08/01/2025

Trục lợi bảo hiểm

Số tiền phí bảo hiểm bỏ ra chỉ từ 0,1 – 1% nhưng trục lợi bảo hiểm biến ‘không thành có’, mang lại nguồn lợi lớn gấp cả 100 cả 1.000 lần, ‘rút ruột’ bảo hiểm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.

 

Trục lợi bảo hiểm

 

 

Số tiền phí bảo hiểm bỏ ra chỉ từ 0,1 – 1% nhưng trục lợi bảo hiểm biến ‘không thành có’, mang lại nguồn lợi lớn gấp cả 100 cả 1.000 lần, ‘rút ruột’ bảo hiểm hàng trăm tỉ đồng mỗi năm.




Mua bán bảo hiểm xe máy trên xa lộ Hà Nội (TP.HCM)

Mua bán bảo hiểm xe máy trên xa lộ Hà Nội (TP.HCM) – Ảnh: Diệp Đức Minh

“Bê” cả tai nạn ở Lào về VN
Ông Trương Minh Cát Nguyên, Giám đốc đại lý bảo hiểm Tila là “chứng nhân” của rất nhiều vụ trục lợi bảo hiểm trong hơn 20 năm làm trong ngành này. Năm 2013, khi còn là nhân viên của Công ty bảo hiểm Bảo Việt, ông Nguyên giám định một hồ sơ tai nạn xe tải loại lớn bị lật tại địa bàn được ghi nhận bởi công an Bình Phước.

 
 
Trục lợi bảo hiểm - ảnh 2

 

Người trục lợi chỉ bỏ ra chi phí từ 0,1 – 1% nhưng nếu được bồi thường 10% là đã gấp 100 lần, bồi thường 100% là gấp 1.000 lần chi phí mua bảo hiểm

 

Trục lợi bảo hiểm - ảnh 3
 

 

Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm VN

 

 
Nghi ngờ được dấy lên vì thời điểm xảy ra sự cố quá cận với thời gian mua bảo hiểm, ông xuống kiểm tra, người dân tại địa phương cho biết không có vụ lật xe nào vào thời điểm đó. Nhưng vẫn chưa đủ để kết luận hành vi trục lợi. Đang mắc mứu thì tình cờ, ông chủ xe gọi điện thoại cho giám định viên nhưng lại nhầm lẫn là người thực hiện dịch vụ cẩu kéo, hỏi thanh toán cho xe vừa được kéo từ Lào về.
Mừng hơn bắt được vàng, ông dò theo manh mối này mới phát hiện tai nạn xe đã xảy ra ở Lào nhưng được xếp đặt hiện trường ở Bình Phước. Bởi nếu sự cố xảy ra tại VN chủ xe mới được bồi thường, xảy ra tại nước ngoài thì ngoài phạm vi bảo hiểm. Dù bộ hồ sơ được thể hiện đầy đủ từ chứng nhận của công an đến người làm chứng, nhưng Bảo Việt đã từ chối bồi thường sau khi chỉ ra dấu hiệu trục lợi.
Ông cũng từng tránh khỏi một vụ gian lận cả tỉ đồng. Mấy năm trước, chủ một hợp đồng bảo hiểm khai báo một chiếc BMW bị va chạm lật xe ở Cần Giờ, bẹp dúm tổn thất hoàn toàn, chỉ sau một tuần mua bảo hiểm. Khi đi kiểm tra, ông thấy xe phủ mạng nhện, nhiều bụi, gỉ sét. Thông thường, xe qua lại Bến phà Bình Khánh để đi Cần Giờ đều được bán vé và ghi lại số xe.
Nhưng bến phà cho biết hôm đó danh sách xe qua Cần Giờ không có số xe này, người dân cũng cho biết không có vụ tai nạn nào trong thời gian đó. Vì vậy, hồ sơ đầy đủ, có xác nhận của công an và người làm chứng cũng bị từ chối bồi thường. “Nếu xe đó được bồi thường chi phí phải vài trăm triệu, nếu đánh giá tổn thất từ 70% trở lên thì phải đền xe mới 1 tỉ đồng”, ông Nguyên cho biết.
Ông Trần Thanh Thế, chuyên viên Phòng bồi thường Công ty bảo hiểm Liberty, cũng cho rằng trục lợi bảo hiểm có “thiên hình vạn trạng”. Mới đây, một khách hàng mua bảo hiểm cho một chiếc BMW. Sau một tuần khách hàng báo xe bị thủy kích, động cơ bị hư. Ông Thế lập tức đi đến Cục Khí tượng thủy văn hỏi thăm thời gian đó có mưa hay không, đưa xe đến hiện trường đo mật độ nước cao hay thấp, đi hỏi các dịch vụ cứu hộ. Cuối cùng phát hiện xe này đã bị tai nạn trước khi tham gia bảo hiểm. Ông đã yêu cầu khách rút đơn bồi thường. Nếu không phát hiện được, Liberty sẽ bồi thường khoảng 900 triệu đồng.

 
 

215 tỉ đồng trục lợi trong lĩnh vực phi nhân thọ

 
Ở lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ giai đoạn 2007 – 2012, đã xảy hơn 5.000 vụ trục lợi với 215 tỉ đồng. Các doanh nghiệp phát hiện trục lợi nhiều nhất là Bảo Việt, Liberty, PJICO.

