Đừng nghĩ vì nghèo mà không ráng học
Những tân sinh viên nghèo trong câu chuyện mà chúng tôi vừa gặp có khi cơm ăn không đủ no, trời lạnh không đủ áo ấm để mặc.
CHƯƠNG TRÌNH “VÌ NGÀY MAI PHÁT TRIỂN” LẦN THỨ 408 CỦA BÁO TUỔI TRẺ
Đừng nghĩ vì nghèo mà không ráng học
Những tân sinh viên nghèo trong câu chuyện mà chúng tôi vừa gặp có khi cơm ăn không đủ no, trời lạnh không đủ áo ấm để mặc.
Hờ A Sánh đã quen mỗi lúc rảnh rỗi lại giúp các cô giáo chăm sóc vườn mía, ruộng rau, nuôi heo… – Ảnh: N.V.Hải |
* Học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho 120 tân sinh viên vượt khó 6 tỉnh Tây Bắc, trao tại TP Lai Châu tối 18-10
* Tổ chức: Báo Tuổi Trẻ, Tỉnh đoàn, Sở GD-ĐT các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái và Hòa Bình
* Tài trợ: Quỹ khuyến học Vinacam
Các bạn đến từ nhiều vùng quê khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh nhưng đều có chung ý chí vượt qua cái nghèo, cái đói với quyết tâm: phải học!
Côi cút giữa đời
Năm nay 19 tuổi nhưng Hờ A Sánh (quê Yên Bái) đã có 13 năm sống ở Trung tâm Công tác xã hội và bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái. Đi cùng Sánh suốt hành trình đi học, đi thi, làm thủ tục nhập học tại Hà Nội không phải là người nhà, người thân của Sánh, mà là các cô chú ở trung tâm bảo trợ xã hội.
Ngày Sánh làm thủ tục xét tuyển vào trường đại học, các cô ở trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái đã tính toán thay: thi vào trường nào để Sánh được nuôi ăn, nuôi học mà không mất quá nhiều kinh phí, vào trường nào để Sánh có nhiều cơ hội tự lập về nghề nghiệp sau khi ra trường? Không phụ lòng mong mỏi của mọi người, Sánh vừa thi đậu vào khoa luật học Đại học Luật Hà Nội.
“Thật xúc động và nghẹn ngào khi tôi được trình bày hoàn cảnh của mình cho các cô chú nghe. Tôi sinh ra trong một gia đình dân tộc Mông tại xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã.
Hoàn cảnh càng khó khăn hơn khi vào năm 2001, bố mẹ tôi trên đường đi vay vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện dành cho hộ nghèo thì một vụ tai nạn thảm khốc xảy ra. Chiếc xe khách lao xuống vực làm cả bố mẹ tôi đều thiệt mạng. Sáu anh em trở nên bơ vơ, nỗi đau và mất mát quá lớn.
Năm 2002, ba anh em được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Yên Bái. Lúc ấy tôi mới 6 tuổi. Môi trường xa lạ, nhiều cái bỡ ngỡ, điều khiến tôi khổ tâm nhất là không nói được tiếng phổ thông khiến cuộc sống bị xáo trộn.
Lúc ấy trung tâm lại không có người Mông nên tôi thấy chán nản, lạc lõng vô cùng. Ba anh em đã ôm nhau khóc vì nhớ nhà, nhớ anh chị em, nhớ sự quan tâm ân cần của bố mẹ…” – Hờ A Sánh viết trong lá thư kín bốn mặt giấy gửi đến Tuổi Trẻ.
Ý thức được hoàn cảnh của mình, anh em Sánh thường nhắc nhở nhau phải học tập thật tốt. “Ở trung tâm bảo trợ xã hội dù thiếu thốn tình thương của bố mẹ nhưng anh em tôi không bị đói ăn, trời lạnh có áo ấm để mặc. Anh trai luôn nhắc nhở tôi rằng mình đừng viện cớ vì nghèo không học được mà luôn có quyết tâm: phải học!” – Sánh kể.
Không phụ công của anh trai và các cô chú ở trung tâm, từ khi vào lớp 1 Sánh luôn học tại các trường điểm của TP Yên Bái. Ba năm cấp III, Sánh đều nằm trong lớp chọn toán. Anh trai Sánh hiện đang là sinh viên năm 3 Trường đại học Thuỷ lợi Hà Nội. Em trai Sánh, Hờ A Lao đang là học sinh lớp 12 Trường THPT dân tộc vùng cao Việt Bắc, được thầy cô đánh giá kết quả học tập còn xuất sắc hơn cả hai anh.
Tôi gặp Sánh tại thủ đô, giữa những ngày Sánh chưa hết bỡ ngỡ ở Hà Nội đã phải tất bật đi kiếm việc làm thêm. Ngày xuống Hà Nội nhập học, Sánh được trung tâm cho tạm ứng hơn 6 triệu đồng đóng học phí.
Theo quy định, các em ở trung tâm bảo trợ xã hội được Nhà nước nuôi ăn đến năm 22 tuổi. Vậy là mỗi tháng các cô cắt phần ăn của Sánh ở trung tâm và chuyển số tiền 800.000 đồng xuống Hà Nội để Sánh duy trì cuộc sống.
