Doanh nghiệp ồ ạt bán, giá USD giảm mạnh
Doanh nghiệp ồ ạt bán USD, ngân hàng phải giảm mạnh giá mua vào bởi lượng cung tăng vọt mà trống vắng lượng cầu.
Doanh nghiệp ồ ạt bán, giá USD giảm mạnh
Doanh nghiệp ồ ạt bán USD, ngân hàng phải giảm mạnh giá mua vào bởi lượng cung tăng vọt mà trống vắng lượng cầu.
Tỷ giá USD/VND đang có đợt giảm nhanh và mạnh nhất từ đầu năm đến nay. Tính đến chiều qua (9.10), các NH tiếp tục mạnh tay điều chỉnh giảm. Vietcombank tiếp tục giảm thêm 10 đồng/USD, so với đầu tuần, Vietcombank đã giảm 240 đồng ở lượt mua vào, giảm 220 đồng lượt bán ra, mua vào bán ra ở giá 22.200 – 22.280 đồng/USD. Eximbank mua vào 22.160 – 22.280, giảm 245 đồng ở lượt mua vào, giảm 200 đồng ở lượt bán ra so với đầu tuần. Ở NH ACB, tỷ giá sụt giảm xuống ở mức 22.170 – 22.290 đồng/USD, giảm 200 – 240 đồng/USD. Chênh lệch giá mua – bán cách biệt rất lớn tới 120 VND.
Ồ ạt bán ra
USD có đợt sụt giảm mạnh bởi trong vòng vài ngày qua DN dồn dập xả bán một lượng USD lớn cho các NH. Nhiều DN đã choáng váng khi chuẩn bị bán thì giá lại tiếp tục giảm. Ngược lại thị trường không có nhu cầu mua khiến NH phải mạnh tay giảm giá mua vào. Cuộc sụt giảm tỷ giá USD/VND đã bắt đầu từ ngày 5.10, là ngày Thông tư 15 bắt đầu có hiệu lực, với những quy định siết chặt việc bán và hạn chế găm giữ ngoại tệ. Thông tư quy định DN và người dân phải xuất trình giấy tờ và chứng từ chứng minh mục đích, số lượng, thời hạn thanh toán. Căn cứ vào đó, NH mới bán và giao ngay ngoại tệ (spot). Bên cạnh đó, chỉ những DN có nhu cầu thanh toán trong vòng 2 ngày mới được mua ngoại tệ giao ngay. Từ ngày thứ 3 trở lên, NH chỉ được phép bán ngoại tệ kỳ hạn (forward). Cùng với việc giảm lãi suất USD về 0% vào cuối tháng 9, quy định này hầu như đã triệt tiêu động lực “ôm” giữ ngoại tệ phòng xa của DN.
Nhưng để khiến cho giới DN buộc phải bán mạnh USD ra, NHNN phải sử dụng lại Thông tư 13 đã ban hành cách đây 4 năm. Theo người trong giới NH, mới đây NHNN đã liên tục đốc thúc, chỉ đạo các tập đoàn, DN nhà nước thuộc các ngành có nguồn thu USD lớn như dầu khí, dệt may… phải bán USD ra cho các nhà băng. Trước đó, Thông tư 13 đã quy định, hằng tháng các DN có trách nhiệm tự cân đối nguồn thu ngoại tệ và nhu cầu sử dụng ngoại tệ hợp pháp số ngoại tệ còn lại phải bán cho tổ chức tín dụng. DN không được gửi ngoại tệ cho nhiều NH… Đồng thời, DN cũng được quyền mua lại số ngoại tệ đã bán cho NH trong vòng một năm. Theo ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty Intimex, trước những bước đi hành chính mạnh mẽ của NHNN, việc giữ USD bây giờ không còn có lợi như trước, ngoại tệ về DN buộc phải bán ra chuyển sang tiền đồng gửi lấy lãi tốt hơn.
Giữ VND có lợi hơn USD
Trước những chuyển biến của thị trường, các nhà đầu tư cá nhân đang làm những bài toán sao cho tài sản của mình sinh sôi tốt nhất. Theo khảo sát về lãi suất cho vay liên ngân hàng và lãi suất huy động tháng 9 của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), lãi suất huy động đang tăng nhẹ trong tháng 9. Theo đó, lãi suất huy động bình quân tăng 0,04% lên 5,83% vào cuối tháng 9, từ mức 5,79% vào cuối tháng 8. Chẳng hạn Sacombank, PVCombank, NH Liên Việt đã đồng loạt tăng lãi suất từ 0,1 – 0,5%.
Trong khi đó, NH An Bình, HDBank, MBB, Maritime Bank và VIB tăng lãi suất huy động kỳ hạn ngắn thêm 0,1 – 0,65%. SeaBank, CTG tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thêm 0,1%. Ngược lại, chỉ có một số NH giảm lãi suất, như BIDV và SHB đồng loạt giảm lãi suất huy động 0,1 – 0,5%, VietinBank và Vietcombank giảm lãi suất không kỳ hạn 0,2 – 0,3%…
Theo một số tính toán, giữ tiền đồng sau một thời gian, ví dụ khoảng 1 năm, tích luỹ có được có thể mua lại một lượng USD còn nhiều hơn so với mức tài sản ban đầu. Ngoài ra, với những ai thích đầu tư mạo hiểm, chứng khoán đang là một kênh đầu tư nóng. Kể từ sau thỏa thuận lịch sử TPP thành công, chỉ số VN-Index đã vọt lên 590 điểm. So với mức thấp nhất trong 2 tuần gần đây, VN-Index đã lên 30 điểm. Như vậy, chỉ trong 2 tuần, nhiều người đã có mức lời 5 – 6%, cũng là một lựa chọn đầu tư béo bở.
Hồng Sương