07/01/2025

“Sống vội, ăn tạm, ngủ thiếu” vì học thêm?

Đọc bài “Vì sao con tôi phải học thêm?” và “Con điểm thấp, phụ huynh lãnh đủ!” (trên báo Tuổi Trẻ ngày 1-10), từ thực tế tôi thấy rằng chuyện học thêm đang bị biến tướng ít nhiều.

 

“Sống vội, ăn tạm, ngủ thiếu” vì học thêm?

 

Đọc bài “Vì sao con tôi phải học thêm?” và “Con điểm thấp, phụ huynh lãnh đủ!” (trên báo Tuổi Trẻ ngày 1-10), từ thực tế tôi thấy rằng chuyện học thêm đang bị biến tướng ít nhiều.




“Cho con đi học thêm, học hè không hẳn là muốn tốt cho con mà thực tế là chính trong tư tưởng, các bậc cha mẹ đang phụ thuộc quá nhiều vào thầy cô giống như kiểu nếu không tưới nước cho cây thì cây sẽ héo úa, rồi chết dần chết mòn vậy. Các cháu tôi cũng vậy, tôi thấy các cháu đã và đang phụ thuộc quá nhiều vào thầy cô, vào học thêm theo kiểu nhồi nhét lâu rồi cũng sáng. Chưa khi nào tôi thấy các cháu chủ động tự học, tự tìm hiểu mà lại đang phải đánh vật với chuyện học thêm đến nỗi sống vội, ăn tạm bợ, ngủ thiếu giấc

Nhìn các cháu tôi ngủ gật trên lưng mẹ hay vừa ngồi sau xe mẹ vừa gặm tạm bánh mì, đùm xôi mà tôi xót. Tôi không biết những đứa trẻ khác như thế nào nhưng các cháu nội, ngoại của tôi (đang học cấp I và cấp II) đều sống gấp, ăn vội, ngủ tạm. Có khi bàn ăn chính là sau lưng mẹ, các cháu rất hay thở dài mỗi khi than thở với ông bà về chuyện học.

Tôi nhắc nhở các con hãy cho các cháu được nghỉ ngơi chứ suốt ngày ăn theo kiểu vội vội vàng vàng thế chưa thành tài đã đau dạ dày rồi, nhưng lần nào các con tôi cũng bao biện, viện lý do này lý do nọ để chống chế. Chung quy lại là thời buổi này các cháu không đi học thêm không được. Rồi con dâu tôi còn nói ở lớp cháu tôi đứa nào cũng phải đi học thêm.

Đành rằng học thêm thì các cháu sẽ được bổ túc kiến thức thêm vững chắc, nhưng nếu không hợp lý lại thành ra lợi bất cập hại. Tôi thấy các cháu đi học thêm, học hè phần lớn không phải do nhà trường hay giáo viên o ép. Nhiều người cứ đổ thừa cho thầy cô sẽ “đì” học sinh nếu không đi học thêm.

Nhưng thực tế các con tôi (cả con trai và con gái) đều chủ động đi “tăm” chỗ học cho con chứ chưa đợi để cháu bị thầy cô cho “ra rìa”. Ngay cả ở lớp của các cháu tôi không có dạy thêm thì các con tôi cũng đi tìm chỗ khác cho yên tâm. Tôi phát chán khi nghe đi nghe lại câu cửa miệng của con gái tôi: “Giờ các cháu không đi học thêm không được đâu ạ”.

Có đứa cháu học yếu môn toán, môn tiếng Anh nên đi học thêm ròng rã ngày nọ sang tháng kia. Đứa cháu thuộc diện học xuất sắc trong lớp cũng học thêm. Có đứa chưa vào lớp 1 cũng học cứ như một “ông thợ chăm chỉ” (tôi vẫn hay nói đùa thế). Nhiều lúc tôi tự hỏi rằng đã học giỏi rồi, xuất sắc rồi thì còn gì để học thêm nữa? Chẳng nhẽ các con muốn “nặn” cháu thành thần đồng, thành thiên tài?

