29/11/2024

Bán kẹo cao su nuôi mộng giảng đường

Cậu bé bán kẹo dạo ngày nào giờ đã là tân sinh viên ngành khoa học và kỹ thuật vật liệu và vừa tiếp tục thi đậu vào hệ đào tạo kỹ sư chất lượng cao Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

 

Bán kẹo cao su nuôi mộng giảng đường

 

 

Cậu bé bán kẹo dạo ngày nào giờ đã là tân sinh viên ngành khoa học và kỹ thuật vật liệu và vừa tiếp tục thi đậu vào hệ đào tạo kỹ sư chất lượng cao Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.




Chung đang học bài tại ký túc xá - Ảnh: Nam Trần
Chung đang học bài tại ký túc xá – Ảnh: Nam Trần

Người dân xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hoá đã quen với những dịp tết, khi nhà nhà lo trở về sum họp thì mẹ con cậu bé Đoàn Công Chung lại tất tả sắp xếp đồ đạc lên đường đi bán hàng dạo, kiếm chút tiền để nối dài hơn con đường học hành…

Cậu bé bán kẹo dạo ngày nào giờ đã là tân sinh viên ngành khoa học và kỹ thuật vật liệu và vừa tiếp tục thi đậu vào hệ đào tạo kỹ sư chất lượng cao Trường ĐH Bách khoa Hà Nội qua bài thi toán và tiếng Anh đặc biệt.

Tết tha phương

Bố mất sớm vì ung thư, mẹ đau ốm liên miên, gia đình chạy ăn từng bữa, Chung là cậu bé kề cận bên mẹ lúc trái gió trở trời. Không ngại vất vả, không sợ bạn bè chê cười, chỉ cần kiếm được tiền để đỡ đần mẹ và tự nộp học phí cho mình là Chung cảm thấy vui rồi.

Vì thế, “Nếu dịp hè, từ xã Quảng Hải tôi đi chừng 8km đến Sầm Sơn để bán dạo suốt mùa du lịch, thì ngày tết lại cùng mẹ đón xe đò đi gần 200km ra Hà Nội. Suốt thời tiểu học nối lên THCS, năm nào cũng vậy, khi những người đi làm ăn xa trở về nhà thì hai mẹ con lại sửa soạn rời quê…” – Chung bồi hồi nhớ lại.

Vào dịp tết Hà Nội thường rất vắng. Người xa quê phải ở trọ lo kiếm sống như hai mẹ con Chung rất ít, nhiều lúc tủi thân muốn khóc. Năm nào hai mẹ con cũng đón giao thừa ở ngoài đường. Mỗi cái tết tha hương, mẹ con Chung kiếm được chừng 2 triệu đồng từ việc bán tăm, kẹo cao su…

Số tiền đó một phần mẹ dành để trang trải chi tiêu sinh hoạt cho cả gia đình, phần còn lại dành cho Chung đóng tiền học.

Nhưng trong quãng ngày vất vả đã có những người tốt dang tay giúp đỡ cậu bé nghèo xứ Thanh. “Năm đó cũng vào tết, em đi ngang qua Hàng Chuối (Hà Nội), có một người đàn ông, sau này em mới biết đó là ông Trần Văn Thành, nguyên tổng biên tập báo Phụ Nữ Việt Nam, đã mua hàng và giúp em tiền học trong suốt những năm phổ thông…” – Chung kể.

Viết sách, làm gia sư qua… điện thoại

Mấy năm liền đi học THPT, Chung đều được các thầy cô cưu mang đóng thay tiền học thêm. Còn học phí ở lớp Chung cũng được miễn vì em thuộc hộ nghèo.

Thầy Lê Văn Cường – chủ nhiệm lớp 12T3 Trường THPT Quảng Xương 1 – nhắc đến cậu trò giỏi nhất lớp không chỉ bằng những thành tích học tập mà còn ở tinh thần vượt khó “chưa từng thấy”. Lớp 12, dù việc học tập vất vả nhưng nhiều hôm thầy không thấy Chung đến lớp. Liên hệ gia đình mới biết đó là những ngày cậu trò phải nghỉ học để đi làm đồng phụ mẹ…

Vào đời sớm đã rèn cho Chung bản tính hay lo xa. Vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia, dù chưa biết kết quả thế nào, về nhà Chung đã xắn tay tìm cách có thêm thu nhập. Một tháng trước khi nhập trường, Chung đã làm gia sư cho hai học sinh gần nhà với thù lao 500.000 đồng/em/25 buổi liên tục. Một người bạn cùng quê có mục tiêu thi lại vào một trường quân đội trong năm tới đã nhờ Chung làm gia sư khi ra Hà Nội.

“Tuyển chọn 150 bài hệ phương trình đặc sắc chinh phục kỳ thi THPT quốc gia” dày 64 trang được Chung viết trong gần hai tháng sau kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã được đưa lên nhiều trang mạng, thu hút sự quan tâm của học sinh phổ thông.

Tám cuốn sách dưới dạng photo đã được bán với giá 120.000 đồng/quyển. Khi sách được đưa lên mạng xã hội của một nhóm luyện thi, một học sinh từ Thừa Thiên – Huế đã liên hệ với Chung nhờ làm gia sư… qua điện thoại. Vài buổi một tuần, cô học trò xứ Huế gọi điện để nghe Chung giảng bài qua điện thoại…

NGỌC HÀ – VĨNH HÀ