11/01/2025

Góc tối chương trình UAV sát thủ của Mỹ

Bí mật gây sốc về “những cỗ máy giết người trên không” của Mỹ được hé lộ qua những trang tài liệu tuyệt mật bị rò rỉ.

  

Góc tối chương trình UAV sát thủ của Mỹ

 

 

Bí mật gây sốc về “những cỗ máy giết người trên không” của Mỹ được hé lộ qua những trang tài liệu tuyệt mật bị rò rỉ.


 


Một máy bay không người lái thuộc dòng MQ-9 Reaper của Mỹ - Ảnh: USAFMột máy bay không người lái thuộc dòng MQ-9 Reaper của Mỹ – Ảnh: USAF
Một loạt tài liệu bí mật vừa được công bố trên trang tin The Intercept đã tạo nên một cơn địa chấn mới tương đương với vụ rò rỉ các bí mật về chương trình do thám do cựu nhân viên tình báo Edward Snowden tiết lộ cách đây 2 năm.
Theo đó, loạt bài viết gồm 8 kỳ với tựa đề chung là Drone Papers (Hồ sơ máy bay không người lái) đã hé lộ những cơ chế nội bộ của chương trình máy bay không người lái (UAV) được Mỹ triển khai tại Afghanistan, Somalia và Yemen từ năm 2011 đến 2013.
Nguồn tin, được cho là một quan chức tình báo nặc danh, đã cung cấp chứng cứ cho thấy cách thức giới chức Mỹ ra quyết định sẽ trừ khử mục tiêu, tranh cãi nội bộ về những thiếu sót của chương trình, cũng như chuyện Washington che đậy những cái chết không mong muốn của dân thường do bắn nhầm.
Dây chuyền ám sát
Trong một bài viết có nhan đề Dây chuyền ám sát, tác giả Cora Currier đã tiết lộ quy trình Mỹ nhận dạng và lựa chọn những mục tiêu cần phải trừ khử, từ khâu thu thập dữ liệu và thông tin tình báo đến bước hoàn tất hồ sơ và đặt lên bàn của Tổng thống Barack Obama.
Cụ thể, một tài liệu đã nêu những chi tiết về quá trình thông qua các cuộc không kích bằng UAV trên lãnh thổ Yemen và Somalia, vốn phức tạp hơn các trường hợp xét duyệt tại Iraq và Afghanistan, trong đó một số vụ phải mất cả năm để đánh giá.
Đầu tiên, Bộ Tư lệnh các chiến dịch đặc biệt hỗn hợp (JSOC) và các cơ quan tình báo khác chọn ra một mục tiêu và biên soạn dữ liệu về đối tượng, bao gồm các mối quan hệ đến thói quen trong cuộc sống, tất cả đều thu thập được từ hoạt động do thám bí mật.
Kế đến thông tin được chuyển dần lên tướng lĩnh chịu trách nhiệm khu vực, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, trước khi trình lên Bộ trưởng quốc phòng. Bắt đầu từ cấp này, bộ sậu gồm các cố vấn cấp cao thuộc Hội đồng An ninh quốc gia và các thành viên thay phiên nhau cân nhắc. Cuối cùng, hồ sơ được đặt lên bàn của tổng thống khi đã thẩm định xong. Nếu Tổng tư lệnh quân đội Mỹ thông qua một mục tiêu, quân đội sẽ có 60 ngày để tiêu diệt đối tượng nằm trong vòng tình nghi.
Giết lầm hơn bỏ sót
Vào tháng 5.2013, trong lúc dư luận ngày càng tỏ ra quan ngại về những vụ UAV giết lầm dân thường, Nhà Trắng đã công bố bản chỉ dẫn chính sách mới về việc vận dụng các cỗ máy giết người trong các chiến dịch chống khủng bố. Bản chỉ dẫn ghi rõ Mỹ “không sử dụng vũ khí giết người trong trường hợp có thể bắt sống nghi phạm khủng bố”. Tuy nhiên, điều mà The Interceptphát hiện được chính là chẳng hề có dòng chữ nào đề cập đến khả năng bắt sống từ tài liệu thu thập được.
“Chiến dịch UAV hiện nay thật sự chỉ tập trung vào việc giết người”, theo thiếu tướng Michael Flynn, nguyên Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng và hiện là người công khai chỉ trích chính quyền Obama. “Chúng ta không còn bắt ai nữa”, theo tướng Flynn. Khuynh hướng giết lầm còn hơn bỏ sót này đã gây khó khăn cho công tác thu thập tình báo, bởi việc bắt nghi can có thể giúp dẫn đến những đầu mối mới thông qua quá trình thẩm vấn.
Các tài liệu cũng đề xuất tăng cường hợp tác với những cơ quan tình báo nước ngoài để bắt kẻ tình nghi. Tuy nhiên, việc dựa vào thông tin tình báo do đối tác cung cấp có thể gây ra vấn đề. Lý do là các chính phủ nước ngoài đôi khi có mối quan tâm khác với lợi ích quốc gia của Mỹ. Chẳng hạn, vào năm 2011, tờ The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ thừa nhận: “Chúng tôi cho rằng mình đã bị chơi khăm”, sau khi một cuộc không kích của Mỹ đã giết lầm tỉnh trưởng ở một địa phương. Theo giới chức Mỹ, phía Yemen đã không tiết lộ việc viên tỉnh trưởng sẽ có mặt tại cuộc gặp của al-Qaeda.
Nhược điểm trí mạng
