Thất bại của CIA trong Khủng hoảng tên lửa Cuba
Tài liệu vừa giải mật của CIA hé lộ những tình tiết vô cùng gay cấn về giai đoạn đối đầu đầy căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô trong Khủng hoảng tên lửa Cuba.
Thất bại của CIA trong Khủng hoảng tên lửa Cuba
Tài liệu vừa giải mật của CIA hé lộ những tình tiết vô cùng gay cấn về giai đoạn đối đầu đầy căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô trong Khủng hoảng tên lửa Cuba.
Thế giới sắp kỷ niệm 53 năm ngày chấm dứt Khủng hoảng tên lửa Cuba. Đây là cụm từ được sử dụng để chỉ giai đoạn kéo dài 13 ngày trong năm 1962, từ ngày 16.10, khi Tổng thống Mỹ John F.Kennedy nhận được bức ảnh chứng cứ đầu tiên cho thấy sự hiện diện của tên lửa hạt nhân Liên Xô trên đất Cuba, đến ngày 28.10, thời điểm ông Kennedy đạt được thoả thuận ngăn chặn Thế chiến 3 với Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Nikita Khrushchev.
Lâu nay, chi tiết và diễn biến của sự kiện này đã được phân tích cặn kẽ, nhờ vào vô số hồi ký, lời kể của nhân chứng đến các hồ sơ giải mật trong những năm qua. Tuy nhiên, phải đến mới đây, dư luận mới biết được mức độ nguy hiểm thực sự của tình huống lúc đó thông qua tài liệu giải mật mới của CIA mang tên “Danh mục thông tin tình báo cần đọc của tổng thống”, viết tắt là PICL.
Sai lầm nối tiếp sai lầm
Trước năm 1962, Cuba chỉ được đề cập một cách rời rạc và hầu như không bao giờ là tin tức chính trong ngày khi CIA soạn thảo PICL cho tổng thống. Lúc đó, những mối quan tâm lớn nhất của ông Kennedy là tình trạng đối đầu giữa Washington và Moscow về Bức tường Berlin, và những sự kiện Chiến tranh lạnh khác mà hiện nay đã sớm rơi vào quên lãng, tờ The Miami Herald dẫn bộ tài liệu khoảng 19.000 trang vừa được giải mật cho hay.
Vào ngày 28.7.1962, trong lúc các đặc vụ ngầm của CIA tại Havana ngáp dài lướt dọc các thông tin cần thông báo cho Tổng thống Kennedy, tình báo Mỹ không hề biết rằng đã có 85 con tàu được chất đầy oanh tạc cơ, tên lửa và đầu đạn hạt nhân tại Liên Xô chuẩn bị trực chỉ đến Cuba, sẵn sàng biến đảo quốc trở thành một bệ phóng hạt nhân đủ sức quét sạch bất cứ thành phố nào của Mỹ.
Hơn một tháng trước đó, Tổng bí thư Khrushchev và Bộ Chính trị đã chốt xong việc gửi tên lửa hạt nhân đến Cuba để bảo vệ chính quyền cách mạng nước này trước một cuộc xâm lăng tương tự như vụ Vịnh Con Lợn năm 1961 cũng như lần đầu tiên triển khai sức mạnh quân sự tại Tây bán cầu. Thậm chí khi phái đoàn Moscow vài ngày sau đó đến Havana thông báo tin tức về việc điều động tên lửa cho Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba Fidel Castro, CIA lại thông báo với tổng thống rằng họ nghi ngờ quan hệ Liên Xô – Cuba đang trục trặc và phái đoàn này đến để “phê trách” Havana, theo tài liệu PICL.
Trong 6 tuần kế tiếp, CIA tiếp tục cung cấp thông tin sai lệch cho Tổng thống Kennedy. Chẳng hạn, vào ngày 19.7, CIA trấn an tổng thống rằng Liên Xô vừa “hắt hủi” ông Raul Castro, khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng Cuba. “Raul Castro đã quay lại Havana sau 2 tuần ở Moscow trong nỗ lực mà chúng tôi cho rằng để yêu cầu phía Liên Xô cung cấp thiết bị quân sự. Ông ấy không được chào đón và đây là một dấu hiệu khá tích cực cho thấy chuyến thăm đã không như ý”, PICL viết.
