10/01/2025

Năng suất lao động VN: Nửa thế kỷ nữa mới bắt kịp Thái Lan

GDP của VN năm 1990 chỉ bằng GDP của Thái Lan những năm 1960. Đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.


Năng suất lao động VN: Nửa thế kỷ nữa mới bắt kịp Thái Lan

 

 

GDP của VN năm 1990 chỉ bằng GDP của Thái Lan những năm 1960. Đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.



 

 

Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, cả nước có 9,6 triệu lao động được đào tạo trong tổng số 52,7 triệu lao động có việc làm năm 2014. Trong ảnh: giờ thực hành của sinh viên khoa điện - điện tử hệ cao đẳng nghề Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng - Ảnh: Như Hùng
Theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, cả nước có 9,6 triệu lao động được đào tạo trong tổng số 52,7 triệu lao động có việc làm năm 2014. Trong ảnh: giờ thực hành của sinh viên khoa điện – điện tử hệ cao đẳng nghề Trường CĐ kỹ thuật Cao Thắng – Ảnh: Như Hùng

Bộ Kế hoạch – đầu tư vừa trình Chính phủ báo cáo thực trạng và giải pháp nâng cao năng suất lao động của Việt Nam. Theo đó, năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2014 đạt 74,7 triệu đồng/lao động, tăng 4,9% so với năm 2013. Bình quân giai đoạn 2005-2014 tăng 3,7% mỗi năm.

Mặc dù năng suất lao động của VN trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên giả định VN và một số nước vẫn duy trì liên tục tốc độ tăng trưởng năng suất lao động trung bình như trong giai đoạn 2007 – 2012 thì phải đến năm 2038 VN mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan.

81,8% lao động 
chưa được đào tạo

Giải thích cách tính năng suất lao động, TS Hồ Đình Bảo (thành viên nhóm nghiên cứu về “Tăng trưởng năng suất lao động VN của Đại học Kinh tế quốc dân) nói năng suất lao động xã hội (VND/lao động) là chỉ tiêu phản ánh hiệu suất làm việc của lao động, thường tính bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên tổng số người làm việc bình quân (năng suất lao động = GDP/tổng số người làm việc bình quân). Ở đây Bộ Kế hoạch – đầu tư tính bằng GDP bình quân 1 lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc.

Đáng chú ý là nếu so với Trung Quốc và Ấn Độ, năng suất lao động của VN tăng chậm hơn. Cụ thể, vào năm 1994 năng suất lao động của VN thấp hơn Trung Quốc 1,3 lần, đến năm 2013 lên 2,8 lần, giữa Ấn Độ và VN tăng từ 1,6 lần lên 1,7 lần.

Tương tự, tính theo sức mua tương đương, chênh lệch giữa năng suất lao động của Trung Quốc và VN tăng từ 771 USD năm 1994 lên 9.545 USD năm 2013, giữa Ấn Độ và VN từ 1.396 USD lên 3.867 USD.

Bộ Kế hoạch – đầu tư đưa ra hàng loạt yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động của VN. Trong đó, xét về cơ cấu kinh tế thì các ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất “động lực” hay “huyết mạch” của nền kinh tế như tài chính, tín dụng, còn chiếm tỉ trọng thấp so với các nước trong khu vực.

Tỉ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn khá cao (năm 2014 chiếm 46,3%) và cao hơn so với các nước trong khu vực. Phần lớn lao động làm việc trong khu vực này là lao động giản đơn, có tính thời vụ, việc làm không ổn định, nên giá trị gia tăng tạo ra không cao, dẫn đến năng suất lao động thấp. Khu vực này có tới trên 46% lao động của cả nước nhưng chỉ tạo ra 18,1% GDP.

Cũng theo Bộ Kế hoạch – đầu tư, cả nước có 9,6 triệu lao động được đào tạo trong tổng số 52,7 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2014 (chiếm 18,2%).

Lao động được đào tạo bao gồm những người đã học và tốt nghiệp ở một trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật của cấp học hoặc trình độ đào tạo tương đương thuộc hệ thống giáo dục quân dân từ 3 tháng trở lên, như vậy có tới 81,8% tổng số lao động chưa được đào tạo để đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó.

