10/01/2025

Học mà không biết hành

Đối với nhiều giáo viên và học sinh, chương trình học nghề trong trường phổ thông hiện nay chủ yếu để lấy điểm cộng chứ không thể áp dụng vào thực tế.

 

Học mà không biết hành

 

 

 

Đối với nhiều giáo viên và học sinh, chương trình học nghề trong trường phổ thông hiện nay chủ yếu để lấy điểm cộng chứ không thể áp dụng vào thực tế.



 

Rất ít môn nghề để học sinh lựa chọn, chủ yếu chỉ có tin học, điện dân dụng - Ảnh: Đào Ngọc ThạchRất ít môn nghề để học sinh lựa chọn, chủ yếu chỉ có tin học, điện dân dụng – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Theo văn bản hướng dẫn thực hiện, hoạt động nghề phổ thông nhằm giáo dục cho học sinh (HS) hiểu, có ý thức, thái độ, kỹ năng cơ bản về nghề nghiệp. Từ đó tạo cho HS hứng thú, có kỹ năng thực hành để làm ra sản phẩm, biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Nhưng điều này chỉ trên lý thuyết.
Năm lớp 11, N.H.Q (Q.5, TP.HCM) đã được học điện dân dụng. Khi đường dây điện nhà trục trặc, phải thay công tắc, Q. lúng túng không dám xử lý. “Tôi thấy cháu không tự tin nên cũng không dám để con làm, đành phải nhờ hàng xóm. Vậy mà cháu xếp loại khá môn nghề”, mẹ của HS này chia sẻ.
Hiệu trưởng nhiều trường nhìn nhận việc học nghề hiện nay đúng với câu “cưỡi ngựa xem hoa”, học mà không hành được. Điều này còn thể hiện qua việc trường áp đặt môn học, không để HS tự lựa chọn môn phù hợp. Đã từng xảy ra việc nhóm HS nữ của một trường THPT tại Q.5 phản đối khi giáo viên chủ nhiệm yêu cầu cả lớp đăng ký học nghề môn điện dân dụng. Tương tự, một phụ huynh tại Q.Tân Bình cho biết chỉ thấy nhà trường thông báo học nghề môn tin học.
 
 

Học để được cộng điểm

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thí sinh có chứng nhận nghề phổ thông trong kỳ thi do sở GD-ĐT tổ chức ở bậc THCS, tuỳ xếp loại trung bình, khá hoặc giỏi sẽ được cộng lần lượt từ 0,5 – 1 – 1,5 điểm vào điểm xét tuyển lớp 10. Còn trong xét tốt nghiệp THPT, căn cứ vào xếp loại ghi trong chứng nhận, HS sẽ được cộng từ 1 – 3 điểm

.

 

Thực tế hầu hết các trường tổ chức cho HS đăng ký học nghề các môn như tin học, điện dân dụng, nhiếp ảnh… Hiệu trưởng một trường ngoài công lập thừa nhận: “Trường chỉ tổ chức một môn, đằng nào cũng học cho xong mà lại dễ quản lý”.

Mặt khác, theo nhiều hiệu trưởng, HS không hứng thú học nghề vì tâm lý phụ huynh không thích, cơ sở vật chất các trường không đáp ứng mục tiêu môn học, HS không được thực hành nhiều… Nhưng vì được cộng điểm trong tuyển sinh lớp 10 và xét tốt nghiệp THPT nên HS buộc phải học. Hiệu trưởng một trường THCS tại Q.Tân Phú trần tình: “Ở bậc THCS, môn nghề là môn tự chọn nên nhà trường phải “dụ” quy định cộng điểm cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 để phụ huynh cho con tham gia. Chứ nếu để HS tự nguyện đăng ký thì e rằng khó tổ chức lớp học này”. Vì học để lấy điểm cộng nên HS học để ứng phó, thi xong là quên ngay kiến thức. Ngay cả giáo viên cũng không bận tâm đến giá trị thực tiễn của môn học này nên có người gần đến ngày thi, giao câu hỏi yêu cầu HS học thuộc. Kết quả, hầu hết HS đều đạt loại khá giỏi.
Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng sắp tới khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, có tính định hướng nghề nghiệp tiếp cận với yêu cầu đào tạo nghề nghiệp thì môn nghề phổ thông phải thay đổi. Ông Nguyễn Văn Vượng, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho rằng nội dung chương trình cần phù hợp với thực tế, có tính dự đoán về sự phát triển nghề trong tương lai và phải có sự đầu tư cơ sở vật chất, nên có xưởng trường tại chỗ để đáp ứng nhu cầu học, thực hành cho HS.
Cũng có ý kiến đề nghị phải tách mọi quyền lợi liên quan đến các kỳ thi thì việc học và dạy môn này mới đi đúng thực chất.

Bích Thanh