10/01/2025

Hoa Hải Đường nở giữa đồi nương

Để đến được giảng đường, nữ sinh viên ấy phải trải qua những ngày ám ảnh của nghèo đói và nỗi sợ vô hình phải sống một mình suốt bốn năm trong căn nhà dột nát giữa đồi cà phê quạnh vắng.

 

Hoa Hải Đường nở giữa đồi nương

 

Để đến được giảng đường, nữ sinh viên ấy phải trải qua những ngày ám ảnh của nghèo đói và nỗi sợ vô hình phải sống một mình suốt bốn năm trong căn nhà dột nát giữa đồi cà phê quạnh vắng.




Văn Hoa Hải Đường trước căn nhà giữa vườn cà phê mà mình đã sống một mình suốt bốn năm qua - Ảnh: Mai Vinh
Văn Hoa Hải Đường trước căn nhà giữa vườn cà phê mà mình đã sống một mình suốt bốn năm qua – Ảnh: Mai Vinh

Đó là câu chuyện của Văn Hoa Hải Đường, tân sinh viên Trường ĐH Tài chính – marketing. Ngày rời xã Tân Châu (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) nhập học cũng là ngày cô gói ghém hành lý, trả lại “căn nhà” – thực tế là căn chòi – cho người chủ vườn tốt bụng cho cô ở nhờ nhiều năm. Cô tạm biệt nơi không ánh đèn điện nhưng đã khơi lên trong cô giấc mơ đổi đời bằng sự học.

Đơn độc

Cha Hải Đường mất sớm. Gia đình càng lúc càng nghèo. Mảnh đất cằn không đủ nuôi sống hai mẹ con nên phải bán đi. Nghèo, mẹ Hải Đường cắn răng rời con đến Đắk Nông làm thuê làm mướn kiếm sống. Bà không thể cùng Hải Đường đi vì nơi bà đến điều kiện học tập khó khăn.

Năm 2011 khi Hải Đường học lớp 9, cô bắt đầu cuộc sống một mình trong căn nhà nằm đơn độc giữa vườn cà phê gần như biệt lập với khu dân cư. Ấy là căn nhà tạm mà chủ vườn cám cảnh cho mượn đất dựng tạm.

“Ba má và con luôn ở bên nhau mãi mãi”. Đó là dòng chữ còn rõ nét bằng mực bút xoá ghi trên tấm cửa gỗ ẩm mục mỏng dính trong “nhà” của Hải Đường. Ấy là dấu vết của lần cô tự trấn an mình vượt qua cơn sợ hãi. “Lần đó gió thổi bung cửa khi trời đã tối, đang ngồi học tôi vội nép vào góc nhà cùng một khúc cây thủ thế” – Hải Đường kể.

Phải hai giờ sau cô mới rời góc nhà, rời ánh mắt ra khỏi khung cửa và khoảng trống trong đêm đen kịt. “Để không còn sợ, tôi nghĩ về người cha đã mất, mẹ đang đi xa và viết lên cửa. Muốn gọi điện thoại cho mẹ nhưng sợ gọi chỉ làm mẹ ở xa thêm lo lắng nên đành im lặng” – cô lý giải về dòng chữ yêu thương ghi trên cửa nhà. Mỗi lần lo sợ cô lại nhìn dòng chữ trên cửa như một cách tự trấn an mình.

Cô bộc bạch: “Tôi sợ lắm tiếng bước chân trong vườn hay tiếng khua cửa trong đêm. Mấy năm trời ở đây không có ai làm phiền giữa đêm nhưng vì sợ nên cứ cảm giác là có người đang đến gần”. Ở tuổi thiếu nữ, Hải Đường có những nỗi lo rất riêng khi sống trong hoàn cảnh đặc biệt. Cô bảo đi học là cách tốt nhất để quên lo lắng. Nhưng rời khỏi trường, những lo toan vượt quá sức lực đã chờ sẵn buộc cô phải đối mặt.

“Có lần về sau cơn dông, trong ánh sáng mờ mờ của trời sắp tối, tôi nhìn mái nhà bị cuốn bay mà chỉ biết khóc” – Hải Đường kể. Sau một đêm, cô đi mượn búa mua đinh, cặm cụi tìm cách sửa lại mái nhà.

10.000 đồng 
cho chục bữa ăn

Tiền mẹ gửi hằng tháng chỉ đủ học phí. Còn mọi sinh hoạt Hải Đường phải tự xoay xở. Để có gạo cô phải đi làm thêm cho chủ vườn cà phê gần nhà, để có rau cô tự trồng quanh nhà. Đói là chuyện thường với Hải Đường.

Có lần tiền không còn, cô mượn bạn 10.000 đồng đi ra chợ mua thịt mỡ về rán. Phần mỡ dành xào rau, phần tóp mỡ trộn với muối để dành ăn suốt 10 ngày. Hà Thị Dung, bạn thân Hải Đường, kể lại chuyện với giọng đầy ngạc nhiên: “Khi tận mắt chứng kiến tôi cũng không tin đó là sự thật. Hải Đường thường mang cơm đến trường ăn trưa và tôi thấy nhiều ngày liên tiếp hộp cơm chỉ có rau và tóp mỡ trộn muối”.

