10/01/2025

Môn nào cũng phải soạn bài

Hai câu chuyện của hai bạn đọc – đều là nhà giáo – gửi cho Tuổi Trẻ về nỗi khổ của học sinh thời nay: học thuộc lòng và soạn bài, với bất cứ môn học nào.

 

Môn nào cũng phải soạn bài

 

Hai câu chuyện của hai bạn đọc – đều là nhà giáo – gửi cho Tuổi Trẻ về nỗi khổ của học sinh thời nay: học thuộc lòng và soạn bài, với bất cứ môn học nào.




“Trừ môn thể dục ra thì môn học nào giáo viên cũng bắt buộc học sinh soạn bài trước khi lên lớp học. Với nhiều môn tự nhiên, cần thí nghiệm, các em chưa thực hành trên lớp thì biết gì mà soạn bài?

Hiện nay các học sinh không chỉ quá tải về nội dung chương trình học mà còn quá tải về việc soạn bài. Trừ môn thể dục ra thì môn học nào giáo viên đều bắt buộc các em phải soạn bài trước khi lên lớp học. Việc soạn ở đây là trả lời các câu hỏi trong bài học.

Nghĩa là bài học có bao nhiêu câu hỏi thì phải trả lời hết bấy nhiêu, trừ những câu hỏi khó (câu hỏi có dấu sao* dành cho học sinh giỏi). Muốn trả lời được các câu hỏi ấy, đòi hỏi các em phải đọc thật kỹ, tìm hiểu thật sâu bài học nhiều lần nên tốn rất nhiều thời gian. Em nào thật giỏi phải mất hơn một giờ tìm hiểu mới trả lời hết câu hỏi.

Ở bậc THCS, mỗi buổi học ít nhất các em phải học từ ba đến năm môn, nên phải soạn bài cho chừng ấy môn học. Để soạn hết đòi hỏi các em phải mất cả buổi, có khi cả ngày. Ngoài ra, đâu phải em nào cũng hiểu hết bài để trả lời được nên rất khó cho các em.

Là thầy cô giáo, muốn dạy và trả lời câu hỏi chúng tôi còn phải tìm hiểu bài học cả buổi, huống chi là học sinh!

Điều vô lý hơn là những bài học về thí nghiệm ở các môn tự nhiên như hóa, sinh, lý, khi các em chưa được hướng dẫn của giáo viên thí nghiệm trên lớp thì biết gì mà trả lời…

Chính vì vậy dẫn đến một hệ quả xấu là để nhanh gọn và chính xác, học sinh cứ lấy sách giải ra chép lại câu trả lời, nên cuối cùng dù các em có soạn bài đầy đủ, tốn thời gian, giấy mực nhưng thật ra không hiểu gì cả! Ngoài ra còn có chuyện mà lâu nay xã hội lên tiếng là học sinh phải đi học thêm để cô thầy giáo “soạn hộ” bài, mà ta hay gọi là dạy trước chương trình!

Mặt khác, khi đã tốn quá nhiều thời gian vào việc soạn bài mới thì các em lại không có thời gian để học bài, làm bài tập cho bài cũ, nên dẫn đến việc các em không hiểu bài, không thuộc bài, hụt hổng kiến thức ở những bài học tiếp theo. Em học khá giỏi còn gượng được, nhưng với các em có học lực trung bình và yếu thì sẽ đuối hẳn – kiến thức môn học ở các em không chắc, đã yếu kém lại càng yếu kém hơn!

Trước thực tế đáng lo đó, theo tôi, không nên bắt buộc học sinh phải soạn hết câu hỏi ở bài học mới, và cũng không nhất thiết môn học nào cũng soạn bài trước. Chỉ cần học bài và làm bài cũ cho thật tốt là được rồi.

Còn bài mới, nếu em nào có thời gian thì tìm hiểu trước, còn không cứ để lên lớp thầy và trò cùng khám phá bài học, có như thế các em mới ham học và thấy việc học nhẹ nhàng, có hứng khởi để học tốt hơn.

