09/01/2025

TPP, lợi và… lo

Hôm qua, Bộ Công thương đã chính thức công bố tóm tắt nội dung Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

TPP, lợi và… lo

 

 

Hôm qua, Bộ Công thương đã chính thức công bố tóm tắt nội dung Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trong khi đó, giới kinh doanh lẫn các chuyên gia đánh giá hiệp định này mở ra cho VN không ít cơ hội nhưng cũng ẩn chứa nhiều thách thức mà Chính phủ lẫn giới doanh nghiệp cần sớm có giải pháp vượt qua.



 

TPP là cơ hội để nhiều ngành sản xuất VN làm lại từ đầu - Ảnh: D.Đ.MTPP là cơ hội để nhiều ngành sản xuất VN làm lại từ đầu – Ảnh: D.Đ.M
Nội dung tóm tắt trên được đăng trên trang web của Bộ Công thương (www.moit.gov.vn).
Bản nội dung hiệp định được công bố có 30 chương, bắt đầu từ thương mại hàng hoá, tiếp tục với hải quan và thuận lợi hoá thương mại; vệ sinh kiểm dịch động thực vật; hàng rào kỹ thuật đối với thương mại; quy định về phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường…
Bộ Công thương cho biết, có một số đặc điểm chính làm TPP trở thành một hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ 21, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu.
Mở hoàn toàn đối với nhà đầu tư nước ngoài
Các bên tham gia TPP nhất trí xoá bỏ ngay lập tức hoặc cắt giảm thuế quan và các hàng rào phi thuế quan đối với hàng hóa công nghiệp. Đối với hàng nông nghiệp, các bên sẽ xoá bỏ hoặc cắt giảm thuế quan và các chính sách mang tính hạn chế khác để gia tăng thương mại hàng nông nghiệp trong khu vực, cải cách về mặt chính sách, bao gồm cả việc thông qua xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp. Các bên tham gia TPP đưa ra các quy định hạn chế việc cấp vốn ưu đãi từ Chính phủ hoặc các chính sách khác gây bóp méo thương mại nông sản.
 
 
TPP, lợi và... lo - ảnh 2
Khó khăn lớn nhất của ngành may VN vẫn là xuất xứ. Những DN làm may gia công như Garmex không có điều kiện để đầu tư làm dệt, nhuộm và lâu nay vẫn mua 50% nguyên phụ liệu từ các DN FDI trong nước, 50% còn lại nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc, quốc gia không tham gia TPP
TPP, lợi và... lo - ảnh 3
 
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty may Garmex Sài Gòn
 

Về dệt may, nhất trí xóa bỏ thuế quan đối với hàng dệt may. Chương dệt may cũng bao gồm các quy tắc xuất xứ cụ thể yêu cầu việc sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP. Về nguyên tắc xuất xứ, 12 nước thành viên TPP đã thống nhất về một bộ quy tắc xuất xứ chung để xác định một hàng hóa cụ thể “có xuất xứ” và do vậy được hưởng thuế quan ưu đãi trong TPP.

