29/11/2024

Hợp tác xã kiểu mới của Thắm

Ở hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đức Huệ không còn cảnh nông dân trồng lúa lội ruộng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa. Họ giao đất cho HTX canh tác, cuối vụ đến nhận tiền bán lúa rồi… đem gửi tiết kiệm.

 

Hợp tác xã kiểu mới của Thắm

 

Ở hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Đức Huệ không còn cảnh nông dân trồng lúa lội ruộng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nữa. Họ giao đất cho HTX canh tác, cuối vụ đến nhận tiền bán lúa rồi… đem gửi tiết kiệm.




Anh Huỳnh Thanh Thắm (trái) khảo sát cánh đồng lúa mà HTX nhận khai thác cho nông dân - Ảnh: Vân Trường
Anh Huỳnh Thanh Thắm (trái) khảo sát cánh đồng lúa mà HTX nhận khai thác cho nông dân – Ảnh: Vân Trường

Nhiều lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã đến tận nơi tìm hiểu và đánh giá đây là mô hình sản xuất nông nghiệp mang tính đột phá, hiệu quả cao. Người sáng lập và chọn hướng đi không giống ai cho HTX Đức Huệ là anh Huỳnh Thanh Thắm, 37 tuổi, nông dân chính hiệu ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười.

Phi nông bất ổn

Đầu tháng 10-2015, chúng tôi đi theo anh Thắm len lỏi qua các con đường bêtông nhỏ xíu vào sâu trong đồng kiểm tra độ chín của lúa để ấn định ngày thu hoạch vụ ba.

“Vụ này lúa không trúng như kỳ vọng. Mấy đám ruộng mới thu hoạch chỉ được 5,5 tấn/ha. HTX phải bù cho đủ 7 tấn/ha để thanh toán cho nông dân. Cũng may vụ đông xuân đầu năm lúa trúng nên bây giờ có cái để bù. Tính sơ sơ dù lúa không trúng thì HTX cũng không lỗ, mà nông dân lời nhiều. Vậy là vui rồi!” – anh Thắm nói.

Bảy, tám tuổi Thắm đã phải ra đồng phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng. Từ nhổ cỏ, giặm lúa xịt thuốc, rải phân, bơm nước, thu hoạch lúa, lái máy cày làm đất… anh đều phải làm hết.

Cuộc sống cơ cực đã níu chân Thắm ở lại ruộng lúa của gia đình sau khi học xong lớp 12 chứ không thể tiếp tục thi vào đại học như bao bạn bè khác.

Làm lúa mãi không có dư nên Thắm thuyết phục gia đình bỏ lúa trồng sen vì huyện Tháp Mười là xứ sở của loài hoa này. Nhưng thu nhập từ sen còn tệ hơn lúa nên anh lại bỏ sen trồng dưa hấu, sau đó bỏ dưa nuôi cá tra, cá rô…

Buông thứ này, bắt thứ kia cực khổ trăm bề nhưng kết quả vẫn là con số 0 tròn trĩnh. Thắm nói như một nhà kinh tế học: “Sau những lần làm ăn thất bại đó, tôi mới nhận ra căn nguyên chính là không am hiểu kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm và nhất là mù tịt về thị trường”.

Năm 30 tuổi, trong một lần trà dư tửu hậu, anh vô tình nghe ai đó nhắc câu nói của người xưa: “Phi thương bất phú, phi nông bất ổn”. Về nhà, anh bàn với gia đình dốc vốn liếng mở đại lý bán phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Anh tham gia hầu hết các lớp tập huấn kỹ thuật, thông tin thị trường nông nghiệp tổ chức ở huyện Tháp Mười và tỉnh Đồng Tháp. Không hiểu vấn đề gì, lĩnh vực nào anh đều chủ động tìm hiểu qua báo, đài, Internet. Kinh tế gia đình anh cũng ổn định hơn những năm chăm bẳm làm ruộng.

Tuy nhiên chỉ sau bốn năm kinh doanh, anh quyết định bỏ nghề bất chấp sự can ngăn của người thân trong gia đình.

Hỏi lý do, anh trầm ngâm một lúc rồi nói: “Nghề bán vật tư nông nghiệp rất dễ làm giàu nhưng tôi thấy nó dễ thất đức lắm. Vì ham làm giàu là phải gian lận, không nhiều thì ít. Dễ nhất là bán cho người ta hàng loại 2 với giá loại 1 hoặc kê giá lên để lời nhiều.