Bên cạnh các ưu điểm như không cần phải triển khai bộ binh, các tài liệu cho thấy JSOC đa phần dựa vào hoạt động theo dõi liên lạc viễn thông và qua mạng để thu thập tình báo, một phương pháp hạ cấp hơn so với thu thập tình báo thông qua các đặc vụ. Tướng Flynn lấy ví dụ về trường hợp một mục tiêu nào đó dùng điện thoại liên lạc và trao đổi bằng mật hiệu theo kiểu: “Đám cưới chuẩn bị diễn ra trong vòng 24 giờ nữa”. Thế là toàn bộ cánh quân của Lầu Năm Góc tại châu Âu và Mỹ đều được đặt trong trạng thái cảnh giác cao độ, nhưng nhiều khi đó chỉ là báo động giả, theo tướng Flynn.
Trong khi theo dõi một thiết bị thông qua vị trí GPS, quân đội Mỹ có thể đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp phát sinh mà không lường được. Không ít trường hợp mục tiêu được lựa chọn và bị theo dõi qua điện thoại, nhưng phải mất vài tháng hoặc vài năm họ mới chợt nhận ra rằng cái mà họ tưởng là mục tiêu chẳng qua là điện thoại của một người gần gũi, như thân nhân chẳng hạn.
The Intercept cũng dẫn một số tài liệu rò rỉ cho thấy sự bất đồng giữa chính sách trên giấy tờ của Mỹ với thực tế áp dụng liên quan đến cái chết của dân thường. Trong bản chỉ dẫn tháng 5.2013, Tổng thống Obama nhấn mạnh Mỹ chỉ sử dụng UAV không kích những mục tiêu là “kẻ khủng bố liên tục đe doạ đến mạng sống dân Mỹ”, và khi “gần như chắc chắn là không có dân thường nào thiệt mạng hoặc bị thương”. Thế nhưng, cái mà The Intercept thu được lại ghi rõ chỉ cần hạn chế được tổn hại ngoài dự kiến ở mức thấp là đủ để bật đèn xanh cho vụ tấn công. Trước những câu hỏi về những bất đồng trong chính sách trên, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ không đưa ra giải thích nào ngoài câu “những chỉ dẫn này đến nay vẫn còn hiệu lực”.
Việc chính quyền Washington ngập ngừng trong việc đưa ra lời giải thích được cho là đáng lo ngại, theo một nguồn tin. Trên thực tế, một trường hợp được nêu chi tiết trong tài liệu vừa công khai cho thấy một chiến dịch đặc biệt được triển khai ở miền đông bắc Afghanistan đã giết nhiều người hơn dự kiến. Trong khi đó, chiến dịch này từng được mô tả là mẫu hình tiềm năng cho tương lai chiến đấu của Mỹ. Vào khoảng giữa tháng 1.2012 và tháng 2.2013, một cuộc không kích đã giết chết 200 người, nhưng chỉ có 35 trong số này là mục tiêu. Trong một giai đoạn kéo dài 5 tháng, gần 9 trong 10 vụ thương vong xảy ra do nạn nhân đứng gần mục tiêu tìm diệt.
Không những thế, với quá ít thông tin về tình hình ở Yemen và Somalia, The Intercept cho rằng con số nạn nhân thiệt mạng một cách oan uổng còn cao hơn nhiều lần so với Iraq và Afghanistan.
Tài liệu rò rỉ cũng cho thấy chính quyền Obama đã che đậy những cái chết của dân thường bằng cách gán mác “kẻ thù” cho nạn nhân. Trừ phi có chứng cứ xác đáng đủ sức lật lại chiêu bài này, những vụ tử vong vẫn được ấn định là tiêu diệt thành công địch thủ. “Bất cứ người nào đứng gần mục tiêu coi như bị tội liên đới”, theo The Intercept dẫn một nguồn tin. Trên thực tế, khi một vụ không kích bằng UAV khiến hơn 1 người thiệt mạng, không thể nào đảm bảo rằng những người đó đáng chết.
Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và JSOC vẫn chưa phản hồi về các bài báo trên trang The Intercept. Nhưng một điều chắc chắn là quân đội Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng triển khai số chuyến bay không người lái trong 4 năm tới, trao thêm quyền do thám, thu thập thông tin tình báo và tiêu diệt mục tiêu cho các tư lệnh vùng.
Tử hình không báo trước
Giải thích cho động cơ tiết lộ những tài liệu gây sốc trên, nguồn tin của 
The Intercept nói rằng lương tâm đã buộc mình làm như vậy.
Người này cho rằng hoàn toàn sai lầm khi tồn tại một danh sách theo dõi với những cái tên được liệt kê theo thứ tự, với các vụ tử hình không thông báo trước. “Quân đội đã trở nên nghiện vận dụng cỗ máy này”, nguồn tin nói tiếp.
Trong khi đó, nhà báo Jeremy Scahill viết trên The Intercept: “Dư luận có quyền được đọc những tài liệu trên không chỉ vì cần phải tham gia vào cuộc tranh luận về tương lai của các trận chiến Mỹ đang triển khai, mà còn để hiểu thêm về những tình huống, theo đó Washington cho rằng họ có quyền xử tử các cá nhân mà không cần điều tra, cũng như thực hiện các bước như bắt giam, xét xử và kháng án”.

 

Thụy Miên