29/11/2024

Trung Quốc ngang nhiên vận hành hải đăng ở Trường Sa

Vẫn tiếp tục chuỗi hành vi lấn chiếm đảo của nước khác và vi phạm các luật quốc tế, Bắc Kinh vừa thông báo bắt đầu khai thác hai ngọn hải đăng trên đảo chiếm của Việt Nam.

 

Trung Quốc ngang nhiên vận hành hải đăng ở Trường Sa

 

Vẫn tiếp tục chuỗi hành vi lấn chiếm đảo của nước khác và vi phạm các luật quốc tế, Bắc Kinh vừa thông báo bắt đầu khai thác hai ngọn hải đăng trên đảo chiếm của Việt Nam.




Ngọn hải đăng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Châu Viên - Ảnh: AFP
Ngọn hải đăng Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Châu Viên – Ảnh: AFP

 

 

 

Ngày 9-10, Bộ Giao thông Trung Quốc đã tổ chức một buổi lễ khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động hai ngọn hải đăng trên đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép.

Hãng Tân Ho a xã của Trung Quốc ca ngợi hai công trình hải đăng trên là “những hỗ trợ dân sự đầu tiên cho hàng hải trong vùng biển Nam Sa (cách Trung Quốc gọi Trường Sa)”.

Tự nhiên như nhà mình

Dù liên tục bị cộng đồng quốc tế chỉ trích do những hành động đòi hỏi chủ quyền vô căn cứ trên Biển Đông, Trung Quốc dường như cố tình đặt quốc tế và các nước láng giềng vào sự đã rồi.

Tân Hoa xã tuyên bố việc xây dựng và đưa vào hoạt động hai ngọn hải đăng đánh dấu “một khởi đầu tốt đẹp” cho việc phát triển dịch vụ hỗ trợ hàng hải ở Trường Sa.

“Hai ngọn hải đăng sẽ cải thiện đáng kể điều kiện hàng hải và giảm thiểu rủi ro, tai nạn bằng cách hướng dẫn đường đi, cung cấp thông tin an toàn, cứu hộ khẩn cấp cùng các dịch vụ khác cho tàu thuyền qua lại khu vực” – Tân Hoa xã viết.

Trắng trợn hơn nữa, hãng thông tấn quốc gia của Trung Quốc thông báo Bộ Giao thông nước này sẽ tiếp tục xây dựng các công trình hỗ trợ hàng hải trong tương lai để “cung cấp dịch vụ cho các nước trong khu vực cũng như tàu bè qua lại”, tất cả vì “nghĩa vụ quốc tế và trách nhiệm”!

Bắc Kinh đã động thổ xây hai ngọn hải đăng cao 50m trên đá Châu Viên và Gạc Ma vào ngày 26-5-2015. Hải đăng Châu Viên được thiết kế hình trụ, còn ở Gạc Ma là hình nón trụ, được xây bằng bêtông cường lực và có tầm hoạt động 22 hải lý.

Trung Quốc khánh thành hải đăng xây dựng trái phép ở đá Châu Viên (Trường Sa) của Việt Nam - Ảnh: AFP
Trung Quốc khánh thành hải đăng xây dựng trái phép ở đá Châu Viên (Trường Sa) của Việt Nam – Ảnh: AFP

Trung Quốc có dám ngăn tàu chiến Mỹ?

Hai ngọn hải đăng mới khánh thành ở Trường Sa chỉ là bổ sung cho danh sách các đảo nhân tạo, đường băng máy bay, cầu cảng, công trình dân sự, quân sự… của Trung Quốc những tháng gần đây trên Biển Đông.

Tờ Financial Times của Mỹ mới đây dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ trong hai tuần tới, hải quân nước này sẽ gửi tàu chiến đến khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo Trung Quốc bồi đắp trái phép thời gian qua.

Còn trang Foreign Policy dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định Washington giờ đây đã “quyết tâm phô diễn sức mạnh quân sự” trên Biển Đông. “Câu hỏi không còn là có hay không nữa, mà là khi nào” – vị quan chức quốc phòng này nhận định.