Thầy Nguyễn Văn Huy, giáo viên chủ nhiệm của Hải Đường năm lớp 12, nói chuyện về Hải Đường đã khiến thầy xúc động và lấy làm câu chuyện kể lại với những học trò thân thiết của mình.

“Tôi biết nơi em ở không có điện nhưng không rõ em học bài như thế nào. Khi tôi hỏi thì em kể em mua một đèn đội đầu mà dân soi nhái soi cá hay dùng. Cứ tới giờ học là đội lên đầu và soi vào sách vở” – thầy Huy kể. Thầy ví von hình ảnh Hải Đường là “soi chữ”. Sau lần nghe Hải Đường kể chuyện đội đèn soi học bài, thầy Huy hiểu hơn về cô học trò nghèo hiếu học và nhiều lần ra tay giúp học trò.

Giữa nghèo khó và đơn độc, nhiều lần Hải Đường thầm trách mẹ sinh ra mình nhưng không cho mình no đủ như những bạn bè. Trách mẹ đi kiếm sống xa nhà bỏ cô phải tự đối mặt với những việc mà chỉ người lớn mới giải quyết được.

Hờn trách đi theo cô cho đến ngày cô đến Đắk Nông thăm mẹ. Vừa chạm đến nơi cô sững sờ, nước mắt chảy dài và bao nhiêu hờn tủi trôi theo nước mắt. Nơi mẹ cô, bà Lại Thị Hoài (52 tuổi), đang ở là một chòi tranh đơn độc giữa rẫy cà phê mà bà được thuê chăm sóc. Khu rẫy cách đường chính cả chục cây số. Mẹ Hải Đường cũng sống đơn độc như cô.

“Nếu tôi chỉ đơn độc thì mẹ còn vất vả. Nếu tôi có bạn bè tâm sự thì mẹ hoàn toàn một mình. Mình tự thấy mình cực nhưng không thể so sánh với mẹ” – Hải Đường bật khóc khi kể về mẹ.

Cô tâm sự sau lần ấy cô dồn sức học để tìm cho mình và mẹ cơ hội thoát ra khỏi những căn nhà tạm bợ heo hút núi rừng.

Hải Đường kể khi báo tin qua điện thoại cho mẹ rằng đã đậu đại học, bà chỉ đáp lại gấp gáp: “May quá, làm sao mà may mắn dữ vậy con”. Trước khi cúp máy, Hải Đường nghe trong điện thoại tiếng mẹ khóc rưng rức, không rõ vui hay buồn. Rồi bà gọi lại bảo mẹ sẽ chuẩn bị học phí, mau thôi.

Cuốn sổ ân tình

Để có tiền trang trải việc học, Hải Đường phải ky cóp từng đồng từ công việc làm thêm và nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm - Ảnh: Mai Vinh
Để có tiền trang trải việc học, Hải Đường phải ky cóp từng đồng từ công việc làm thêm và nhờ sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm – Ảnh: Mai Vinh

“Tháng 11-2014, chú Chung cho con 2 triệu”; “Tháng 9-2014, thầy Huy vận động cả lớp cho 50 quyển vở…”.

Đó là hai trong nhiều dòng chữ Hải Đường ghi trong cuốn sổ tay nhỏ mà cô mang theo khi đi nhập học. Với cô đó là cuốn sổ chứa đầy ân tình của thầy cô, bè bạn và những người tốt xung quanh. Cuốn sổ chứa những thông tin cụ thể đến từng cái áo, cây bút.

Thắc mắc rằng người tốt cho chứ có bắt nợ đâu mà phải ghi thì cô đáp: “Ghi như ghi nhật ký. Để nhớ mình đã sống bằng tình thương của bao nhiêu người. Nhớ vậy để sau này còn trả ơn”. Bảo sẽ không ai nhận lại tình nghĩa đã trao đi, cô lại đáp: “Mình sẽ gắng làm giàu, giúp lại người khác như một cách trả ơn người đã giúp khi mình khó”.

Cần được chứng nhận hộ nghèo

Văn Hoa Hải Đường trúng tuyển Trường ĐH Tài chính – marketing, ngành tài chính – ngân hàng với 22,5 điểm. Hiện Hải Đường đang ở nhờ nhà trọ của người quen tại TP.HCM trước khi đi tìm chỗ trọ ổn định. Hải Đường cho biết học phí hiện nay quá sức của cô.

“Tôi có trình bày hoàn cảnh nhưng trường cho biết theo quy định phải có sổ hộ nghèo mới được xét miễn giảm” – Hải Đường cho biết.

Gia đình Hải Đường không có hộ khẩu tại xã Tâm Châu dù sống gần 12 năm tại đây. Để được đi học, Hải Đường phải nhập hộ khẩu nhờ gia đình một người quen.

Sau khi biết đến hoàn cảnh của Hải Đường, bà Lâm Thị Phước Linh, phó chủ tịch UBND huyện Di Linh, cho biết: “Không hiểu tại sao xã lại không làm các thủ tục về hộ nghèo cho gia đình Hải Đường. Tôi sẽ tiến hành kiểm tra lại và có hướng xử lý”.

MAI VINH ([email protected])