10/01/2025

Nhận diện “Diễn đàn Hương Sơn”

Không lạ lùng gì việc các quan chức quốc phòng, ngoại giao cao cấp của Trung Quốc ngon ngọt hứa hẹn “không xâm lược Biển Đông” hoặc “vòng vo tam quốc” về Biển Đông tại Diễn đàn Hương Sơn vừa kết thúc hôm chủ nhật!

 

Nhận diện “Diễn đàn Hương Sơn”

 

 

Không lạ lùng gì việc các quan chức quốc phòng, ngoại giao cao cấp của Trung Quốc ngon ngọt hứa hẹn “không xâm lược Biển Đông” hoặc “vòng vo tam quốc” về Biển Đông tại Diễn đàn Hương Sơn vừa kết thúc hôm chủ nhật!




Philippines đã quyết định cho cải tạo lại căn cứ Subic để phòng chống nguy cơ Trung Quốc bắt nạt trên Biển Đông - Ảnh: Reuters
Philippines đã quyết định cho cải tạo lại căn cứ Subic để phòng chống nguy cơ Trung Quốc bắt nạt trên Biển Đông – Ảnh: Reuters

Đơn giản vì diễn đàn này, được “đỡ đầu” bởi Hiệp hội khoa học quân sự Trung Quốc (CAMS), với định dạng khởi đầu là một hoạt động ngoại giao kênh 2 với sự tham gia của các học giả không có chức quyền. Sang đến năm ngoái, diễn đàn được nâng trọng lượng lên thành hoạt động ngoại giao kênh 1,5 với sự tham gia của các quan chức bên cạnh các học giả “dân thường” nhằm tăng thêm tiếng vang – tất cả trong điều gọi là “hoạt động ngoại giao quốc phòng của Trung Quốc”.

Do tình hình Biển Đông sôi sục, nên “chủ nhà” Trung Quốc cũng tăng tốc tổ chức diễn đàn này từ định dạng hai năm một lần sang hằng năm đặng kịp thời ứng phó tình hình.

Tất nhiên, nội dung diễn đàn là do “chủ nhà” soạn ra và sắp xếp hướng triển khai theo chủ đích và mục tiêu của mình. Cụ thể nội dung của Diễn đàn Hương Sơn, theo định nghĩa của chính “chủ nhà”, là “trong tinh thần dung thứ lẫn nhau và bình đẳng truyền thông… nhằm thu thập tất cả trí tuệ, mở rộng sự đồng thuận, nâng cao sự hợp tác và thúc đẩy nền hòa bình và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Nôm na mà nói, mời các anh đến, các anh phát biểu trong đề mục định sẵn là dựng xây hòa bình và ổn định cho châu Á – Thái Bình Dương, tất nhiên “hoà bình và ổn định” trong khuôn khổ mà Trung Quốc luôn quả quyết là “…thuộc chủ quyền lịch sử lâu đời, không thể tranh cãi của Trung Quốc”.

Thế nhưng trong thực tế, ngoài số khách mời là các phái đoàn chính thức, thì số 130 học giả được Bộ Quốc phòng Trung Quốc mời đều đã được chọn lọc để đồng điệu với Trung Quốc. Tất cả để biến Diễn đàn Hương Sơn thành một hệ thống loa “một kênh” thay vì “hai kênh” hay “đa kênh”!

Không phải vô cớ mà Channel News Asia của Singapore, một nước không liên quan đến tranh chấp Biển Đông, gọi “hội nghị này… là một phần của một nỗ lực rộng lớn hơn của Trung Quốc nhằm gia tăng ảnh hưởng quốc tế của mình, cùng với việc lập ra Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) với cả tỉ USD”, trước khi nhấn mạnh rằng sự kiện này sẽ cho Bắc Kinh một “tiếng nói lớn hơn”, theo một xã luận của tờ China Daily của Trung Quốc, là nhằm giúp chỉnh sửa lại việc gọi Trung Quốc là “xâm lược”.

Đương nhiên, “chủ nhà” mở màn bằng những ngôn từ ôn hòa với bài phát biểu của ông Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân ủy trung ương Trung Quốc, rằng Bắc Kinh đâu có cố gắng tăng cường kiểm soát Biển Đông và rằng hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo ở Trường Sa nào có cản trở tự do, an ninh hàng không, hàng hải của khu vực, trước khi nhắc lại rằng Trung Quốc kiên quyết chỉ đàm phán tay đôi với từng nước.

Cuối cùng, trong hôm bế mạc 18-10, nhân vật chủ trì diễn đàn là Ngô Kiến Dân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khép lại diễn đàn bằng một thuyết giảng về cái gọi là “chủ quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như để lên tiếng bào chữa cho hoạt động tự ý bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa ở Trường Sa của Việt Nam.

Đã có những tường thuật theo chiều hướng đó của “chủ nhà”, như trang Sputnik của Nga giật tít “Cuộc đụng độ giữa những người khổng lồ: Mỹ kích động song Trung Quốc đang cố làm dịu căng thẳng Biển Đông”. Bánh ít đi, bánh quy lại. Như cũng tại diễn đàn này, cuộc khủng hoảng Syria cũng được phụ tá bộ trưởng quốc phòng Nga Anatoly Antonov giải thích: “Chúng tôi đã đề nghị cộng tác rộng rãi hơn với đối tác Mỹ, song Washington chưa sẵn sàng”.

Dẫu sao cũng đã có một vài tiếng nói thẳng thắn bày tỏ quan điểm trong số khách mời là quan chức chính thức như của tướng Zukkefli Mohd Zin, tư lệnh các lực lượng vũ trang Malaysia: “Tôi muốn đề cập tới vấn đề khiêu khích không chính đáng của người Trung Quốc trong việc xây dựng phi pháp trên các đảo ở Biển Đông. Thời gian sẽ trả lời các ý định của Trung Quốc”. Vị tướng ấy biết mình muốn gì, nói gì, bảo vệ gì ở cái kênh một-rưỡi ngoại giao quốc phòng ấy.

Bộ trưởng quốc phòng Malaysia: vấn đề niềm tin rất quan trọng

Theo báo Inquirer, hôm qua Bộ trưởng quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein tuyên bố rằng việc trì hoãn giải quyết những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là rất đáng lo ngại.

Theo ông, những bất đồng sẽ ngày càng dày lên và dẫn đến xung đột khó tránh khỏi nếu giữa lãnh đạo các nước và giới quân đội các nước có liên quan không có được niềm tin vững chắc với nhau.

“Chúng tôi tin chắc rằng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) là cách hay nhất để điều phối những đòi hỏi chủ quyền trên biển và buộc phải có những tham vấn nhiều hơn nữa để đảm bảo COC đi vào thực thi một cách hiệu quả”, Bộ trưởng Hussein nhấn mạnh.

DANH ĐỨC