Con học yếu môn nào đó thì cha mẹ cho học thêm để củng cố kiến thức, điều đó không sai. Nhưng học theo phong trào, không học sợ con bị hụt hơi, tự nguyện đăng ký cho con học thêm vì sợ con bị bỏ rơi, bị thầy cô giáo ghét thì vô tình chúng ta đang hại con.

Cơi nới thời gian cho con nghỉ ngơi, để con được tự học ở nhà thay vì phải “học thầy” suốt ngày đêm. Nhiều đứa trẻ vẫn có kết quả tốt mặc dù không học thêm đấy thôi.

Trong khi đó nhiều em suốt ngày “điểm danh” ở những trung tâm, ở các lớp này nọ nhưng đứa trẻ ấy đang sống theo kiểu dựa bóng nép hình vào thầy cô thì đúng hơn. Lâu dần chúng sẽ quen ỷ lại vào thầy cô và thụ động. Cha mẹ lúc nào cũng mang nặng suy nghĩ chỉ khi cho con ngồi vào lớp học thêm (có thể là thầy cô trong trường, có thể là trung tâm ngoài) thì mới thở phào.

Có phải phụ huynh không tin vào con hay không cho con cơ hội được tự học? Khi phụ thuộc quá nhiều vào thầy cô thì lâu dần con sẽ không quen được đi trên đôi chân mình.

Học thêm, áp lực từ cha mẹ

Vừa qua, trong cuộc trà dư tửu hậu cùng vài đồng nghiệp, thầy A. nói: “Khổ cho học sinh thật, đi học thêm mà cũng ngủ gục, hỏi vì sao ngủ gục, mệt không ở nhà ngủ hả con, chúng trả lời do cha mẹ bắt đi học thêm để theo kịp chương trình”.

Thầy A. cho biết còn phải kiêm thêm nhiệm vụ sắp xếp lịch cho học trò của mình. Đứa nào cũng học thêm vài ba môn, đứa thì học gần như 5 môn toán, lý, hóa, tiếng Anh, văn…Tuần nào cũng học từ một đến hai buổi mỗi môn.

Thế là mất hết một ngày của học trò. Bởi trường nào cũng học hai buổi, cộng thêm thời gian học thêm thì thời gian đâu chơi và ngủ với số lượng bài tập phải hoàn thành.

Có phải do cha mẹ không tin tưởng thầy cô dạy chưa hết chương trình ở trường hay có ý tốt muốn con mình thật sự “giỏi” để không thua em kém chị, hay các bậc cha mẹ muốn trẻ đến lớp học thêm sẽ giúp cải thiện điểm số trong sự cạnh tranh “tiếng” con mình học giỏi…

Nhưng áp lực từ bậc làm cha làm mẹ hiện nay đè nặng lên con cái rất nhiều. Con cái học một cách đối phó. Không giáo viên nào muốn dạy thêm trong lúc học trò mệt mỏi và thiếu hứng thú. Và không lương tâm nhà giáo nào có thể nhận học phí mặc kệ các em có tiếp thu được hay không.

Nếu hiểu theo từ ngữ của kinh tế học thì đây là quan hệ cung cầu. Có cầu thì có cung. Cầu ở đây là nhu cầu học thêm từ học sinh nên ắt phải có nhân lực đáp ứng nhu cầu đó.

Cung luôn luôn có và dư thừa là khác, nguồn cung này là giáo viên ở các trường, luôn muốn dạy thêm để có thêm thu nhập, và điều này là chính đáng, không cần bàn cãi. Dạy thêm cho học sinh không có tội gì cả, bản chất chỉ là quan hệ kinh tế đơn thuần của xã hội.

Xin các phụ huynh đừng đổ dồn lên đầu giáo viên và nhà trường một cách chủ quan, định kiến phải học thêm, nhà trường và giáo viên ép học thêm sẽ làm phai mờ sứ mệnh của nhà trường, làm thế hệ con cái sau này thiếu niềm tin vào sự thực học.

NGUYỄN MINH THANH

MINH THÁI