“Điểm nghẽn” 
và “rào cản”

Một trong những yếu tố ảnh hưởng quyết định tới năng suất lao động là thể chế kinh tế và hiệu quả quản trị nhà nước, Bộ Kế hoạch – đầu tư nêu rõ VN đã có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số “điểm nghẽn” và “rào cản” về thể chế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Trong cải cách hành chính, còn nhiều thủ tục không hợp lý, phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính tuy đã giảm, nhưng vẫn còn cao so với mức trung bình của các nước ASEAN-6. Đơn cử trong năm 2014, thời gian nộp thuế (không bao gồm thời gian nộp bảo hiểm) của doanh nghiệp đã giảm được 290 giờ, từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm, nhưng còn cao hơn nhiều mức bình quân 121 giờ/năm của các nước ASEAN-6.

Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh tuy có bước cải thiện nhưng vẫn thấp so với các nước trong khu vực.

Theo báo cáo của Diễn đàn kinh tế thế giới, năm 2014 chỉ số năng lực cạnh tranh của VN xếp hạng 68 trên 144 nền kinh tế và còn khoảng cách khá xa so với Singapore (thứ 2), Malaysia (20) hay Thái Lan (31), Philippines (52).

Bộ máy hành chính còn cồng kềnh, đầu mối trực thuộc Chính phủ tuy đã giảm nhưng bộ máy bên trong các bộ, tổng cục còn chưa giảm. Chất lượng và năng lực đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập.

Về quản trị nhà nước, tuy có nhiều nỗ lực trong cải cách hành chính, hệ thống pháp luật, trách nhiệm giải trình, quản lý chi tiêu công… nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực.

Xếp hạng các chỉ số quản trị toàn cầu (WGI) do Ngân hàng Thế giới xây dựng cho thấy vị trí của VN so với các nước trong khu vực ASEAN là tương đối thấp và ít có sự thay đổi trong giai đoạn 2000 – 2013.

Một công ty da giày trên đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh (TP.HCM) thông báo tuyển dụng lao động ngày 8-10 - Ảnh: Thanh Tùng
Một công ty da giày trên đường Trần Đại Nghĩa, huyện Bình Chánh (TP.HCM) thông báo tuyển dụng lao động ngày 8-10 – Ảnh: Thanh Tùng

Đề xuất thành lập ủy ban năng suất quốc gia

Để nâng cao năng suất lao động, Bộ Kế hoạch – đầu tư đưa ra ba nhóm giải pháp về thể chế chính sách, giải pháp về nâng cao năng suất lao động cho khu vực doanh nghiệp và giải pháp nâng cao năng suất lao động cho toàn nền kinh tế.

Bao gồm sớm thành lập ủy ban năng suất quốc gia VN, gồm đại diện của Chính phủ, doanh nghiệp, các hiệp hội, công đoàn và giới học thuật. Thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động, có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của VN.

Đồng thời xây dựng và quyết tâm triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về nâng cao năng suất lao động của VN với mục tiêu chung và cụ thể trong từng giai đoạn để năng suất lao động nước ta bắt kịp các nước trong khu vực.

Bộ Kế hoạch – đầu tư cũng đề xuất chọn một số lĩnh vực (may mặc, sản xuất máy móc thiết bị, điện tử) và một số tỉnh thành thực hiện thí điểm chương trình thúc đẩy tăng năng suất lao động. Thành công của các chương trình thí điểm này sẽ tạo đà hiệu quả cho việc thúc đẩy các động lực tăng năng suất lao động trong cả nước.

Tại phiên họp Chính phủ vừa qua, sau khi nghe và thảo luận về báo cáo nêu trên, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch – đầu tư tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, trong đó phân tích, đánh giá cụ thể, khách quan và toàn diện về nguyên nhân, thực trạng năng suất lao động VN.

Đồng thời xác định phương pháp tính năng suất lao động phù hợp với thực tiễn VN, hoàn thiện báo cáo nâng cao năng suất lao động VN, xây dựng nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng suất lao động VN, báo Thủ tướng Chính phủ và các phó thủ tướng trong tháng 11-2015.

* Ông Yuuzou Maruyama (Công ty Aizaki Việt Nam, chuyên sản xuất linh kiện phụ trợ):

Nhịp sống ảnh hưởng đến năng suất công việc

Năng suất lao động VN thấp hơn các nước khác có thể đến từ nhịp sống của người VN, họ sống một nhịp sống chậm, nhất là ở vùng nông thôn. Tôi thấy cuộc sống họ rất chậm rãi chứ không nhanh, không gấp như các nước công nghiệp. Do đó, từ thái độ đến cả mục tiêu, người công nhân VN đều khá bình thản, không bị cuốn vào guồng công việc bận rộn như ở Nhật.

