10/01/2025

Gói từng nỗi đau để tiến lên

“Tôi đã cố tạo cho mình một vỏ bọc hoàn mỹ: có một gia đình hạnh phúc. Suốt ba năm học ở đây tôi không chia sẻ với ai về hoàn cảnh, nhưng đã rất nhiều lúc tôi ngồi khóc một mình…”.

CHƯƠNG TRÌNH “VÌ NGÀY MAI PHÁT TRIỂN” LẦN THỨ 409 CỦA BÁO TUỔI TRẺ:

Gói từng nỗi đau để tiến lên

 

 

“Tôi đã cố tạo cho mình một vỏ bọc hoàn mỹ: có một gia đình hạnh phúc. Suốt ba năm học ở đây tôi không chia sẻ với ai về hoàn cảnh, nhưng đã rất nhiều lúc tôi ngồi khóc một mình…”.




Hà Thị Hương Thảo bên cổng trường mơ ước của hai anh em - Ảnh: Nguyễn Khánh
Hà Thị Hương Thảo bên cổng trường mơ ước của hai anh em – Ảnh: Nguyễn Khánh

Hà Thị Hương Thảo (xã Bình Thuận, Văn Chấn, Yên Bái) cô tân sinh viên trúng tuyển ở tốp đầu vào ngành luật kinh tế Trường ĐH Luật Hà Nội như mơ ước (29 điểm khối C – tính cả điểm ưu tiên), chia sẻ cùng Tuổi Trẻ như thế.

Gói lại nỗi đau…

Mới chỉ 15 – 16 tuổi, bước chân vào Trường THPT Hữu Nghị T78, Hương Thảo đã học lấy cách gói kỹ lại nỗi đau. Thảo kể: “Các bạn đều chỉ biết bố mẹ tôi ai cũng vui tính, quan tâm tới con cái. Tôi và anh trai sống trong sự yêu thương của cha mẹ. Các bạn đều bảo mày thế thì sướng nhất rồi!”.

“Khi các bạn có bố mẹ tới trường thăm, mình không có, tôi lại giải thích “vì nhà xa, bố mẹ phải làm việc vất vả nên không đến được. Thỉnh thoảng cậu mợ điện thoại hỏi thăm, tôi nói bố mẹ tớ gọi đấy” – Thảo kể thêm.

Trò chuyện với Thảo ngay trên sân Trường ĐH Luật Hà Nội, khuôn mặt Thảo vẫn phảng phất nỗi buồn. Có kỷ niệm không bao giờ quên, một kỷ niệm mà khi nhớ lại nỗi đau vẫn chất chứa trong mắt Thảo.

“Năm lớp 6, tôi thi đỗ vào trường nội trú huyện, bắt đầu cuộc sống xa nhà và từ đó chỉ biết mẹ đã vào Bình Phước làm việc, bố cũng thưa dần tới thăm… Rồi một ngày cả bố mẹ cùng tới. Tôi đã tưởng đó là ngày vui nhất trong cõi đời. Nhưng sự việc xảy ra lại thật bất ngờ. Bố mẹ đưa tôi đến toà án. Ở đó người ta nói bố mẹ tôi ly hôn, rồi hỏi tôi muốn ở với ai. Tôi chỉ khóc, không nói được, cũng không ký vào văn bản họ đưa cho. Lúc đó, tôi chỉ thấy căm ghét bố mẹ. Và điều duy nhất tôi nghĩ là phải giấu kín cú sốc mà tôi vừa trải qua, để có thể tiếp tục cuộc sống”.

Sau đó, mẹ Hương Thảo lại khăn gói vào Nam đi làm thuê làm mướn. Bố Thảo làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, phải bán nhà rồi bỏ đi biệt xứ. Hai anh em Thảo ở lại trong hoàn cảnh đó và anh trai đành bỏ dở ước mơ vào ĐH để đi làm trả nợ, phụ giúp cho Thảo được học hành.

Trước những biến cố liên tiếp, khi vào lớp 10 Thảo đã tìm mọi cách giấu giếm hoàn cảnh. Thảo đã sống như hai con người, một lộ ra bên ngoài với vẻ viên mãn, một lặng lẽ ẩn giấu bên trong những âm thầm đau khổ. “Tôi cứ nghĩ ở ngôi trường mới, khi không ai biết tới hoàn cảnh của mình, tôi có thể quên đi được nỗi đau buồn để sống và học tập như mọi người” – Thảo lý giải cho việc cố gắng tạo vỏ bọc tưởng như an toàn cho mình.