Về quản lý hải quan và thuận lợi hoá thương mại, các nước nhất trí về các quy định liên quan tới xử phạt hải quan để bảo đảm các hình thức xử phạt này được thực hiện một cách công bằng và minh bạch. Đối với các biện pháp vệ sinh, kiểm dịch động thực vật (SPS), nhất trí cho phép công chúng được đóng góp ý kiến vào các dự thảo quy định SPS để bảo đảm rằng doanh nghiệp (DN) hiểu rõ các quy định mà họ sẽ phải tuân thủ. Việc kiểm tra hàng hoá đáp ứng các quy định SPS được dựa trên các rủi ro tiềm tàng và thông báo cho nhà nhập khẩu hoặc xuất khẩu trong vòng 7 ngày nếu hàng hóa bị cấm nhập khẩu vì lý do liên quan đến SPS.
Hàng rào kỹ thuật đối với thương mại (TBT), các thành viên TPP đã nhất trí về các nguyên tắc minh bạch và không phân biệt đối xử khi xây dựng các quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp. Để cắt giảm chi phí cho các DN, đặc biệt là các DN nhỏ, các thành viên TPP nhất trí xoá bỏ các quy trình kiểm tra và chứng nhận trùng lắp đối với các sản phẩm, thiết lập quy trình dễ dàng hơn giúp các công ty tiếp cận thị trường các nước TPP.
Chương phòng vệ thương mại trong Hiệp định TPP cho phép 1 thành viên thực hiện 1 biện pháp tự vệ tạm thời trong một khoảng thời gian cụ thể nếu việc nhập khẩu tăng đột biến do kết quả của việc cắt giảm thuế được thực hiện theo Hiệp định TPP đủ để gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước. Các biện pháp này có thể được duy trì lên tới 2 năm, với việc gia hạn 1 năm nhưng phải được tự do hoá dần dần nếu các biện pháp này đã kéo dài hơn 1 năm.
Về các vấn đề đầu tư, các thành viên TPP chấp nhận thị trường các nước mở hoàn toàn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chấm dứt tin nhắn thương mại điện tử “rác”
Trong chương thương mại điện tử, nghiêm cấm việc áp dụng thuế quan đối với các sản phẩm kỹ thuật số. Các thành viên cũng được yêu cầu phải có các biện pháp để chấm dứt các tin nhắn thương mại điện tử được gửi đi không do yêu cầu.
Đối với mua sắm chính phủ, các thành viên sẽ chỉ duyệt hợp đồng dựa trên những tiêu chí đánh giá đã mô tả trong các thông báo và hồ sơ dự thầu, sẽ xây dựng các quy trình hợp lý để chất vấn hoặc xem xét các khiếu nại đối với một phê duyệt nào đó. Mỗi thành viên sẽ đưa ra một danh sách chọn cho các đơn vị mà thành viên đó sẽ xây dựng, được liệt kê tại phụ lục gắn liền với Hiệp định TPP.
Trong chương DN nhà nước (SOEs), tất cả các thành viên TPP đều có DN nhà nước nên nhất trí bảo đảm rằng các SOEs của mình sẽ tiến hành các hoạt động thương mại trên cơ sở tính toán thương mại, trừ trường hợp không phù hợp với nhiệm vụ mà các SOEs đó đang phải thực hiện để cung cấp các dịch vụ công.
Các thành viên cũng đồng ý bảo đảm rằng các SOEs hoặc đơn vị độc quyền sẵn có không có những hoạt động phân biệt đối xử đối với các DN, hàng hoá, dịch vụ của các thành viên khác. Các thành viên TPP đồng ý chia sẻ danh sách các SOEs với các thành viên khác và khi được yêu cầu sẽ cung cấp các thông tin bổ sung về mức độ sở hữu hoặc kiểm soát của Chính phủ và những hỗ trợ phi thương mại cung cấp cho các SOEs. Hiệp định TPP quy định việc thành lập Uỷ ban DN vừa và nhỏ được tiến hành họp định kỳ để rà soát mức độ hỗ trợ của Hiệp định TPP cho các DN này. Cân nhắc các cách thức để nâng cao hơn nữa những lợi ích của hiệp định, đồng thời giám sát các hoạt động hợp tác hoặc nâng cao năng lực để hỗ trợ cho DN vừa và nhỏ thông qua tư vấn xuất khẩu, hỗ trợ, đào tạo cho DN vừa và nhỏ; chia sẻ thông tin; cấp vốn thương mại và các hoạt động khác…
Doanh nghiệp lớn hăng hái
 
 
TPP, lợi và... lo - ảnh 4
Đây là cơ hội để thay đổi những yếu kém của ngành. Chính phủ phải vào cuộc ngay để hoạch định chiến lược rõ ràng và có giải pháp kiểm soát mạnh mẽ, chứ nếu nói rồi lại bỏ thì vài năm sau chúng ta lại tự kiểm điểm theo bài “đánh mất cơ hội”
TPP, lợi và... lo - ảnh 5
 
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV VISSAN
 

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần tôn Hoa Sen, trong hội thảo về Kết nối cung cầu hàng Việt được tổ chức tại TP.HCM vào cuối tháng 9 vừa qua, cho biết công ty ông đã đầu tư để đón đầu TPP xuất hàng thành phẩm sang Mỹ sau khi hiệp định được ký kết. Đại diện Công ty cổ phần sợi Thế Kỷ cũng kỳ vọng TPP sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các DN lĩnh vực sợi, dệt may do giá thành các mặt hàng này của VN khá cạnh tranh so với 12 quốc gia tham gia TPP.