 

 
Tự đốt ô tô, làm nổ nhà kho…
Thị trường bảo hiểm từng chứng kiến những vụ trục lợi bảo hiểm trị giá lớn hàng triệu USD, như năm 2012 vụ Công ty Piroker AG (Thụy Sĩ) mua tôm đông lạnh từ TP.HCM đi Đức. Biết tin tàu chở lô hàng trên bị cháy trên đường hành trình, người có liên quan với Piroker đã mua Bảo hiểm PJICO sau đó thỏa thuận ăn chia với Tổng giám đốc PJICO 50/50. Vụ án đã bị khởi tố về trục lợi bảo hiểm, tổng và phó tổng giám đốc PJICO lúc đó bị phạt tù. Hay vụ chủ tàu sà lan ĐT-19593 mua bảo hiểm tại Bảo Minh số tiền bảo hiểm 5 tỉ đồng, đóng phí khi mua hơn 47 triệu đồng ngày 22.2.2011. Chỉ 2 ngày sau đã báo tai nạn sà lan chở hàng bị chìm. Kết quả vụ điều tra cho thấy sà lan đã chìm trước đó, Bảo Minh từ chối bồi thường, chủ tàu rút hồ sơ.
Hoặc vụ một công ty nhận chở 72 xe máy Attila đã qua sử dụng từ Đồng Nai về Hà Nội để sửa chữa. Trên đường vận chuyển đến Bình Định xe bốc cháy, sau đó mới mua bảo hiểm của Bảo hiểm Viễn Đông. Qua 3 lần xét xử kết luận Viễn Đông phải bồi thường, đến phiên giám đốc thẩm mới phát hiện trục lợi bảo hiểm.
Theo ông Trương Minh Cát Nguyên, những năm gần đây trục lợi bảo hiểm đã diễn ra dữ dội. “Những tổ chức, những người trục lợi bảo hiểm là những kẻ trộm đẳng cấp bởi họ biến không thành có. Giám định viên nếu chỉ nhìn vào hồ sơ khó có thể phát hiện dấu hiệu trục lợi”, ông Cát Nguyên nói. Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm VN (AVI) cũng thừa nhận, gian lận, trục lợi bảo hiểm ngày càng rầm rộ đến mức báo động đỏ, diễn ra trên diện rộng tại tất cả các công ty bảo hiểm, trong tất cả các nghiệp vụ bảo hiểm. Đặc biệt, câu kết ngày càng phức tạp, tinh vi, từ việc lấy thanh toán điều trị, khai khống thiệt hại, dựng hiện trường, tai nạn giả hoặc mua bảo hiểm sau khi tai nạn xảy ra, tự đốt cháy ô tô cho lao xuống vực, làm cháy nổ nhà kho… “Người trục lợi chỉ bỏ ra chi phí từ 0,1 – 1% nhưng nếu được bồi thường 10% là đã gấp 100 lần, bồi thường 100% là gấp 1.000 lần chi phí mua bảo hiểm”, ông Lộc nói.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, cho biết có hàng trăm cách “đục khoét” bảo hiểm, từ đốt tàu, đánh chìm tàu ngoài khơi, đốt nhà xưởng, kho bãi… để lấy bồi thường giá trị gấp cả trăm lần. Cách đây vài năm, luật sư đã từng được một tổng công ty nhà nước mời tham gia tìm hiểu một vụ bồi thường do nghi ngờ công ty thành viên có liên quan đến vụ chìm tàu ở ngoài khơi nhưng không có bằng chứng, cuối cùng bảo hiểm phải bồi thường 3 triệu USD. “Rất nhiều vụ trục lợi bảo hiểm các công ty bảo hiểm nghi ngờ nhưng không làm gì được vì thiếu chứng cứ”, luật sư Nghiêm nói.
Theo thống kê sơ bộ trong giai đoạn 2007 – 2014, tổng số vụ trục lợi bảo hiểm mà doanh nghiệp từ chối chi trả gần 64.000 vụ, tăng trung bình 31%/năm. Tổng số tiền trục lợi khoảng 850 tỉ đồng, trung bình gần 110 tỉ đồng/năm. Theo ông Phùng Đắc Lộc, số tiền trục lợi bảo hiểm phải lớn hơn rất nhiều lần, vì đó chỉ là số vụ được phát hiện, còn hàng trăm tỉ đồng bồi thường cho những vụ gian lận, trục lợi không bị phát hiện.
Trục lợi bảo hiểm trên thế giới
Theo báo cáo của ABI cuối năm 2012, tại Anh, cứ mỗi giờ có 15 vụ trục lợi, khiến mỗi khách hàng trung thực phải trả thêm 50 bảng/năm về phí bảo hiểm. Năm 2012, các công ty bảo hiểm đã từ chối 139.000 vụ khiếu nại có tính chất gian lận, trục lợi, tương đương 1 tỉ bảng. Ước tính có khoảng 2 tỉ bảng (khoảng 68.000 tỉ đồng) tiền bồi thường trục lợi không bị phát hiện.
Tại Mỹ, theo báo cáo US Coalition Against Insurance Fraud, tổng số tiền bồi thường bị trục lợi hằng năm lên đến 85 triệu USD (hơn 1.886 tỉ đồng). 1/3 số người bị thương tật do tai nạn giao thông khai khống thiệt hại, làm tăng 13 – 16 tỉ USD bồi thường hằng năm.
(Nguồn: Bà Trần Anh Đào, Phó giám đốc Ban Hàng hải, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, hội thảo trục lợi bảo hiểm tháng 5.2015)

 

Hồng Sương