp bắt đầu báo cáo với chính quyền về số lao động người nước ngoài làm việc cho mình. Nhưng số người lao động nước ngoài này chỉ chiếm khoảng 1% thị trường lao động tại Nhật.
Thống kê cho thấy số lao động và sinh viên người nước ngoài làm bán thời gian ở Nhật đông nhất là người Trung Quốc, Brazil và Philippines. Số lao động người Việt chỉ ở mức 61.168 người nhưng là nhóm gia tăng mạnh nhất (63%) so với cùng kỳ năm 2013.
Sự gia tăng này chủ yếu do nhu cầu thật sự từ phía các doanh nghiệp và những điều kiện lao động đã được cải thiện tốt hơn. Không phải là không có những tình trạng o ép người lao động nước ngoài trong quá khứ ở Nhật.
Đã từng xảy ra những cuộc tuần hành của người lao động nước ngoài đòi chế độ đãi ngộ công bằng.
Qua đó người ta biết được rằng những người Trung Quốc được thuê làm tại nông trại hoặc công xưởng với giá chỉ 300-500 yen/giờ trong khi mức lương trung bình tại Nhật là 650 yen/giờ.
Một trong những mối quan tâm hàng đầu của những người phản đối lao động nước ngoài tay nghề thấp là các vấn đề về ngôn ngữ và văn hoá. Trong khi một số người ủng hộ cho thấy nhiều nhà quản lý nghĩ rằng việc sử dụng lao động nước ngoài có tay nghề thấp là điều không thể tránh khỏi.
Tuy nhiên chính quyền ông Abe thay vì thực hiện những bước quan trọng cho phép tuyển dụng thêm các lao động nước ngoài dạng này để lấp đầy sự thiếu hụt thì lại tập trung giảm những yêu cầu về lao động nước ngoài tay nghề cao và thúc đẩy các chính sách khuyến khích sự tham dự của phụ nữ và người lớn tuổi trong lực lượng lao động.
Indonesia bỏ sát hạch ngôn ngữ đối với lao động nước ngoài Theo Reuters ngày 19-10, giới chức Indonesia khẳng định sẽ không bắt buộc người lao động nước ngoài phải trải qua các đợt kiểm tra trình độ tiếng Indonesia, đồng thời phủ nhận thông tin từ giới truyền thông về kế hoạch sát hạch ngôn ngữ sẽ được áp dụng vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, chính quyền Jakarta khuyến khích người nước ngoài học ngôn ngữ địa phương để dễ dàng chuyển giao kiến thức và công nghệ với người Indonesia. Hồi tháng 3, Indonesia từng cho biết sẽ rút lại kế hoạch buộc lao động nước ngoài tham gia kỳ thi kiểm tra tiếng địa phương sau khi vấp phải sự phản đối của các nhà đầu tư cho rằng đó là “chủ nghĩa bảo hộ” và là “rào cản không cần thiết”. Tuy nhiên, hôm 16-10 truyền thông nước này lại dẫn lời một quan chức Bộ Nhân lực cho hay sẽ có yêu cầu kiểm tra ngôn ngữ đối với lao động nước ngoài muốn gia hạn giấy phép sau khi làm việc tại Indonesia 1 năm. Điều này làm dấy lên làn sóng hoang mang trong dư luận. “Không có yêu cầu ngôn ngữ cho người lao động nước ngoài – vụ trưởng Vụ Lao động nước ngoài Heri Sudarmanto nói với Reuters – Yêu cầu này cũng sẽ không được áp dụng kể cả với lao động nước ngoài muốn gia hạn giấy phép làm việc của họ”. Một cố vấn cao cấp của Bộ trưởng Nhân lực Muhammad Hanif Dhakiri khẳng định Indonesia sẽ không áp đặt bất kỳ yêu cầu ngôn ngữ nào. Tuy nhiên, chính quyền từng địa phương có thể tự quyết định có áp dụng sát hạch hay không. Theo Jakarta Post, dựa trên các hồ sơ giấy phép lao động nước ngoài của Bộ Nhân lực, số lượng lao động nước ngoài tại Indonesia trong năm 2014 là 68.762 người. Lao động nước ngoài chủ yếu đến từ các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Malaysia. Tổng thống Joko Widodo đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, thông qua các cuộc cải tổ nội các nhằm khuyến khích những biện pháp kinh tế mới. |