Chỉ khi học đến lớp 12, với sự thấu hiểu, chia sẻ của cô giáo chủ nhiệm, Thảo mới quyết định xé cái vỏ bọc của mình. Đó cũng là một quyết định khó khăn. Thảo tưởng như mình gặp lại nỗi đau đó lần nữa… “Nhưng bù lại, tôi được sống đúng là mình. Sự cảm thông của bạn bè, thầy cô giúp tôi thấy ấm áp và cố gắng vượt qua khó khăn” – Thảo nói.

Kết quả học tập năm lớp 12 của Thảo cải thiện đáng kể với nhiều môn học đạt trên 8,0 và kết quả trong kỳ thi THPT quốc gia ở mức nhiều bạn bè mơ ước.

Thực hiện giấc mơ 
vào ĐH của anh trai

“Tôi đăng ký vào ĐH Luật Hà Nội là vì anh trai tôi. Chuẩn bị thi ĐH thì mất nhà, phải trả nợ cho cha nên anh trai tôi đã phải bỏ học. Anh nhắc tôi phải cố gắng học, anh sẽ đi làm nuôi tôi. Thương anh, tôi chỉ còn cách cố gắng học, cố gắng để thi đậu vào trường ĐH mà anh trai tôi từng mơ ước” – Hương Thảo chia sẻ.

Đỗ với số điểm cao nhưng một lần nữa Hương Thảo đứng trước lựa chọn khó khăn. Thảo nhẩm tính tiền học, tiền ăn, tiền trọ trong mấy năm ĐH. Mẹ Thảo lúc này cũng có tiền gửi về cho Thảo nhưng rất ít ỏi. Khi đã lớn và biết thương mẹ, Thảo không dám để mẹ biết sự thiếu thốn. Cô cũng không muốn một lần nữa dồn thêm gánh nặng lên vai anh trai.

“Anh trai đã bán chiếc xe máy dùng đi đưa hàng thuê để lấy tiền cho tôi nhập học vì đây là ước mơ của cả hai anh em. Khi đưa tôi lên trường nhập học, suốt cả ngày đi tìm nhà trọ cho tôi, anh trai đã nhịn ăn vì sợ tiêu vào học phí của tôi. Nhìn lại con đường đã qua, không phải chỉ có nỗ lực của mình tôi mà thành quả của tôi hôm nay còn do sự vun đắp bởi những nhọc nhằn của anh, của mẹ, tình cảm của thầy cô, bạn bè. Điều đó khiến tôi xoá đi sự mặc cảm, nỗi buồn giận số phận và sẽ tiếp tục cố gắng” – Thảo cho biết.

Vào lúc 9g30 sáng nay 20-10, lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” 2015 dành cho 182 tân sinh viên vượt khó (7 triệu đồng/suất) của 19 tỉnh thành phía Bắc sẽ được tổ chức tại Nhà văn hóa HSSV Hà Nội.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, tỉnh thành đoàn, sở GD-ĐT 19 tỉnh thành phía Bắc tổ chức và được tài trợ bởi Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, VTV9, báo Tuổi Trẻ và Công ty golf Long Thành phối hợp tổ chức) và Quỹ khuyến học Vinacam.

Cô Nguyễn Thị Khánh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Thảo, nói: “Thảo là học sinh dân tộc thiểu số (dân tộc Tày) có hoàn cảnh rất đặc biệt, thiếu thốn cả vật chất và tinh thần. Thảo giấu kín nỗi đau, luôn là một học sinh nghiêm túc, có thành tích cao trong học tập và thi cử chứ không bỏ bê học hành, than phiền, đổ lỗi cho hoàn cảnh”. Cô Khánh cũng bày tỏ mong muốn chương trình “Tiếp sức đến trường” sẽ giúp cô và các bạn của Thảo “tiếp sức” để Thảo không bị bỏ lỡ ước mơ mà rất khó khăn Thảo và anh trai mới có được.

NG.HÀ – V.HÀ ([email protected])