01/11/2024

Bê bối hối lộ chấn động Liên Hiệp Quốc

LHQ rúng động trước nhiều cáo buộc hối lộ, trốn thuế nhằm vào cựu Chủ tịch Đại hội đồng của tổ chức này là John Ashe cùng nhiều tòng phạm.

 

Bê bối hối lộ chấn động Liên Hiệp Quốc

 

 

LHQ rúng động trước nhiều cáo buộc hối lộ, trốn thuế nhằm vào cựu Chủ tịch Đại hội đồng của tổ chức này là John Ashe cùng nhiều tòng phạm.



Ông John Ashe phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York             hồi tháng 9.2013 - Ảnh: NotimexÔng John Ashe phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng LHQ ở New York hồi tháng 9.2013 – Ảnh: Notimex
Theo CNN ngày 8.10, Bộ Tư pháp Mỹ đã chính thức tống đạt lệnh truy tố cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ John Ashe với cáo buộc tội khai man trong kê khai tài sản nhằm trốn thuế và nhận hối lộ.
Cụ thể, ông bị cáo buộc nhận hơn 1,3 triệu USD từ tỉ phú Macau (Trung Quốc) David Ng để giúp “bôi trơn” dự án xây dựng một trung tâm hội nghị LHQ tại Macau, đồng thời “quên” kê khai số tài sản trị giá tới 1,2 triệu USD. Giới chức công tố TP.New York, nơi đặt trụ sở LHQ, tuyên bố ông Ashe đã “biến LHQ thành nơi để kiếm tiền”. “John Ashe đã mang sự liêm chính của bản thân và tổ chức do ông ta lãnh đạo ra đem bán”, công tố viên Preet Bharara nói.
Ăn tiêu xa xỉ
John Ashe, 61 tuổi, là công dân của đảo quốc Antigua-Barbuda nằm trên Đại Tây Dương, từng giữ vị trí Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 68 (2013 – 2014). Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy ông Ashe đã dùng số tiền bất chính nói trên để chi tiêu rất xa xỉ như chi 59.000 USD để may hàng loạt bộ vét đắt tiền, sắm đồng hồ Rolex (54.000 USD), đi nghỉ mát với phòng khách sạn giá 850 USD/đêm… Chưa hết, vị quan chức này còn thẳng tay bỏ ra 69.000 USD để đăng ký thành viên của một câu lạc bộ giải trí sang trọng ở bang South Carolina (Mỹ) và bỏ ra 30.000 USD xây sân bóng rổ tại nhà riêng ở New York.
Bên cạnh đó, BBC dẫn lời công tố viên Bharara cho hay ông Ashe còn bị nghi dùng ảnh hưởng của mình để làm trung gian dắt mối giữa giới chức chính phủ Antigua-Barbuda và Kenya với các doanh nhân bất động sản nhằm giúp họ thắng thầu những công trình xây dựng lớn tại các nước này.
Hiện nay, toà án New York đã đồng ý cho ông Ashe tại ngoại sau khi nộp tiền bảo lãnh lên tới 1 triệu USD, nhưng ông phải mang vòng tay điện tử để theo dõi hành tung. Những nghi can còn lại đều đang bị tạm giam để điều tra. Theo BBC, những người này bao gồm tỉ phú David Ng và trợ lý Jeff C.Yin, Phó đại sứ CH Dominica tại LHQ Francis Lorenzo, Tổng giám đốc Sheri Yan và Giám đốc tài chính Heidi Park của một tổ chức phi lợi nhuận tại New York. Bà Yan lẫn bà Park đều là người Mỹ gốc Hoa, ngoài vụ việc nói trên còn đang đối mặt với cáo buộc rửa “tiền bẩn” có nguồn gốc từ Trung Quốc.
Bê bối hối lộ chấn động tại LHQ bắt nguồn từ việc giới chức Mỹ điều tra nghi án tỉ phú Ng đã tuồn 4,5 triệu USD vào đất Mỹ từ năm 2013 bằng nhiều hình thức gian lận khác nhau thông qua tổ chức của Yan và Park.
Mở rộng điều tra
Sau thông báo của Bộ Tư pháp Mỹ, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói ông “thật sự bị sốc” trước những cáo buộc nhằm vào ông Ashe. Ngày 8.10, tờ The Wall Street Journal dẫn lời ông Stephane Dujarric, phát ngôn viên của ông Ban, cam kết LHQ sẽ hợp tác điều tra chặt chẽ với giới chức Mỹ, nhưng không thể tự mở cuộc điều tra nội bộ do cơ quan này không có quyền điều tra cá nhân hoặc tổ chức không còn là nhân viên của mình.
Bên cạnh đó, LHQ nhấn mạnh đang khẩn trương tìm hiểu nguồn gốc số tiền quyên góp 1,5 triệu USD từ một quỹ thuộc quyền kiểm soát của tỉ phú David Ng cho Văn phòng hợp tác Nam-Nam LHQ, vốn có vai trò thúc đẩy sự hợp tác giữa các nước đang phát triển. AFP dẫn lời phát ngôn viên Dujarric cho biết LHQ đang “điều nghiên kỹ càng” mối quan hệ giữa Văn phòng hợp tác Nam-Nam với quỹ của Tập đoàn Sun Kian IP do tỉ phú David Ng làm chủ. “Họ đang điều tra rốt ráo nguồn tiền trên, tiền đã đi đâu và dùng cho mục đích gì”, ông Dujarric nói.

 

Danh Toại