09/01/2025

Quảng cáo láo, bán giá cắt cổ

Đó là khẳng định của ông Phạm Hải Thắng, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Bình Sinh (Công ty Bình Sinh), đơn vị sản xuất ra sản phẩm FACORV về thông tin quảng bá và giá bán sản phẩm phân bón lá FACORV của Công ty CP kết nối sản xuất thương mại dịch vụ phân bón Rồng Vàng Đất Việt DC.

 

Đa cấp lan tới nông nghiệp – Kỳ 2: Quảng cáo láo, bán giá cắt cổ

 

 

Đó là khẳng định của ông Phạm Hải Thắng, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Bình Sinh (Công ty Bình Sinh), đơn vị sản xuất ra sản phẩm FACORV về thông tin quảng bá và giá bán sản phẩm phân bón lá FACORV của Công ty CP kết nối sản xuất thương mại dịch vụ phân bón Rồng Vàng Đất Việt DC.

 



 
 
 

 00:00

 

 
 

 


[Clip] Uống phân bón

 

Trước đó theo tìm hiểu của chúng tôi, Rồng Vàng Đất Việt DC (RVĐV) là Công ty phân phối độc quyền sản phẩm FACORV cho Công ty Bình Sinh.

Chưa biết là phân vô cơ, hữu cơ hay nước lã pha màu
Sáng 5.10, chúng tôi liên hệ qua điện thoại với Công ty Bình Sinh gặp một người đàn ông tự nhận là Phạm Hải Thắng, Giám đốc công ty. Chúng tôi đề nghị được gặp trực tiếp ông Thắng để trao đổi những vấn đề có liên quan đến RVĐV và sản phẩm FACORV do công ty sản xuất, ông Thắng từ chối với lý do rất bận vì phải chuẩn bị đi Hà Nội vào ngày 9.10 để nhận giải thưởng của Cục Sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên ông cũng miễn cưỡng tiếp chuyện qua điện thoại.
Về mức giá 800.000 đồng/ chai 1 lít FACORV, ông Thắng tỏ thái độ bức xúc và cho biết, khi ký hợp đồng với RVĐV, ông không biết công ty này phân phối sản phẩm của mình theo kiểu đa cấp. “Sau một thời gian tôi cũng nghe dư luận nói nhiều điều không hay về công ty này. Tôi có thấy họ quảng cáo sản phẩm của mình rất bố láo bố lếu không đúng sự thật làm ảnh hưởng đến tên tuổi sản phẩm của mình. Tôi rất khó chịu với họ. Sau này tôi mới biết họ bán sản phẩm của mình với giá cắt cổ. Tôi có nói với ông Tâm (Nguyễn Văn Tâm, Tổng giám đốc RVĐV – NV) “bán giá đó là em muốn giết người hả? – Ông Tâm trả lời vì đây là mô hình mới kinh doanh thông minh, phải bán giá cao mới có tiền trả tiền “tri ân” cho khách hàng” – ông Thắng kể. Cũng theo ông Thắng, “Bình Sinh đã ngưng cung cấp hàng cho RVĐV từ khoảng hơn một tháng nay. Hàng của họ còn có thể là hàng tồn từ trước”.
Điều đáng nói là theo thông tin trong bản mô tả sản phẩm của Công ty Bình Sinh thì “phân bón cao cấp FACORV có chứa các chất dinh dưỡng, thảo mộc thiên nhiên và hàm lượng của a xít amin có tác dụng tăng năng suất cây trồng…”. Tuy nhiên chính ông Thắng lại khẳng định: “Sản phẩm FACORV của tôi là phân bón vô cơ không phải hữu cơ”.
Trao đổi với chúng tôi PGS-TS Lê Văn Hòa, Trưởng khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng (ĐH Cần Thơ) nói: Nếu là phân vô cơ thì chắc chắn không phải là phân bón sinh học. Về việc lãnh đạo của Công ty RVĐV pha phân bón lá với nước để uống nhằm chứng minh phân bón sạch, TS Hòa cho rằng, dù có là phân sinh học thì cũng không được phép uống vì phân bón cũng là chất hoá học, không được uống thử và phải được khuyến cáo để xa tầm tay trẻ em, để tránh những nguy hại có thể xảy ra. Nếu thật sự có người hòa phân bón vào nước để uống như Báo Thanh Niên phản ánh thì đó chỉ có thể là nước có pha màu.
Theo Tổng giám đốc Công ty RVĐV Nguyễn Văn Tâm, hiện công ty đã có 100 phó giám đốc vùng. Để được làm phó giám đốc vùng thì phải đạt doanh số 1 tỉ đồng. Như vậy, nếu giới thiệu này là thật thì chỉ tính riêng 100 phó giám đốc vùng này đã bán ra 100 tỉ đồng phân bón dỏm nói trên, chưa kể các thành viên khác.
