Hứng thú học “chuyện khó nói”
Những buổi học về giới tính, tình dục, sức khoẻ sinh sản tại Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) đã được tổ chức một cách lý thú, khiến học sinh nào cũng háo hức khi được học.
Hứng thú học “chuyện khó nói”
Những buổi học về giới tính, tình dục, sức khoẻ sinh sản tại Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) đã được tổ chức một cách lý thú, khiến học sinh nào cũng háo hức khi được học.
Những nam sinh lớp 10A9 trường THPT Marie Curie trong giờ thực hành mang bao cao su – Ảnh: Mỹ Dung |
Lớp học có khoảng 40 học sinh. Em nào cũng đã ra dáng người lớn. Nhiều nam sinh đã cao hơn 1,7m, còn nữ sinh thì rất ít em dưới 1,6m.
Vẻ mặt của cả lớp trông rất hớn hở với bài học. Bút, vở dường như để cho có vì trong giờ học, chủ yếu các em bàn luận với bạn bè về những vấn đề mà bài học đặt ra, không ghi chép gì.
Những buổi học như thế này là cần thiết lắm. Bọn em được giải toả thắc mắc, mạnh dạn nói ra những suy nghĩ của mình mà không sợ người khác cười |
Nam sinh HUỲNH QUANG TÚ |
Những câu hỏi làm đỏ mặt người nghe
Ngày 25-9, giáo viên đứng lớp hôm ấy là cô Bùi Thị Kiều, giáo viên tâm lý Trường THPT Marie Curie, phụ trách buổi học về giới tính, tình dục và sức khoẻ sinh sản với lớp 10A12 ngay trong phòng học của trường.
Để tạo thoải mái cho học sinh, một trái banh nhỏ được cô giáo đưa ra với yêu cầu “trái banh này ném trúng ai, người đó phải tự đứng lên giới thiệu về mình: tên tuổi, giới tính, ước mơ, sở thích…”.
Sau trò chơi làm quen đó, giáo viên cho học sinh ít phút để ghi những thắc mắc về giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản rồi nộp lại cho giáo viên mà không cần ghi tên người hỏi. Và rồi những thắc mắc của học sinh lần lượt được giáo viên giải đáp qua hình ảnh chiếu trên màn hình.
Khi giáo viên cung cấp những thông tin về sự thay đổi của tuổi dậy thì về thể chất, tâm lý… không ít học sinh ở dưới nói vọng lên: “Cô ơi, đáng lẽ những điều này phải dạy từ lớp 6 mà!”. Cô giáo cũng đồng tình: “Đúng, vì bây giờ có nữ sinh đã bắt đầu dậy thì vào lúc 9 tuổi, và nam sinh thì 11 tuổi rồi”.
Trên màn ảnh máy chiếu, hình ảnh các biến chuyển về thể chất của nữ sinh, nam sinh được minh họa rõ ràng, học sinh chăm chú nhìn lên màn hình và sôi nổi bàn luận.
Lớp học sôi động hẳn lên khi đến phần câu hỏi dành cho nam sinh: “Thủ dâm là gì?”, “Thủ dâm có hại không?”, “Bạn đã bao giờ thủ dâm chưa?”.
Không nam sinh nào giơ tay phát biểu vì ngại ngần, không dám thổ lộ, một số em còn hơi cúi đầu xuống. Nhưng cô giáo đã giải toả bớt những ngại ngần này, khi để cả lớp cùng trả lời cho các câu hỏi nhạy cảm đó.
Trong khi nhiều học sinh nói: “Thủ dâm có hại, thủ dâm gây vô sinh”, thì có không ít tiếng nói phản pháo: “Thủ dâm chẳng có gì là xấu cả…”.
Cô giáo chốt lại bằng các thông tin chính xác và mở ra giải pháp: “Để không nghĩ đến chuyện thủ dâm, các em cần phải tăng cường vận động, dùng năng lượng vào những môn thể thao yêu thích…”.
Lớp học tiếp tục xôn xao với các câu hỏi: “Màng trinh là gì?”, “Màng trinh có quan trọng trong hôn nhân?”, “Màng trinh có thể hiện sự trong trắng của người con gái?”. Trong khi phần lớn nam sinh cho rằng “màng trinh không còn quan trọng”, thì nhiều nữ sinh vẫn khẳng định: “Quan trọng chứ!”.