Ngay lập tức, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản ứng quyết liệt trước thông tin trên với tuyên bố của người phát ngôn Hoa Xuân Oánh: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cho phép bất kỳ quốc gia nào xâm phạm vùng nước chủ quyền và không phận Trung Quốc ở quần đảo Nam Sa vì lý do bảo vệ tự do hàng hải và hàng không”.

Báo Guardian của Anh nhận xét động thái ra uy của Mỹ cùng phản ứng tức tối của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho thấy các quan chức Bắc Kinh và Washington đã không tìm được tiếng nói chung nào trong vấn đề Biển Đông trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ tháng vừa rồi.

Nếu thật sự diễn ra, động thái tuần tra “sát nách” của hải quân Mỹ sẽ gửi thông điệp trực tiếp đến Bắc Kinh rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là vô hiệu lực.

Theo Gulf Times, Bộ trưởng quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin mô tả việc Mỹ gửi tàu chiến đến Biển Đông là sự thực thi tự do hàng hải. “Nếu tàu chiến của họ bị thách thức, điều này có nghĩa không có tự do hàng hải (trên Biển Đông)” – ông Gazmin kết luận.

Các nước sẽ mất vùng đặc quyền kinh tế trên biển

Philippines sẽ mất 80% vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nếu Trung Quốc tiếp tục bành trướng hoạt động khẳng định chủ quyền phi pháp của mình trên Biển Đông, theo ý kiến của ông Antonio Carpio thuộc Tòa án tối cao Philippines.

Trong bài phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế (CSIS) ở Washington hôm 5-10, ông Carpio tái khẳng định yêu sách đường chín đoạn (hay đường lưỡi bò) của Trung Quốc ảnh hưởng không chỉ Philippines mà còn nhiều nước trong khu vực. Cụ thể, Malaysia sẽ mất 80% EEZ ở hai bang Sabah và Sarawak, Việt Nam mất 50%, Brunei mất 90%, Indonesia mất 30%…

* Tiến sĩ TRẦN CÔNG TRỤC (nguyên trưởng Ban Biên giới Chính phủ):

Phải tiếp tục phản đối

Rõ ràng Bắc Kinh muốn kêu gọi sự công nhận của các nước về chủ quyền của họ ở Biển Đông thông qua những công trình dân sự như hai ngọn hải đăng này.

Nếu tàu thuyền các nước đi qua vùng biển này và sử dụng tiện ích của hai ngọn hải đăng này, nghĩa là gián tiếp thừa nhận tính hợp pháp của những công trình này ở Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam.

Thông qua hành động này, Bắc Kinh muốn che giấu mưu đồ thâm độc, sự vô trách nhiệm và phớt lờ luật pháp quốc tế của họ.

Tôi thấy khó hiểu tại sao Việt Nam lại chưa lên tiếng ngay lập tức về tuyên bố sai trái của Trung Quốc. Chúng ta thường lẫn lộn vấn đề quan hệ chính trị, ngoại giao với vấn đề pháp lý. Quan hệ với Trung Quốc và những hành vi sai trái của nước này ở Biển Đông là hai vấn đề hoàn toàn tách bạch.

Quan điểm của tôi là chúng ta sẵn sàng mở hết tấm lòng, sự chân thành trong việc vun đắp quan hệ ngoại giao, nhưng điều đó không có nghĩa lờ đi cái sai trái của họ. Nếu họ làm sai và phương hại đến lợi ích chính đáng của Việt Nam thì Việt Nam phải lên tiếng.

Theo tôi, Việt Nam phải lên tiếng ngay về vấn đề này. Nếu không làm vậy, bạn bè thế giới sẽ nghĩ rằng chúng ta cũng thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc ở Trường Sa. Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm.

Ngoài ra, tôi thấy rất vô lý khi mới đây Trung Quốc phản đối ý định của Mỹ xem xét triển khai tàu chiến và máy bay tới vùng biển 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo, vì hầu hết các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái với luật pháp quốc tế và không có vùng 12 hải lý. Việc Mỹ đưa tàu vào vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo này là hoàn toàn hợp pháp và 
chính đáng.

Q.TRUNG ghi

MINH TRUNG