10/01/2025

Việt Nam được dự báo tăng trưởng đạt 6,2%

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo VN sẽ đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm nay, thay vì 6% như mức dự báo trước đó.

 

Việt Nam được dự báo tăng trưởng đạt 6,2%

 

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo VN sẽ đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm nay, thay vì 6% như mức dự báo trước đó.




Dự báo tăng trưởng GDP 2015 -Nguồn: WB - Đồ họa: Tấn Đạt
Dự báo tăng trưởng GDP 2015 -Nguồn: WB – Đồ hoạ: Tấn Đạt

Ngày 5-10, trong báo cáo Cập nhật kinh tế khu vực Đông Á – Thái Bình Dương được công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo VN sẽ đạt mức tăng trưởng 6,2% trong năm nay, thay vì 6% như mức dự báo trước đó.

WB cũng dự báo VN sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2016, đồng thời cho rằng VN và Philippines là hai nền kinh tế có điều kiện tăng trưởng hứa hẹn nhất trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng VN cần đẩy nhanh tái cơ cấu mới có thể đạt mức tăng trưởng gần 7% và thực hiện tham vọng trở thành một nước hiện đại, công nghiệp hoá của mình.

Theo WB, quá trình tái cơ cấu tại VN đã đạt được những tiến bộ nhất định nhưng không đồng đều, nhất là trong ngành ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước. Tiến độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã chậm lại và nợ xấu vẫn là một vấn đề lớn của hệ thống ngân hàng.

Báo cáo cũng khẳng định việc thiếu nguồn tài chính, năng lực chuyên môn thấp, không có khung pháp lý phù hợp vẫn là những yếu tố cản trở Công ty Quản lý tài sản VN (VAMC) thực hiện giải quyết nợ xấu.

Trao đổi với báo chí về vấn đề nợ xấu sau buổi công bố báo cáo, ông Sandeep Mahajan – chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại VN – cho rằng Chính phủ VN cần thay đổi khuôn khổ pháp lý, trong đó cho phép VAMC bán nợ xấu theo giá thị trường.

Báo cáo cũng khuyến nghị các nước đang phát triển ở Đông Á, trong đó có VN, cần chú ý ba lĩnh vực ưu tiên cải cách trung hạn. Thứ nhất, quy chế thu hút đầu tư nước ngoài, cần giảm bớt thủ tục rườm rà và những quy định không rõ ràng, xem lại cách thức dùng ưu đãi thuế để khuyến khích đầu tư.

Thứ hai, cần thay đổi ưu tiên tập trung trong chính sách nông nghiệp. Theo báo cáo, chính sách lương thực trong khu vực thường chỉ xoay quanh vấn đề an ninh lương thực theo kiểu tự cung tự cấp và ổn định giá gạo, trong khi cơ cấu về nhu cầu và sản xuất lương thực cũng thay đổi mạnh, từ tiêu thụ ngũ cốc trực tiếp sang tiêu thụ gián tiếp thông qua tăng cường sử dụng sản phẩm chăn nuôi.

Do đó, theo WB, các nước phải có một chính sách lương thực đa ngành và phải hiểu khái niệm an ninh lương thực linh hoạt. Ngoài ra, cũng cần chú ý hơn đến hàm lượng dinh dưỡng, an toàn thực phẩm và các rủi ro môi trường.

Cuối cùng, theo WB, Cộng đồng Kinh tế ASEAN dự kiến ra đời vào cuối năm nay sẽ tạo nên một số tác động tích cực như thuế quan giảm đáng kể, thương mại khu vực thuận lợi hơn, thương mại dịch vụ và FDI sẽ bùng nổ… Tuy nhiên, các nước ASEAN cũng phải giải quyết một số thách thức mới như xoá bỏ các biện pháp bảo hộ phi thuế quan, đẩy nhanh hội nhập dịch vụ và thúc đẩy hợp tác về chính sách quản lý…

Đã xử lý được hơn 424.000 tỉ đồng nợ xấu

Chiều 5-10, tại hội thảo “Ba năm nhìn lại tái cơ cấu nợ và xử lý nợ xấu ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước và báo Lao Động tổ chức, ông Nguyễn Kim Anh – phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cho biết đến hết tháng 8 các tổ chức tín dụng đã xử lý được 424.140 tỉ đồng, tỉ lệ nợ xấu chỉ còn 3,21% và sẽ về dưới 3% cuối năm nay.

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng, chủ tịch VAMC, thừa nhận tốc độ xử lý nợ xấu thời gian qua còn chậm, kết quả bán nợ, tài sản đảm bảo vẫn còn rất khiêm tốn.

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, VAMC đặt mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong năm 2016 là bán nợ, bán tài sản đảm bảo… và mua nợ theo giá thị trường đối với những khoản nợ xấu mới phát sinh, hạn chế mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt.

L.THANH

QUỲNH TRUNG ([email protected])