Giáo viên vừa chỉ hình ảnh trên màn hình vừa giải thích cho học sinh: “Không phải người con gái nào cũng có màng trinh. Nó cũng dễ mất đi do tai nạn vô tình”. Và cô nói với các nam sinh: “Các em nghĩ màng trinh không còn quan trọng là đáng khen. Vì tính cách, nhân phẩm của người con gái không phụ thuộc vào cái màng nhỏ xíu này”. S
au đó quay sang các nữ sinh, cô cũng ân cần nói: “Các em cho là quan trọng cũng đúng. Hãy nghĩ nó là thiêng liêng, để các em có hạnh phúc trọn vẹn hơn sau này”.
Sau buổi học, một nam sinh lớp 10A12 cho biết: “Ban đầu cả lớp ai cũng ngại khi học mấy thứ này. Nhưng giờ đây em và bạn bè thoải mái hơn rồi!”. Trong và sau buổi học nếu có bất kỳ thắc mắc nào, các em có nơi để thổ lộ ngay (vì có thể ghi thắc mắc ra giấy và đưa cho cô), cô sẽ trả lời tất cả nên học sinh được giải toả.
66-82% học sinh cần giải đáp thắc mắc khó nói!
Chuyên đề về giới tính, tình dục và sức khoẻ sinh sản được hai giáo viên tâm lý của Trường THPT Marie Curie chia ra bốn buổi để dạy học sinh. Tại lớp 10A9, buổi học về thuốc tránh thai, bao cao su được dẫn dắt từ chuyện những hài nhi vô tội bị bỏ đi, tác hại lên sức khoẻ, tinh thần của nữ giới từ việc bỏ thai.
“Tội quá, kinh khủng quá” – những lời này chúng tôi ghi nhận được khi học cùng các học sinh lớp 10A9 vào ngày 30-9.
Sau những xúc cảm đó, cô giáo bắt đầu nói về các biện pháp tránh thai, cơ chế và tác dụng phụ của những loại thuốc tránh thai cho nữ giới. Dưới lớp, cả nam sinh và nữ sinh đều chăm chú lắng nghe.
Nhưng ồn ào, vui vẻ nhất là đoạn thực hành dùng bao cao su: mỗi học sinh phải tự chuẩn bị một quả dưa leo và một chiếc bao cao su chưa xé vỏ. Cả lớp lao xao trước thông tin tránh thai bằng bao cao su có hiệu quả đến 97% (lại ngăn ngừa được các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục).
Một nam sinh, sau khi được giáo viên khuyến khích đã lên thực hành, sử dụng bao cao su cho quả dưa leo trước cả lớp. Ở dưới, mỗi nhóm ba bốn học sinh cũng khẩn trương xé bao cao su mang vào quả dưa leo…
Ban đầu, một số học sinh cũng hơi ngượng ngùng, nhưng càng về sau các em càng mạnh dạn thực hành, cười đùa khoe với nhau các quả dưa leo ngộ nghĩnh đã được mang bao cao su…
Những buổi học về giới tính thú vị như trên chỉ là buổi chuyên đề, học trái buổi với các buổi học chính khoá, nhưng tất cả học sinh đều đến lớp đầy đủ và tỏ ra hào hứng.
Nguyễn Thị Tuyết Ngân, học sinh lớp 10A9, nói: “Học vui mà biết thêm nhiều điều hữu ích”. Còn nam sinh Huỳnh Quang Tú thì tự hào nói: “Ở trường em mới được học, các trường khác không có đâu mà học!”.
Cô Phạm Thị Bích Phượng, giáo viên tâm lý Trường THPT Marie Curie, cho biết những buổi học về giới tính như trên được dạy lồng ghép với kỹ năng sống (thử nghiệm) từ năm 2012.
Cấp THPT là lứa tuổi mà nhu cầu tình dục bắt đầu có, nên giáo viên tâm lý tại trường nghĩ cần trang bị kiến thức giới tính đúng đắn cho học sinh. Vì thế, họ đã khảo sát nhu cầu tìm hiểu về giới tính của học sinh khối 10, khối 11 trước khi bắt đầu thử nghiệm chương trình.