Thông tin từ Tập đoàn dệt may VN (Vinatex) cho thấy đơn vị này liên doanh với một số nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đã đầu tư lên đến 8.000 tỉ đồng để xây dựng vùng nguyên phụ liệu đón đầu TPP. Theo tính toán của các chuyên gia kinh tế, với việc gia nhập TPP, xuất khẩu VN sẽ tăng thêm 28% vào năm 2025 và GDP sẽ tăng thêm 10,5% so với không gia nhập.
May mặc thì lo
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của các DN lớn, khu vực DN vừa và nhỏ lại tỏ ra băn khoăn lo lắng. Đặc biệt với chăn nuôi, dệt may là 2 trong số những ngành chịu ảnh hưởng lớn sau TPP.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty may Garmex Sài Gòn, lo ngại: “Khó khăn lớn nhất của ngành may VN vẫn là xuất xứ. Những DN làm may gia công như Garmex không có điều kiện để đầu tư làm dệt, nhuộm và lâu nay vẫn mua 50% nguyên phụ liệu từ các DN FDI trong nước, 50% còn lại nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc, quốc gia không tham gia TPP. Mà theo quy định của TPP, muốn xuất khẩu không thuế vào khu vực này, phải sử dụng nguyên phụ liệu của các thành viên TPP”. Theo thống kê, trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu dệt may hiện nay, khoảng 70% thuộc về DN FDI. 30% còn lại của DN trong nước nhưng lại có đến 85% trong số này chuyên làm gia công. Theo ông Hùng, với ngành may mặc, khi VN chưa có nền công nghiệp phụ trợ, sự hưởng lợi từ hiệp định này không cao.
Không chỉ xuất xứ, một DN dệt may khác cũng cho biết, trước đây các DN FDI hoặc DN nội lớn chỉ đầu tư dệt, sợi, cung cấp cho các DN may trong nước. Nay để hưởng lợi từ TPP, họ đầu tư cả may, nghĩa là quy trình khép kín và ưu tiên cung cấp nguyên phụ liệu cho các công ty có liên kết may trong tập đoàn. Với các công ty chuyên may gia công thuần (chiếm số đông) sẽ khó mua nguồn nguyên phụ liệu nên dự báo sắp tới, sẽ có nhiều DN vừa và nhỏ trong ngành may sẽ “chết”, do không cạnh tranh nổi với các tập đoàn đầu tư lớn theo dây chuyền khép kín, cạnh tranh mạnh về giá cả, nhân sự và nguồn nguyên vật liệu. Có thể thấy, với ngành may mặc hậu TPP không chỉ “màu hồng” như chúng ta vẫn nghĩ.
Chăn nuôi lo bị thịt ngoại đè
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, chăn nuôi hiện là ngành gặp nhiều khó khăn nhất khi cam kết TPP có hiệu lực.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV VISSAN, phân tích: 85% chăn nuôi hiện nay là nhỏ lẻ, chỉ có 15% chăn nuôi công nghiệp. VN có đàn heo nái 4,5 triệu con, đứng hàng thứ 3 trên thế giới nhưng sản lượng thịt hạng 15 – 16. Cụ thể bình quân thế giới một đầu heo nái cho 30 con heo thịt/năm, còn VN chỉ cho 21 con. Năng suất quá thấp đã đẩy giá thành thịt heo tăng cao nên rất khó cạnh tranh hậu TPP. Chưa kể, mặt bằng giá thành sản xuất của VN cũng cao hơn mức trung bình của thế giới là 25%. “Đối với VISSAN, có yêu đất nước lắm thì cũng chỉ mua trong một chừng mực thôi vì chúng tôi làm ăn kinh doanh. Thịt gia cầm Mỹ, Úc năng suất cao, giá rẻ thời gian qua đã được nhập ồ ạt trong thời gian gần đây, đánh bật chúng ta”, ông Mười nói.
Cũng theo ông Mười, khi chưa vào TPP chúng ta đã có những hiệp ước với Úc và New Zealand về nông nghiệp. Hiện thuế suất đối với thú sống vào VN bằng 0%, thịt còn 15 – 20%. “Với mức thuế bằng 0%, bò Úc sống đã nhanh chóng tràn vào VN. Với lộ trình này của TPP, thuế suất của mặt hàng thịt sẽ tiếp tục giảm và thịt ngoại giá rẻ sẽ thâm nhập thị trường VN dễ hơn. Hiện nay ngành chăn nuôi chúng ta vẫn trụ được vì thói quen tiêu dùng thịt tươi sống của người VN. Nó là một rào cản kỹ thuật tự nhiên cho VN. Bên cạnh đó, chúng ta còn xuất khẩu heo sống qua tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc và cả Campuchia. Nhưng thêm một yếu tố để có thể khẳng định thịt ngoại sẽ lấn át thịt nội trong sân chơi TPP chính là ngành chăn nuôi của chúng ta chưa truy suất nguồn gốc, chưa sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa có chỉ dẫn địa lý”, ông Mười nhận xét.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, phân tích: Hiện tại, đối với con gà, chúng ta phải nhập khẩu tất tần tật mọi thứ từ thiết bị chuồng trại, con giống bố mẹ, thức ăn, nguyên liệu chế biến thức ăn, thuốc thú y… Mặt hàng nào cũng bị đánh thuế, đẩy giá thành tăng cao. Nay vào TPP các mặt hàng này đều được giảm thuế sẽ giúp hạ giá thành chăn nuôi. “Chúng ta còn một lợi thế nữa là chi phí nhân công rẻ hơn các nước. Đó là những lợi thế về mặt sản xuất mà trước nay ít người đề cập đến. Chính vì vậy tôi không cảm thấy quá lo lắng khi chúng ta gia nhập TPP”, ông Ngọc tỏ ra lạc quan.
Ông Mười thì cho rằng đây là cơ hội để thay đổi những yếu kém của ngành. Chính phủ phải vào cuộc ngay để hoạch định chiến lược rõ ràng và có giải pháp kiểm soát mạnh mẽ, chứ nếu nói rồi lại bỏ thì vài năm sau chúng ta lại tự kiểm điểm theo bài “đánh mất cơ hội”.
Ông Lê Quang Hùng thì nhận định giải pháp duy nhất là Chính phủ gấp rút hỗ trợ các DN đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, hoặc chính nhà nước đầu tư các DN này để cung cấp cho các DN may gia công trong nước. Chứ hiện tại, với cách làm của Vinatex, họ đang ưu tiên cung cấp cho các DN thành viên thôi. Với ngành chăn nuôi, theo ông Văn Đức Mười, tuy là ngành dễ bị tổn thương nhưng TPP là cơ hội quá tốt. Vì bị tác động quá lớn nên nó buộc chúng ta nếu muốn tồn tại phải bắt tay làm lại từ đầu. Đây là cơ hội để thay đổi những yếu kém của ngành.
TPP “thúc” chứng khoán tăng gấp đôi
Ngay khi mở cửa phiên buổi sáng hôm qua (6.10), thoả thuận lịch sử TPP thành công đã tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư và lập tức lan tỏa trên thị trường, đẩy chỉ số VN-Index tăng mạnh từ đầu phiên. Sắc xanh phủ áp đảo trên cả hai sàn. Nhiều mã blue-chip được tranh mua giá trần như HVG, ITA, KBC, PVT, BVH. Với sự dẫn dắt của những mã blue-chip, không có mã nào trong nhóm cổ phiếu VN30 giảm giá đã duy trì sức mạnh tăng giá cho thị trường.
Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng vọt 11 điểm, lên mức 581,29 điểm. Khối lượng giao dịch khớp lệnh đạt khoảng 179,24 triệu đơn vị, tăng 80% so với ngày trước đó, tương ứng giá trị khoảng 3.000 tỉ đồng. Khối lượng giao dịch thỏa thuận đạt khoảng 27,33 triệu đơn vị, gấp 3 lần phiên giao dịch trước đó. Chỉ số HNX-Index cũng tăng 1,65 đạt mức 80,47 điểm. Thanh khoản toàn thị trường tăng mạnh, tổng cộng có 60,48 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt 652,18 tỉ đồng, tăng 47% khối lượng giao dịch và tăng 50% giá trị giao dịch so với phiên trước đó.
Hồng Sương