Với 800.000 đồng mỗi tháng thì Sánh sẽ sống ra sao? “Tôi tính toán rồi, sáng nhịn bữa sáng, cơm trưa 15.000 đồng/bữa, mì gói tôi đã mua một thùng để tối ăn dần! Chỉ lo kết quả học tập vì tôi không có nhiều tiền để mua giáo trình và các tài liệu tham khảo” – Sánh bảo vậy. Những ngày cuối tháng, trong túi chàng sinh viên mồ côi chỉ còn 200.000 đồng cầm cự đến tháng sau.
Sìn Văn Hưởng nói sẽ cố gắng học tốt với mong ước trở về quê hương làm giáo viên – Ảnh: N.V.Hải |
Gánh nặng trên vai
Trong khi các sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội nhập học từ cuối tháng 8 thì mãi đến cuối tháng 9, Sìn Văn Hưởng (19 tuổi, dân tộc Thái) mới rời quê nhà Lai Châu xuống Hà Nội làm thủ tục nhập học.
Hành trang Hưởng mang về Hà Nội là số tiền 1,5 triệu đồng của các thành viên Đoàn xã Trung Đồng, Huyện đoàn Tân Uyên (tỉnh Lai Châu) gom góp. Chị Nguyễn Thị Hồng Nguyên (phó bí thư Huyện đoàn Tân Uyên) cho biết nếu không có sự gom góp và động viên kịp thời của địa phương thì Hưởng đã phải nghỉ học. Trước đó vì bố mẹ ngăn cản, Hưởng đã bỏ lỡ cơ hội nộp hồ sơ vào Học viện An ninh nhân dân.
Căn nhà ván, tre nứa ghép của gia đình Hưởng ở bản Tát Xôm 3, xã Trung Đồng là một trong hai ngôi nhà cao nhất trên ngọn đồi Tát Xôm. Từ đường đất lên nhà Hưởng, chúng tôi phải leo qua một con dốc mệt bở hơi tai.
Ngôi nhà ấy không có tài sản gì đáng giá ngoài đôi heo con mà người chú thương tình vừa cho gia đình Hưởng để chăn nuôi làm vốn. Khi chúng tôi đến, bố Hưởng vắng nhà vì đang lên huyện giải ngân vốn vay dành cho hộ nghèo.
Căn bệnh bùn túi mật mấy năm nay khiến bà Lò Thị Chắp (39 tuổi, mẹ Hưởng) không làm được việc gì nặng. “Muốn cho con đi học lắm chứ, nhưng nhà khó khăn quá! Miếng ăn không đủ thì lấy tiền đâu mà học” – bà Chắp nói bằng vốn tiếng Kinh ít ỏi.
Nguồn sống của gia đình Hưởng trông nhờ vào hai sào lúa. Đất nương khô cằn, mỗi năm chỉ trồng được một vụ, gặt vào tháng 9 được 15 bao thóc. Ngày mới gặt lúa thì cả nhà Hưởng được ăn no.
Ngày giáp hạt thì cơm độn ngô, khoai, sắn. Thức ăn với cơm quanh năm là muối trắng, rau rừng, ngọn cây sắn muối chua, cơm chan nước chè… Cũng như đa số người dân ở đây, Hưởng không có việc gì làm thêm để kiếm ra tiền.
Sau giờ học, anh em Hưởng đi mò cua bắt ốc, đi lấy củi giúp mẹ. May mắn hơn thì có người gọi đi hái chè, đi gặt thuê. Vậy mà suốt những năm cấp III, năm nào Hưởng cũng là học sinh giỏi cấp tỉnh môn lịch sử.
Chúng tôi chứng kiến cảnh em trai Hưởng là Sìn Văn Tưởng (17 tuổi) mặt buồn xo vì bị bố mẹ bắt phải nghỉ học khi vừa tốt nghiệp lớp 9. Ngày bị mẹ bắt nghỉ học, Tưởng đã khóc mấy đêm ròng. Nhìn em trai, Hưởng bảo: “Em sẽ cố gắng học tốt để trở về quê hương làm giáo viên dạy môn lịch sử, để lo cho gia đình”. Chàng trai dân tộc Thái về thủ đô nhập học mang theo cả khát vọng của cậu em trai nơi quê nhà…
Tấm lòng của cô Nguyệt Khi biết câu chuyện của Hờ A Sánh và Sìn Văn Hưởng, chương trình hỗ trợ sinh viên nghèo của cô Tôn Thị Thu Nguyệt (cựu giảng viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội) đã đồng ý hỗ trợ hai bạn. Mỗi sinh viên nhận hỗ trợ từ chương trình của cô Nguyệt sẽ nhận được 800.000 đồng/tháng. Nhưng vì chưa xin được hỗ trợ cho cả Sánh và Hưởng cùng lúc, lại không nỡ để một trong hai bạn phải khó khăn, cô Nguyệt đã nghĩ ra cách chia đôi số tiền hỗ trợ. Vậy là mỗi tháng, trước mắt Hưởng và Sánh sẽ được nhận hỗ trợ 400.000 đồng. Số tiền ít ỏi ấy hi vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh để hai tân sinh viên nghèo thêm vững bước trên con đường tương lai… |