“Những rắc rối về tuổi dậy thì, tình dục an toàn chiếm 66 – 82% sự quan tâm của học sinh. Và những buổi học khiến học sinh hứng thú đã khiến chúng tôi mạnh dạn xin phép nhà trường triển khai rộng rãi chuyên đề này cho toàn thể học sinh” – cô Phượng chia sẻ.
Đến nay, gần như tất cả học sinh lớp 10 và lớp 11 của Trường THPT Marie Curie đã được học chuyên đề về giới tính.
Tư vấn tâm lý thành công sẽ giảm bạo lực học đường Mô hình tư vấn tâm lý tại Trường THPT Marie Curie được học sinh, phụ huynh, giáo viên tiếp nhận tích cực. Ở đây, giáo viên không ngồi chờ học sinh đến phòng tư vấn tâm lý! Ngoài việc thực hiện các chuyên đề trên lớp (về giới tính, sức khoẻ sinh sản, hướng nghiệp, kỹ năng sống), giáo viên tâm lý tổ chức chuyên đề riêng cho phụ huynh, tư vấn cho cả phụ huynh, học sinh. “Nguyên tắc của phòng tâm lý là 99% thông tin được bảo mật (ngay cả với ban giám hiệu nhà trường), chỉ trừ thông tin ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng của học sinh thì chúng tôi mới chia sẻ với phụ huynh, nhà trường để tìm hướng giải quyết” – cô Bùi Thị Kiều chia sẻ. Còn thầy Nguyễn Mạnh Hùng, phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, hóm hỉnh cho biết nhờ phòng tư vấn tâm lý hoạt động hiệu quả, nên bạo lực học đường tại trường đã bị “hô biến”. Năm 2006, trường có 100 vụ bạo lực học đường, năm 2008 còn 60 vụ và nay thì không còn vụ nào. |
Nhiều trường THPT tìm đến học hỏi kinh nghiệm Ngày 25-9, đoàn công tác của Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) do ông Bùi Văn Linh, phó vụ trưởng, dẫn đầu đã đến dự giờ và đánh giá mô hình dạy tâm lý tại Trường THPT Marie Curie. Đoàn đánh giá cao cách triển khai, thực hiện mô hình sáng tạo, đem lại hiệu quả tại trường. Mô hình dạy tâm lý tại Trường THPT Marie Curie được khá nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM tìm đến học hỏi kinh nghiệm. Bộ GD-ĐT đã mời các giáo viên tâm lý của trường đi báo cáo tại hội nghị về công tác tâm lý trong nhà trường trên toàn quốc do bộ vừa tổ chức. |
Chúng tôi ủng hộ nhà trường! Không phải người cha, người mẹ nào cũng có thể chia sẻ với con việc tìm hiểu giới tính, sức khoẻ sinh sản và các biện pháp ngừa thai. Vì thế, trường học phải là nơi dạy về những vấn đề khá tế nhị này cho học sinh. Nhà trường có phương pháp sư phạm, có đội ngũ bảo đảm chuyên môn, đủ điều kiện để làm công tác này tốt hơn chúng tôi. Dạy càng sớm càng tốt, tốt nhất là dạy từ bậc THCS. Việc dạy học sinh dùng biện pháp ngừa thai, những vấn đề về giới tính, tình dục… là việc cần thiết với lứa tuổi học sinh THPT. Vì trên thực tế có những trẻ mới lớp 7, lớp 8 đã “dính bầu” hoặc quan hệ tình dục bừa bãi. Ngành giáo dục nên coi đây là một vấn đề khoa học bình thường; tìm cách giáo dục bình dị nhất, gần gũi nhất để dạy các cháu những điều mà trước nay văn hoá Á Đông của chúng ta vẫn ngại đụng đến. Con cái chúng tôi đã được học những bài học về giới tính, sức khoẻ sinh sản ở Trường THPT Marie Curie. Thật sự các bài dạy này ban đầu cũng rất bỡ ngỡ với các cháu. Nhưng sau khi học, các cháu đã dám mạnh dạn hỏi ba mẹ về những vấn đề rắc rối, khó hiểu xung quanh vấn đề tế nhị kia. Như vậy, nhà trường đã đóng vai trò cầu nối để chúng tôi và con cái gần nhau hơn, dễ chia sẻ cả trong những chuyện khó nói. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nhà trường! |