Nhiều ngành chuẩn bị rất sơ sài
TPP sẽ có nhiều nỗi lo hơn vui. DN chưa hiểu tầm quan trọng và chuẩn bị nhiều cho sân chơi chiếm tổng GDP lên đến 27.500 tỉ USD. Tôi thấy lo nhiều hơn là vui mừng, bởi sự chuẩn bị của chúng ta với các ngành sản xuất, bán lẻ, dịch vụ… vô cùng sơ sài. Đặc biệt, nền kinh tế tư nhân của chúng ta chưa định hình như 11 quốc gia thành viên còn lại. Chúng ta chưa có lực lượng tham gia kinh tế tư nhân hùng mạnh để có thể đại diện cho nền kinh tế quốc gia ra với nước ngoài. Chính phủ cần quyết liệt phát triển kinh tế tư nhân đúng bản chất của nó, hạn chế tối đa kinh tế nhà nước.
Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC)

Kẻ tám lạng, người nửa cân
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên tại Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết: “Quan hệ thương mại giữa VN với Trung Quốc và các đối tác TPP chiếm đến gần 63% tổng thương mại VN với thế giới. Trong đó, quan hệ thương mại giữa VN và Trung Quốc chiếm 28%, trong khi với các nước trong TPP là 35%. Như vậy, đối với VN thì “hai” đối tác Trung Quốc và TPP như “kẻ tám lạng, người nửa cân”. Tuy nhiên điểm khác nhau ở chỗ, so với Trung Quốc, VN nhập siêu với mức thâm hụt thương mại lên đến 44 tỉ USD năm 2014, trong khi với các đối tác TPP thì VN lại xuất siêu 25 tỉ USD.
M.Q

Mạnh Quân – Nguyên Nga – Chí Nhân