Có dấu hiệu lừa đảo
Nhưng ngay cả Công ty Bình Sinh cũng có những dấu hiệu gian dối, lừa đảo. Theo ông Thắng cho biết trụ sở chính của công ty ở số 536/43/62 Âu Cơ, tổ 5A, P.10, Q.Tân Bình, TP.HCM, còn cơ sở sản xuất tại Củ Chi. Khi chúng tôi đề nghị được tham quan cơ sở, dây chuyền sản xuất của Bình Sinh thì ông Thắng từ chối. Tuy nhiên, đối chiếu với thông tin trong hồ sơ mà Bình Sinh cung cấp cho RVĐV, thì địa chỉ sản xuất của Bình Sinh lại ở số: 67B/3A ấp 2, xã An Phú Tây, H.Bình Chánh, TP.HCM (hợp đồng gia công với Công ty CP phân bón Nam Việt).
Trong tài liệu “Bản công bố hợp quy” do Công ty Bình Sinh cung cấp, có đóng dấu đỏ do Giám đốc Phạm Hải Thắng ký có hàng loạt tài liệu mang tính giả mạo khác. Đơn cử giấy chứng nhận “Thương hiệu độc quyền hàng thật” do Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TPHN – Trung tâm chống hàng giả chứng nhận. Hội chống hàng giả của TPHN lại được chỉ đạo và bảo trợ của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và một số bộ ngành cơ quan nhà nước khác. Tuy nhiên, trên thực tế không có hội này. Các hội, hiệp hội chống hàng giả đều viết tên đầy đủ, không có nơi nào viết tắt như “Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TPHN” mà Công ty Bình Sinh công bố. Một chuyên gia cạnh tranh cho biết, chứ viết tắt “TPHN” là nhằm lập lờ đánh lận với Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP.Hà Nội. Tuy nhiên, Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu TP.Hà Nội là do UBND TP.Hà Nội thành lập chứ không phải của Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.
Một tài liệu khác có tên: “Hồ sơ pháp lý hợp quy”, tại trang 1 (theo đánh dấu số thứ tự của tài liệu) nền màu đỏ nội dung: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Tạp chí Kiểm sát. Truyền thông khảo sát và cấp dấu hiệu HÀNG THẬT. Dưới đó là logo có nội dung: Chứng nhận hàng thật, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, nghiêm cấm làm giả làm nhái. Phía dưới có cơ quan chỉ đạo, bảo trợ và hỗ trợ gồm: Tạp chí Kiểm sát, Bộ Công thương, Bộ Khoa học – Công nghệ, UBND các tỉnh/thành phố. Đơn vị tổ chức và thực hiện: Tập đoàn doanh nhân Đất Việt, Câu lạc bộ Doanh nhân Đất Việt. Chân trang còn được chạy một loạt logo của các cơ quan truyền thông lớn như: VTV, HTV, ANTV, Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Tuổi Trẻ, Báo Thanh Niên
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên Thanh Niên, ông Nguyễn Như Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Kiểm sát khẳng định: “Bên tôi hoàn toàn không làm việc đấy. Tôi khẳng định việc đấy là giả mạo. Chúng tôi là cơ quan nghiên cứu về mặt khoa học, trao đổi nghiệp vụ về pháp lý và thực hiện các nhiệm vụ chính trị do lãnh đạo Viện KSND tối cao giao. Chúng tôi không có cơ sở gì để cấp chứng nhận những thứ đấy”.
Báo Thanh Niên cũng không hề có bất cứ hoạt động gì liên quan đến Công ty Bình Sinh như công bố của công ty này.
RVĐV kinh doanh đa cấp trái phép
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương): Về hiện trạng tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đến ngày 30.9.2015 bao gồm 4 mục: giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, trả hồ sơ, đang trong quá trình thẩm định, đang trong quá trình sửa đổi bổ sung. Trong cả 4 mục này đều không có tên của Công ty cổ phần kết nối sản xuất thương mại dịch vụ phân bón Rồng Vàng Đất Việt DC. Điều này chứng minh RVĐV hoạt động kinh doanh đa cấp trái phép nếu không muốn nói là lừa đảo.

Chí Nhân