Vật tư nông nghiệp là một mê hồn trận, người trong nghề có khi còn bị lầm, nói chi nông dân. Mình buôn bán ở quê, nếu lừa thì lừa người thân và bà con nông dân nghèo ở địa phương mình chứ ai”.

Thắm bảo động lực lớn nhất thôi thúc anh từ bỏ hẳn công việc kinh doanh chính là đợt dịch rầy nâu và bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá càn quét qua vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2008 – 2009.

Bán thuốc cho nông dân, cầm rất nhiều tiền trong tay nhưng anh không hề thấy vui, vì hơn ai hết anh biết rõ đó là tiền vay bạc hỏi, tiền mồ hôi nước mắt của nông dân.

Thành lập hợp tác xã

Thắm kể một hôm ngồi uống cà phê vô tình nghe được bí mật của giới thương lái mua lúa. Một người khoe mới xay một ghe 70 tấn lúa, lời được mấy chục triệu đồng.

Người này còn nói: “Dân ở đó ngu lắm! Tui lấy cớ doanh nghiệp không mua gạo đòi hạ giá lúa thì mới mua, không thì tui bỏ tiền cọc. Mấy ổng tưởng thiệt chịu hạ giá liền”.

Phải kiềm chế lắm anh mới không đến “hỏi chuyện” mấy ông thương lái này. Cũng từ thông tin đó mà anh tự giải thích được vì sao nông dân như anh cứ 
nghèo hoài.

Thời điểm đó tỉnh Đồng Tháp đang triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến khích thành lập HTX kiểu mới để tập hợp nông dân tổ chức sản xuất lớn. Thắm nghĩ đây là cơ hội tốt để không còn bị thương lái chửi ngu nữa nên đứng ra rủ rê anh em, bạn bè trong xã góp vốn, góp máy móc thành lập HTX dịch vụ nông nghiệp lấy tên Đức Huệ.

Anh giải thích: “Chữ Đức Huệ có nghĩa là hiểu rõ chuyện mình đang làm và làm với cái tâm trong sáng, vì lợi ích của mọi người tham gia HTX chứ không phải lo vơ vét đầy túi mình”.

Đem ý tưởng thành lập HTX trình bày với các anh Nguyễn Phương Bình, Võ Văn Bình, Huỳnh Thanh Thiện là những người có nhiều máy cày trong xã nhưng không ai gật đầu. Anh kiên trì giải thích, cuối cùng ngày 30-7-2013 HTX Đức Huệ tổ chức hội nghị thành lập với bảy sáng lập viên. Tài sản ban đầu là bảy chiếc máy cày, vốn điều lệ 1,2 tỉ đồng. Trụ sở HTX là… nhà của Thắm.

HTX ra đời ngay khi vụ ba năm 2013 sắp bắt đầu. Bảy chiếc máy cày hoạt động không có thời gian nghỉ. Với phương châm “Dân cần thì HTX phục vụ, bất kể ở đâu”, Thắm cũng lái máy cày làm đất cho dân từ mờ sáng đến nửa đêm để kịp mùa vụ. Làm đất xong, Thắm bàn với anh em đầu tư mua máy cấy.

Cấy xong thì thuê lại trạm bơm của một tổ hợp tác hoạt động kém hiệu quả rồi đầu tư một trạm bơm nữa để bơm nước phục vụ cánh đồng rộng 700ha. Khi vụ lúa sắp thu hoạch thì HTX đầu tư mua máy gặt đập liên hợp.

Cuối vụ, HTX nhận được nhiều lời khen của nông dân về chữ tín và chất lượng phục vụ. Dù vậy nhưng mục tiêu làm lợi cho nông dân vẫn chưa thực hiện được nên Thắm phải tiếp tục nghĩ cách.

“Tôi nghĩ nếu vận động nông dân giao khoán đất cho HTX sản xuất mới có thể đạt kết quả tốt nhất. Khi đó họ không phải lo gieo sạ giống gì, ngày nào rải phân, lúc nào xịt thuốc, kêu máy của ai thu hoạch, bán lúa cho thương lái nào, giá ra sao, lời hay lỗ.

Mọi chuyện do HTX làm hết và vẫn cam kết lợi nhuận cho họ vào cuối vụ. Có điều đem ý tưởng này ra bàn với anh em sáng lập viên HTX thì phần lớn đều… lắc đầu. Một vài người sợ thua lỗ sẽ mất hết nên rút khỏi HTX” – anh Thắm nhớ lại.

Quyết tâm

Anh Thắm đến từng nhà dân vận động, nói rõ chủ trương của HTX. Chỉ trong mấy ngày, anh thuyết phục được 45 hộ giao 100ha đất cho HTX nhận khoán thời hạn 1 – 5 năm.

