09/01/2025

Đưa cả Ấn Độ lên mạng Internet

Chính phủ Ấn Độ vừa triển khai sáng kiến đầy tham vọng mang tên “Digital India” (Ấn Độ số) nhằm số hoá rất nhiều dịch vụ công và thành lập kho tài nguyên kiến thức để mọi người dân được tiếp cận miễn phí.

 

Đưa cả Ấn Độ lên mạng Internet

 

 

Chính phủ Ấn Độ vừa triển khai sáng kiến đầy tham vọng mang tên “Digital India” (Ấn Độ số) nhằm số hoá rất nhiều dịch vụ công và thành lập kho tài nguyên kiến thức để mọi người dân được tiếp cận miễn phí.





Với sáng kiến Digital India, mọi người dân Ấn Độ có cơ hội tiếp cận kiến thức trên mạng - Ảnh: Reuters
Với sáng kiến Digital India, mọi người dân Ấn Độ có cơ hội tiếp cận kiến thức trên mạng – Ảnh: Reuters

 

Theo báo The Times of India, ngoài mục đích tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tìm kiếm mọi loại tài liệu cần thiết cho học tập cũng như công việc, Digital India còn là giải pháp nhằm giảm bớt tệ quan liêu – thường đi kèm với tham nhũng, hối lộ – trong các dịch vụ công.

Ý tưởng bao quát là tăng tính trực tiếp và minh bạch trong các hoạt động tương tác giữa chính phủ với người dân.

Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ cho biết đây là chương trình được Thủ tướng Narendra Modi đặc biệt quan tâm. Văn phòng thủ tướng đã trực tiếp theo dõi tiến độ thực hiện từ khâu chuẩn bị tới lúc triển khai các dự án liên quan.

Kho tài nguyên 
trên mạng

Trên thực tế, Digital India là một chương trình kết hợp rất nhiều nội dung khác nhau và các kho tài nguyên hoạt động trên nền tảng web. Điểm nhấn trong đó là cổng thông tin điện tử eBasta của Bộ Công nghệ thông tin Ấn Độ.

Đây là nơi cung cấp toàn bộ và miễn phí phiên bản số các sách giáo khoa của Hội đồng Nghiên cứu và đào tạo giáo dục quốc gia (NCERT) và sách của Bộ Giáo dục Ấn Độ.

Tất cả học sinh đăng ký tham gia các kỳ thi đều có thể truy cập eBasta để tải sách về học. Ứng dụng này giúp người dùng có thể tải sách điện tử, bài giảng và cả video thực hành, file âm thanh, lưu trữ trong các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, máy tính để học khi không có mạng.

Các chuyên gia dự án eBasta khẳng định ý tưởng này sẽ kéo các cơ quan, đơn vị liên quan tới lĩnh vực giáo dục xích lại gần nhau hơn.

Trên nền tảng công nghệ, các trường có thể tạo ra nguồn tài nguyên theo cách thức tổ chức có hệ thống của riêng họ.

Với sinh viên, họ không những giảm bớt được tiền mua sách vở mà còn tiếp cận dễ dàng hơn với hệ thống kiến thức đào tạo của từng trường.

Trước đây, chi phí đắt đỏ của sách giáo khoa và các chương trình ôn thi là rào cản đáng kể với không ít người dân Ấn Độ muốn theo đuổi sự nghiệp học hành, nhất là ở các cấp học cao.

Cùng với kho kiến thức, một ứng dụng khác rất đặc biệt là DigiLocker, nơi giúp người dùng lưu trữ mọi bằng cấp, chứng chỉ và giấy tờ tùy thân trực tuyến. Người dân sẽ không phải lưu trữ các tài liệu này dạng giấy nữa.

DigiLocker cũng giúp ngăn chặn hiệu quả nạn dùng bằng cấp giả. Nhà tuyển dụng chỉ việc sử dụng mã PIN và chữ ký điện tử để xác minh sơ yếu lý lịch của ứng viên trước khi tuyển dụng.

Phổ cập tin học

Nằm trong khuôn khổ sáng kiến Digital India còn có chương trình phổ cập kiến thức tin học tới mọi người dân, nhất là những người ít có điều kiện tiếp cận công nghệ.

Thay cho hình thức thông thường là cấp phát học bổng để sinh viên nghèo có điều kiện học về công nghệ tại đại học hay các chương trình dạy nghề, chính các trường sẽ mang kiến thức phổ cập tin học tới người dân thông qua những container lưu động.

Với sự giúp đỡ của Tập đoàn công nghệ Hewlett-Packard và Quỹ Nascom, những người điều hành chương trình phổ cập kiến thức máy tính đã đóng năm chiếc container thành các lớp học máy tính lưu động.

Chúng được vận chuyển tới các khu vực đông dân cư nhất tại Ấn Độ là Mumbai, Pune, Chennai, Bengaluru và Rajasthan.

Mỗi container dài 12m, có điều hoá nhiệt độ và được trang bị ít nhất 15 máy tính. Theo ước tính, mỗi lớp học di động kiểu này sẽ đào tạo được hơn 1.000 học viên mỗi năm.

Ngoài các kiến thức tin học cơ bản, học viên sẽ được dạy cách truy cập và khai thác lợi ích của kho tài nguyên nằm trong chương trình Digital India.

Hiện tại, nhà tổ chức đang hoàn tất những kế hoạch cuối cùng và quyết định xem nên đặt các lớp học container này tại đâu ở mỗi thành phố.

Mỗi khoá đào tạo của lớp container sẽ kéo dài 20 giờ học và chào đón mọi công dân Ấn Độ có kiến thức văn hoá cơ bản. Khả năng lưu động chính là ưu thế tiết kiệm và hiệu quả cho dạng thức tổ chức lớp học kiểu này.

Sau khi đào tạo xong ở một vùng, các container sẽ di chuyển tới khu vực khác và tiếp tục giảng dạy. Cùng với kiến thức cơ bản về máy tính và công nghệ thông tin, các học viên cũng sẽ học những kỹ năng liên quan tới chuyên môn hoặc kinh doanh.

Cạnh tranh với Trung Quốc

Ấn Độ với 1,25 tỉ dân đang thu hút các tập đoàn công nghệ Internet lớn của Mỹ. Mệt mỏi vì những chính sách kiểm duyệt ngặt nghèo tại Trung Quốc, các ông lớn như Facebook, Google và Twitter cùng nhiều doanh nghiệp Internet mới nổi khác của Mỹ đã hướng tới Ấn Độ như một thị trường hứa hẹn nhiều tiềm năng.

Giới quan sát nhận định rõ ràng thị trường công nghệ đang dịch chuyển dần từ Trung Quốc sang Ấn Độ. Không có gì lạ khi trong chuyến công du mới nhất tới Mỹ, sau trạm dừng chân tại New York, Thủ tướng Narendra Modi đã tới thăm Thung lũng Silicon.

D.KIM THOA