Khi tính toán năng suất lao động, các công nhân VN trong nhiều trường hợp còn giỏi hơn cả người Nhật. Họ tính rất nhanh trong vòng một giờ có thể làm được mấy sản phẩm, cần bao nhiêu thời gian để hoàn tất công việc được khoán. Tính toán đó nhanh và nhạy hơn người Nhật rất nhiều.

Do đó, để đánh giá năng suất của doanh nghiệp VN cao hay thấp còn tùy vào ngành nghề, lĩnh vực.

Tuy nhiên, tôi nghĩ bản thân nhà sản xuất cũng có thể tác động đến năng suất của người lao động. Như họ có thể xem xét lại quy trình lao động, sắp xếp vật liệu, đồ dùng… để giảm thời gian di chuyển, đi tới đi lui hay tìm kiếm dụng cụ của người lao động, tiết giảm các bước không cần thiết.

Khi đầu tư vào VN, chúng tôi không chỉ vì yếu tố nhân công giá rẻ vì lương ở VN cũng sẽ điều chỉnh tăng mà do nhìn thấy khả năng tiếp thu, kỹ năng lành nghề của lao động VN, đặc biệt là tính tình hiền hòa của người VN.

* Ông Phạm Xuân Hồng (chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM):

Có tay nghề, nhưng thiếu kỹ năng quản lý sản xuất

Làm việc với nhiều nhà đặt hàng, hầu hết họ đều đánh giá rất cao tay nghề kỹ thuật của công nhân may VN và đánh giá năng suất lao động của VN hiện cao hơn Myanmar, Campuchia, Bangladesh, ngang bằng với Indonesia, nhưng lại thấp hơn khá nhiều so với Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc.

Tôi cũng đồng ý với nhận xét này của các nhà đặt hàng. Có nhiều nguyên nhân khiến năng suất lao động của chúng ta chưa cao, trong đó không thể phủ nhận thực tế rằng nhiều doanh nghiệp sản xuất may mặc trong nước chưa đầu tư chuyên sâu cho máy móc, nhà xưởng, thiết bị. Với các thiết bị, máy móc chuyên dụng tự động thì cũng không có nhiều doanh nghiệp đầu tư vì chi phí tốn kém.

Mặt khác, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng chưa quan tâm nhiều đến các phương thức cải tiến quản lý sản xuất, quản lý năng suất lao động, như áp dụng quy trình sản xuất tinh gọn (LEAN), cũng chỉ vì tâm lý thụ động ngại thay đổi. Mà số doanh nghiệp này thì còn rất nhiều, nhiều lắm.

* Ông Lê Quang Hùng(chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn):

Áp dụng quy trình sản xuất theo 
công nghệ

Kinh nghiệm của công ty chúng tôi cho thấy năng suất lao động hiện tại so với cách đây năm năm đã tăng gấp đôi, từ 7 USD/người lên 14 USD/người, với năng suất lao động được tính bằng công thức: lấy doanh thu gia công chia cho tổng số lao động của nhà máy/xí nghiệp đang tổ chức sản xuất trực tiếp.

Sở dĩ năng suất lao động của chúng tôi tăng như vậy vì chúng tôi đã đầu tư rất nhiều cho các thiết bị máy móc chuyên dụng, từ máy cắt, trải vải tự động, máy một kim cắt chỉ tự động… cho đến áp dụng triệt để phương thức sản xuất theo mô hình LEAN mà các nước đều đã áp dụng.

Nhưng để làm được những điều trên thì yếu tố con người, trong đó từ công nhân sản xuất trực tiếp, cho đến nhân viên quản lý từng bộ phận đều phải ý thức rất rõ công việc của mình đang làm để phối hợp với nhau cho thật hiệu quả.

Nhiều khách đặt hàng của chúng tôi đều nói rằng công nhân ngành may VN có kỹ năng, kỹ thuật cao. Đây chính là lợi thế của VN để có thể nhận được những đơn hàng có hàm lượng giá trị kỹ thuật cao, với giá đặt hàng cao.

Nhưng nếu chúng ta không biết áp dụng linh hoạt giữa tay nghề kỹ thuật cao với quy trình sản xuất chuyên nghiệp thì hiệu quả cuối cùng cũng không thể tốt được.

T.V.N. – N.BÌNH ghi

 

V.V.THÀNH ([email protected])