07/01/2025

Sợ học chuyên ngành bằng tiếng Anh

Theo lộ trình triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đến năm học 2015 – 2016 có 60% sinh viên các trường ĐH, CĐ được triển khai chương trình đào tạo tăng cường ngoại ngữ, trong đó có dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Tuy nhiên thực tế nhiều sinh viên sợ tham gia lớp học này.

 

Sợ học chuyên ngành bằng tiếng Anh

 

 

 

Theo lộ trình triển khai Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đến năm học 2015 – 2016 có 60% sinh viên các trường ĐH, CĐ được triển khai chương trình đào tạo tăng cường ngoại ngữ, trong đó có dạy các môn chuyên ngành bằng tiếng Anh. Tuy nhiên thực tế nhiều sinh viên sợ tham gia lớp học này.



Lớp học thực hành kỹ thuật gien, được dạy bằng tiếng Anh, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM -             Ảnh: Đ.LLớp học thực hành kỹ thuật gien, được dạy bằng tiếng Anh, tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM – Ảnh: Đ.L
Học thử rồi… rút lui
Sau một năm thí điểm, đến năm 2014 ĐH Quốc gia TP.HCM đã nhân rộng Đề án tiếng Anh tăng cường dành cho sinh viên không chuyên ngữ gồm tiếng Anh tổng quát và giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh. Có 52 môn học trong 23 ngành đã được xây dựng và giảng dạy bằng tiếng Anh (chiếm 28% tổng số ngành của 5 trường thành viên ĐH này).
Tuy nhiên, việc giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh gặp nhiều khó khăn mà trước hết là khó thu hút sinh viên (SV). Phát biểu tại buổi tọa đàm thách thức và giải pháp giảng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh cho SV không chuyên ngữ do Ban chỉ đạo Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức trong tháng 9, tiến sĩ Nguyễn Trí Nhân, quyền Trưởng khoa Sinh học – công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên, cho biết việc thuyết phục SV tham gia lớp học tiếng Anh rất khó. “Giảng viên phải làm nhiều thứ để SV thấy được đây là cơ hội rèn tiếng Anh chuyên ngành không mất phí mà không trung tâm ngoại ngữ nào có thể dạy được”, tiến sĩ Nhân cho biết. Tuy nhiên, ở môn thực tập kỹ thuật gien do tiến sĩ Nhân giảng dạy chỉ có 56 SV đăng ký tự nguyện tham gia lớp tiếng Anh trong khi có đến 151 SV chọn lớp tiếng Việt. Sau thời gian học thử có 5 SV xin rút lui để quay về chương trình tiếng Việt. Kết quả của lớp tiếng Anh có 5,4% SV đạt loại giỏi, trên 44% loại khá, trên 37% trung bình và gần 2% loại kém.
Phải có trợ giảng giải thích bằng tiếng Việt
Còn Trường ĐH Bách khoa TP.HCM phải tổ chức đồng thời cả lớp tiếng Việt và tiếng Anh, SV không hiểu tiếng Anh có thể chuyển qua học lại lớp tiếng Việt. Tuy nhiên đại diện trường cho biết phải làm nhiều cách, thậm chí tặng quà để thu hút SV tham gia lớp học tiếng Anh.
Năm 2012, Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM thử nghiệm dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh nhưng không thành công. Bởi cùng mức độ đề trong bài thi kết thúc môn học, SV học bằng tiếng Việt đạt trên 80% trong khi học bằng tiếng Anh chỉ đạt 50%. Năm 2014 trường này tiếp tục chọn ngẫu nhiên 5 lớp để triển khai và mở rộng ra 10 lớp trong năm 2015. Theo tiến sĩ Vũ Đức Lung, Phó hiệu trưởng nhà trường, do chọn ngẫu nhiên lớp học, trình độ SV khác nhau nên việc dạy học rất khó khăn. Ở các lớp này, giảng viên dạy lý thuyết bằng tiếng Anh nhưng thực hành trợ giảng phải giải thích lại bằng tiếng Việt.
Thầy thiếu, trò yếu
Có nhiều nguyên nhân khiến SV sợ học chuyên ngành bằng tiếng Anh. Theo đại diện các trường, nguyên nhân chủ yếu do khả năng ngoại ngữ còn hạn chế của SV. Tình trạng này phổ biến ở nhiều trường. Theo kết quả khảo sát tiếng Anh đầu vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2014, dù chỉ thi 2 kỹ năng nghe và đọc hiểu trên máy tính nhưng rất ít SV đạt tới trình độ A2 – trình độ tối thiểu đủ để bắt đầu chương trình tiếng Anh tổng quát.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Nhân, việc dạy tiếng Anh tổng quát chưa tốt, chỉ chú trọng ngữ pháp, từ vựng, SV chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng nghe – nói – đọc – viết khiến SV khó theo dõi khi nghe giảng bằng tiếng Anh.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng nguyên nhân một phần còn từ phía giảng viên vì không phải trường nào cũng đủ giảng viên có khả năng dạy chuyên ngành bằng tiếng Anh. Đại diện Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết theo đúng lộ trình của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020, đến lúc này trường phải đưa vào giảng dạy môn học chuyên ngành bằng tiếng Anh. Tuy nhiên đến nay một số khoa mới đang trong quá trình chuẩn bị do năng lực còn hạn chế. Để triển khai phải có chương trình, đội ngũ giảng viên, SV đáp ứng đầu vào ngoại ngữ. Trong đó, giảng viên phải là người dạy chuyên ngành giỏi ngoại ngữ chứ không phải giảng viên ngoại ngữ đơn thuần. Tuy nhiên, hiện chỉ một số khoa có sẵn đội ngũ giảng viên đi học từ nước ngoài về như: công nghệ thông tin, hoá, toán, lý… Cũng theo đại diện này, trường phải có chính sách khuyến khích giảng viên dạy bằng tiếng Anh vì giảng viên phải đầu tư nhiều công sức hơn khi dạy bằng tiếng Việt.
Cũng vấn đề này, tiến sĩ Trương Vũ Khanh, khoa Kỹ thuật hoá học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết tỷ lệ chung SV/giảng viên của khoa này 15/1, trong đó tỷ lệ SV/giảng viên có thể sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy lên tới 130/1. Tương tự, khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM hiện cũng có khoảng 20 trong tổng số 50 giảng viên có khả năng sử dụng tiếng Anh giảng dạy. Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Trí Nhân cho rằng giảng viên cũng cần tự rèn luyện kỹ năng tiếng Anh của mình để phát âm chuẩn, dùng từ chính xác và nói đúng ngữ pháp.
Trước thực tế này, PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng cần triển khai một cách cẩn thận và bắt đầu từ bước nhỏ, thậm chí có thể dạy song ngữ cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh trước khi tiến tới dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Hà Ánh