10/01/2025

Vì sao Mỹ bất ngờ tại Trung Đông?

Dường như công luận thế giới thiên về đánh giá cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama lại bị động, bất ngờ trước việc Nga nhảy vào Syria ở tầm mức quy mô lớn như đang diễn ra.

 

Vì sao Mỹ bất ngờ tại Trung Đông?

 

Dường như công luận thế giới thiên về đánh giá cho rằng Tổng thống Mỹ Barack Obama lại bị động, bất ngờ trước việc Nga nhảy vào Syria ở tầm mức quy mô lớn như đang diễn ra.




Nhân viên kỹ thuật của Nga nạp khí tài cho trực thăng tại căn cứ không quân Heymim trên lãnh thổ Syria ngày 6-10 - Ảnh: Reuters
Nhân viên kỹ thuật của Nga nạp khí tài cho trực thăng tại căn cứ không quân Heymim trên lãnh thổ Syria ngày 6-10 – Ảnh: Reuters

Các chính khách Mỹ tự phơi bày sự ngỡ ngàng từ đầu tháng 9 vừa qua, khi phát hiện Nga bắt đầu “chiến dịch” triển khai không quân và hải quân đến khu vực duyên hải tây – bắc Syria.

Thế rồi, Mỹ cứ “lần theo” các động thái của Nga liên tiếp từ đó đến khi Nga không kích Syria từ ngày 30-9 và các cuộc không kích của Nga ngày càng tăng thêm cả về cường độ, số mục tiêu bị đánh phá.

Liên minh bộ tứ

Chưa hết! Mỹ còn hụt hẫng hơn nữa khi bỗng nhiên ngày 27-9, phía Iraq thông tin về sự hình thành một “cơ chế phối hợp bốn bên”, gồm có Iraq, Iran, Syria và Nga “để chống khủng bố”.

Cơ chế này được truyền thông Ả Rập gọi là “liên minh bộ tứ” do Nga đứng đầu để đối trọng với “Liên minh quốc tế chống khủng bố”, gồm 60 quốc gia, do Mỹ thành lập hồi tháng 8 năm ngoái.

Đau nhất là Iraq lại “bắt cá hai tay” ngay trước mắt Mỹ mà ông chủ Nhà Trắng không biết gì! “Đau” bởi vì Mỹ không cho Iran và Syria tham gia liên minh đang tập trung hàng đầu vào việc giúp Iraq đánh lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) để giành lại các lãnh thổ rộng lớn của Iraq đã bị IS kiểm soát từ giữa năm 2014.

Hơn một năm qua, Mỹ đã đổ nhiều tiền của, vũ khí hiện đại và đưa trở lại Iraq hàng ngàn cố vấn quân sự…

Vậy mà nay Iraq tham gia “bộ tứ” với cả Nga và Iran thì còn đâu là bí mật của liên minh do Mỹ đứng đầu nữa! Bực tức, Mỹ tạm ngưng kế hoạch yểm trợ không quân cho quân đội Iraq mở chiến dịch đánh IS để giải phóng thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh al-Anbar của Iraq.

Nhưng trước đó, Thủ tướng Iraq Haydar al-Abadi lại tuyên bố “sẵn sàng hoan nghênh Nga không kích IS tại Iraq”! Phải chăng al-Abadi muốn cảnh báo ngầm với Obama rằng nếu Mỹ bỏ rơi Iraq thì đã có Nga sẵn sàng “lấp chỗ trống”?

Nga chơi trên cơ

Ngày 5-10, Yossi Cohen – cố vấn của thủ tướng Israel về an ninh quốc gia – cho rằng Nga có thể sẽ tạo ra “một sự đã rồi” chưa từng có tại Trung Đông suốt hàng chục năm qua. Đó là sự hiện diện của Nga như một cường quốc đứng chân vững chắc ngay sát nách Israel và án ngữ khu vực lợi ích chiến lược của Israel.

“Sự đã rồi” này của Nga khi đã hình thành thì khó mà lung lay được! Một kế hoạch tầm cỡ chiến lược lớn đến như thế mà Mỹ không biết gì trong suốt quá trình chuẩn bị của Nga!?

Đâu phải chính quyền Obama chỉ ngỡ ngàng trước hoạt động của Nga tại Syria. Từ khi ông Obama ngự tại Nhà Trắng đến nay, Trung Đông đã chứng kiến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác mà thực tế cho thấy chính quyền Mỹ hầu như bị động đối phó.

Sự kiện đầu tiên làm đảo lộn không gian chiến lược ở Trung Đông được biết đến với thuật ngữ “mùa xuân Ả Rập” xảy ra hồi đầu năm 2011, lật nhào nhiều chính quyền Ả Rập đồng minh của Mỹ và phương Tây như Hosni Mubarak ở Ai Cập, Ben Ali ở Tunisia, Ali Saleh ở Yemen…

Rồi việc Libya rơi vào hỗn loạn sau khi NATO được Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép không kích giúp đối lập lật đổ Muamar Qaddafi, khiến Libya trở thành môi trường thuận lợi cho sự phát triển của cực đoan và khủng bố.

Cho đến khi xảy ra vụ cơ quan tổng lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi bị tấn công ngày 11-9-2012, Mỹ vẫn không thể tin rằng khủng bố lại phát triển nhanh và mạnh như thế tại xứ sở này!

Không ít giới phân tích cho rằng một nguyên nhân quan trọng dẫn đến sự lúng túng của ông Obama tại Trung Đông là do tổng thống Mỹ không nghe theo nhiều cảnh báo và đề xuất của các quan chức cao cấp trong chính phủ và Nhà Trắng.

Sự mâu thuẫn này được dẫn chứng cụ thể: khi bước vào nhiệm kỳ 2 hồi đầu năm 2013, ông Obama đã thay đổi một loạt vị trí quan trọng như cố vấn an ninh quốc gia, bộ trưởng ngoại giao, bộ trưởng quốc phòng, giám đốc CIA…

Không phải Tổng thống Obama chỉ bị động trước những diễn biến bất thường ở Trung Đông. Sự kiện Nga “bất ngờ” sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine hồi cuối tháng 3-2014 là một minh chứng cho yếu kém của chính quyền Mỹ về mặt đánh giá khả năng hoạt động của một đối thủ như Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Có thể nói, “vụ Syria” đang diễn ra là một bàn thắng nữa mà ông Putin ghi vào lưới Obama khiến tổng thống Mỹ phải ra sức “rượt đuổi tỉ số”, mà đến nay hầu như chưa gỡ được một “bàn danh dự nào”!

Mỹ đầu tư chống IS tại Iraq

Trong một năm qua, Mỹ đã đổ vào Iraq:

– 5.000 cố vấn quân sự.

– Đào tạo huấn luyện hơn 15.000 nhân viên an ninh Iraq.

– Tiến hành 4.583 phi vụ không kích, chủ yếu là không quân Mỹ.

– 450 xe rà phá bom mìn.

– 200 tên lửa hiện đại để chống tăng và công sự kiên cố.

– Rất nhiều đạn dược và quân cụ khác.

– Riêng Mỹ cung cấp cho Iraq 2,3 tỉ USD.

NGUYỄN NGỌC HÙNG