Trên thực tế, chuyến thăm của ông Raul Castro đã hoàn tất những chi tiết hậu cần cuối cùng để đón tên lửa Liên Xô. Chưa đến một tháng sau báo cáo “hắt hủi” nói trên, CIA ngã ngửa trước những diễn biến chóng mặt tại Cuba. Vào giữa tháng 8.1962, các bản báo cáo hằng ngày của Tổng thống Mỹ tràn ngập những cảnh báo khi tàu hàng Liên Xô lũ lượt cập cảng Cuba trong khi nhiều công trình mọc lên khắp đảo quốc với thiết kế trùng với các bãi phóng tên lửa của Liên Xô.
Đến đầu tháng 9, Giám đốc CIA John McCone, sau một thời gian đơn độc bảo vệ quan điểm cho rằng Moscow đang thiết lập các bãi phóng tên lửa liên lục địa trên đất Cuba, cuối cùng đã thuyết phục được Tổng thống Kennedy về nguy cơ hiển hiện.
Tháo ngòi nổ
Các sử gia đánh giá những sai lầm và tính toán trật vuột ban đầu của CIA đã làm đánh mất cơ hội của Mỹ có thể chủ động ứng phó các bước đi táo bạo của Liên Xô và Cuba. Đến giữa tháng 7.1962, cơ quan tình báo được xem là hàng đầu thế giới này vẫn không biết được Cuba đang tiếp nhận các đầu đạn hạt nhân, tên lửa và máy bay ném bom đủ sức thọc sâu vào lãnh thổ Mỹ trải rộng từ Dallas đến thủ đô Washington D.C.
Trong mấy tuần sau đó, các báo cáo hằng ngày cho tổng thống chẳng hề đề cập gì về tên lửa mà thay vào đó chỉ là thông tin về những vụ tấn công lẻ tẻ của các nhóm vũ trang Mỹ – La tinh.
Kết quả là thế giới phải nín thở chứng kiến 13 ngày nóng bỏng mà một cuộc chiến tranh hạt nhân huỷ diệt có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Khi đó, Tổng bí thư Khrushchev thậm chí đã cảnh báo: “Nếu người Mỹ cương quyết muốn có chiến tranh, tất cả chúng ta sẽ gặp nhau dưới địa ngục”.
Ngày 22.10, Tổng thống Kennedy lên truyền hình yêu cầu Liên Xô rút toàn bộ tên lửa về nước, đồng thời ra lệnh khóa chặt lưu thông trên biển. May mắn là các nhà lãnh đạo hai bên vẫn tiếp tục duy trì liên lạc và những cuộc thương thảo gay cấn cấp tập diễn ra. Theo The Miami Herald, Washington cam kết rút tên lửa tại Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ không bao giờ đổ quân đến Cuba. Ngày 28.10, Tổng bí thư Khrushchev đồng ý và một trong những cuộc khủng hoảng căng thẳng nhất lịch sử đã được tháo ngòi.
Báo cáo mật hằng ngày cho Tổng thống Mỹ
Năm 1961, Tổng thống Kennedy nhận ra rằng cần phải có một bản báo cáo tổng hợp hằng ngày sau khi Mỹ thất bại trong sự kiện Vịnh Con Lợn.
Nhà Trắng lo ngại việc có quá nhiều báo cáo tình báo trong ngày có thể dẫn đến nguy cơ thông tin quan trọng bị bỏ sót. Do vậy, cần phải có một dạng báo cáo bao gồm mọi thứ mà tổng thống cần biết.
Đến tháng 6.1961, CIA chính thức trình làng báo cáo tình báo ngắn gọn vào mỗi buổi sáng mang tên “Danh mục thông tin tình báo cần đọc của tổng thống”, viết tắt là PICL. PICL là tài liệu vô cùng bí mật với một số bản báo cáo mà tổng thống cũng chỉ được xem chứ không được sao lưu.
|
Thụy Miên