Còn khổ dài dài

Đang chuẩn bị đi làm, thấy con cầm tờ giấy ngập ngừng và khẩn khoản: “Mẹ ký giúp con rồi hãy đi”. Tôi cầm vội tờ giấy trong tay con đọc gấp. Thì ra là “Bản kiểm điểm” vì con đã không học thuộc bài môn học “Giáo dục quốc phòng”.

Thấy vậy tôi trách con: “Môn học này có khó gì đâu mà con không học bài. Con dạo này học hành lơ là lắm”. Nghe mẹ nói, con liền phân trần: “Con cũng mệt mỏi lắm mẹ ạ! Con học liên tục mà không kịp vì bài dài quá. Môn nào thầy cô cũng cho ghi mỏi cả tay, bắt học thuộc lòng từng chữ”.

Nói rồi, con tỏ ra bức xúc: “Giáo dục quốc phòng mà thầy cầm sách đọc chép đến mấy trang. Khi gọi dò bài, thầy cầm quyển sách để xem có thiếu dòng nào không. Môn giáo dục công dân cũng thế, cô giảng thì ít mà ghi thì nhiều. Chưa nói đến môn sử, môn địa cứ đọc cho ghi đầy vở rồi bắt học thuộc. Ngày nào cũng học năm tiết, con học bài không thể nào kịp được”.

Buồn mà trách con thế chứ tôi cũng hiểu, từ ngày vào lớp 10 lịch học của con cứ xoay đến chóng mặt, có khi cả ngày không thấy mặt con một lần. Sáng ra con vội vàng đi học thêm, trưa về vào phòng học bài và đi học buổi chiều.

Chiều tan học, con chỉ kịp sà vào hàng quán nào đó ven đường ăn vội ổ bánh mì hoặc tô bánh canh rồi chạy vội tới lớp học thêm, học xong lớp này lại tất tả chạy sang lớp khác. Hôm nào con về nhà cũng gần 10g đêm, mặt mũi bơ phờ, mệt mỏi, chẳng còn đủ sức ăn được miếng cơm cho tử tế, lại lê vào phòng ngủ vùi như chết.

Thấy con học ra rả như ve kêu, thương con tôi khuyên cháu đừng nên học thuộc lòng mà chỉ nắm ý chính của bài, cùng với việc nhớ lại lời thầy cô giảng là được, chứ môn nào cũng phải ra sức học thuộc lòng từng chữ thì mất thời gian và vất vả lắm.

Nghe tôi nói vậy, cháu trả lời: “Kiểm tra bài cũ thầy cô thường cầm sách dò từng chữ, nếu bạn nào trả lời thiếu hoặc khác ý trong sách lập tức bị thầy cô hỏi “Về nhà chưa học bài hả?”. Kiểm tra 15 phút thường không báo trước, còn kiểm tra 1 tiết thì phải học thuộc lòng đến cả chương trong sách giáo khoa dài ơi là dài!”.

Nói là nói vậy nhưng cháu cũng học theo lời khuyên của tôi. Thấy con đỡ vất vả và có chút thời gian thư giãn, tôi cảm thấy rất vui. Nhưng vui chưa được bao lâu thì một buổi đi học về, con phụng phịu: “Tại mẹ mà hôm nay con lại phải viết bản kiểm điểm. Thầy gọi con lên trả bài, chưa để con trình bày hết ý thầy đã kết luận: “Em không thuộc bài đúng không?” và cho con về chỗ”.

Vì là người trong nghề, vậy mà chẳng giúp gì được cho con, tôi buồn lắm, chỉ biết nghĩ thầm: “Nếu ngành giáo dục vẫn còn những thầy cô giáo máy móc như thế thì còn nhiều học sinh phải khổ dài dài!”.

PHAN TUYẾT

NGUYỄN VĂN TÚ