“Mỗi năm sản xuất được ba vụ lúa, vụ đông xuân đạt năng suất cao nhất, còn vụ hè thu và vụ ba năng suất thấp, giá cũng thấp. Tôi quyết định ký hợp đồng đảm bảo cho nông dân có 7 tấn/ha/vụ. Ai cũng biết nếu tự làm thì khó đạt 21 tấn/ha/năm, nên khi HTX đưa ra định mức này thì họ đồng ý liền” – anh Thắm nói.

Vụ đông xuân 2014 – 2015 HTX Đức Huệ thu hoạch đạt 8 – 9 
tấn/ha. Lợi nhuận khá cao nhưng Thắm biết trước hai vụ tới sẽ thua lỗ và quyết định để dành khoản lời để bù đắp. Quả thật vụ hè thu chỉ đủ trả cho dân, còn vụ ba đang thu hoạch HTX phải bù lỗ tới 2 tấn/ha.

Dù vậy Thắm khẳng định HTX không bị lỗ, ngược lại còn lãi rất lớn ở khoản… tạo được lòng tin với nông dân về mô hình HTX kiểu mới của anh. Sau khi thấy cách làm của HTX quá hay, nhiều người chủ động xin giao đất. Trong đó ông Trần Quang Thanh giao 4,5ha; ông Võ Thanh Tân giao 9ha…

Cả ông Thanh và ông Tân đều thừa nhận mấy tháng nay không lội ruộng bón phân, xịt thuốc gì cả mà vẫn nhận 7 tấn/ha/vụ đều đều. “Nông dân tụi tui sướng như tiên vậy!” – ông Thanh hào hứng.

Thành công bước đầu cộng với sự ủng hộ tuyệt đối của lãnh đạo tỉnh càng khiến anh Thắm tự tin muốn làm nhiều hơn. Anh thông tin mặc dù chưa thu hoạch xong vụ ba nhưng rất nhiều người đã xin tham gia, giao đất cho HTX sản xuất.

Dự kiến vụ đông xuân tới HTX sẽ nhận thêm 100 – 200ha. Sau đó tiến tới tạo cánh đồng lớn 1.000ha trở lên, tức chỉ nhận của những hộ liền kề với ruộng mà HTX đang làm.

“Vốn điều lệ HTX đã tăng lên hơn 10 tỉ đồng rồi. HTX luôn có hơn 60 nhân công có tay nghề, hai kỹ sư nông nghiệp, một kỹ sư máy và rất nhiều máy móc đủ để vươn ra làm ăn lớn. Nhiều doanh nghiệp cũng đến trao đổi ký hợp đồng cung cấp vật tư và bao tiêu lúa. Nông dân rất phấn khởi mà tôi cũng rất hạnh phúc” – anh Thắm nói.

Đồng Tháp cần hàng trăm giám đốc HTX như anh Thắm

Lãnh đạo tỉnh đã đến HTX Đức Huệ nhiều lần vì rất bất ngờ với ý tưởng táo bạo của anh Huỳnh Thanh Thắm. Làm như vậy nông dân trồng lúa sướng như ông chủ, khỏi lo nghĩ mau già, lại có thời gian chăm sóc con cháu, lo cho sức khoẻ của mình hoặc làm việc khác tăng thu nhập. Tôi nghĩ hơn 156.000 hộ nông dân tỉnh Đồng Tháp ai cũng muốn sướng như thế.

Ý tưởng hay rồi, cách làm cũng rất nhân văn, đó là Thắm nhận khoán và chi trả lợi nhuận cho nông dân khá cao so với mặt bằng chung của nghề trồng lúa ở ĐBSCL.

Không phải anh không biết tính, mà vì anh chủ động chia sẻ hết lợi nhuận cho nông dân và những người góp của, góp công vào HTX chứ không coi đây là nơi để vơ vét đầy túi mình.

Hiện tôi đang hỗ trợ anh Thắm mua máy san bằng đồng ruộng, xây cất trụ sở HTX Đức Huệ đàng hoàng và cử một kỹ sư có kinh nghiệm quản trị đến ở luôn dưới đó giúp HTX mạnh thêm.

Đồng Tháp đang cần hàng trăm giám đốc HTX như anh Thắm vậy để đẩy mạnh tiến độ đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; rút lao động nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ để tăng thu nhập cho nông dân.

Ông NGUYỄN VĂN CÔNG 
(giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp)

VÂN TRƯỜNG