28/11/2024

Đường đến trường dài quá…

Đó là câu chuyện của Nguyễn Thị Lài, học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp Hòa Vang (TP Đà Nẵng), vừa trở thành tân sinh viên ngành địa lý học ĐH Sư phạm Đà Nẵng với số điểm 21.

 TIẾP SỨC ĐẾN TRƯỜNG 2015

Đường đến trường dài quá…

 

Đó là câu chuyện của Nguyễn Thị Lài, học viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp Hòa Vang (TP Đà Nẵng), vừa trở thành tân sinh viên ngành địa lý học ĐH Sư phạm Đà Nẵng với số điểm 21.



 

Tân sinh viên Nguyễn Thị Lài phụ mẹ phân loại ve chai để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống - Ảnh: Phan Thành
Tân sinh viên Nguyễn Thị Lài phụ mẹ phân loại ve chai để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống – Ảnh: Phan Thành

Học hết cấp II Lài phải bỏ học đi chăn bò thuê kiếm tiền lo cho em gái tiếp tục đến trường, nhưng ước ao một ngày nào đó được đặt chân vào giảng đường ĐH luôn ám ảnh trong đầu.

Và rồi giấc mơ đó cũng thành sự thật ở tuổi 24.

Nghỉ học 6 năm để làm thuê nuôi em

Cha bỏ đi lúc Lài mới học xong tiểu học. Hai chị em Lài được mẹ dẫn về nhà ngoại tá túc. Học hết lớp 9, Lài đành phải bỏ học nhường suất đến trường cho em gái vì nhà không đủ tiền mua sách, mua áo dài.

“Tôi khóc rất nhiều khi thấy bạn bè được tung tăng đến lớp. Nhưng nghĩ nếu mình được đến trường mà em gái phải bỏ học thì cũng không đành nên tôi làm lụng đủ nghề phụ mẹ nuôi em và tích cóp để sau này xin trở lại trường”, Lài nói.

Thế rồi ba mẹ con ra xã Hoà Phong thuê nhà ở để tiện kiếm việc làm và gần trường cho em gái đi học. Trong thời gian sáu năm đằng đẵng bỏ học, Lài đã làm đủ việc từ chăn bò thuê, rửa chén bát thuê, may vá, làm công nhân…

“Những ngày đầu do chưa đủ tuổi xin vào khu công nghiệp nên Lài phải đi chăn bò, cắt cỏ thuê cho hàng xóm. Làm hoài cũng vậy, cái nghèo vẫn giậm chân tại chỗ đã khiến Lài nghĩ suy.

“Mình còn trẻ, chẳng lẽ làm công nhân cả đời trong nghèo khó? Bằng mọi giá mình phải học chữ để thay đổi chính bản thân!”, Lài tự đặt câu hỏi và trả lời.

Cho đến một đêm mưa giữa năm 2012, khi thấy em gái mình soạn bài Lài đã cầm lòng không được và quyết tâm phải đến trường.

“Ngày đó chị Lài xin đi học lại mẹ khóc rất nhiều. Khóc vì thương chị ham học nhưng bất lực vì không có tiền. Ngay lúc đó, chị nói sẽ học một buổi, làm thêm một buổi để tự lo cho mẹ yên tâm”, cô em gái Nguyễn Thị Diệu (đang là sinh viên năm 2 ĐH Sư phạm Đà Nẵng) kể lại.

Ở thôn Cẩm Toại Trung (xã Hoà Phong, huyện Hòa Vang) ai cũng biết bà Nguyễn Thị Liên buôn ve chai.

Trong căn nhà vách tàn tạ với vô vàn vết nứt, ngoài hiên ngổn ngang vỏ chai nhựa sau một ngày thu mua. Bà kể rằng chồng bỏ đi, bên nội, bên ngoại ai cũng nghèo nên ba mẹ con phải tự bám víu vào nhau.

Do sống nhà thuê, không có hộ khẩu nên không có chế độ xã hội nào, kéo theo đó tiền học các con cũng không được miễn giảm.

Trong khi đó, thu nhập từ nghề mua ve chai của bà khoảng 30.000 đồng/ngày. Thương cảnh ba mẹ con, bà con hàng xóm người cho cái chăn, mền, người bao lúa, vài bộ áo quần hay đôi giày, dép… Những đêm mưa bão, mấy mẹ con bà Liên cũng được thôn xóm đưa đến nhà kiên cố trú ẩn.

Đối mặt gian nan

Không xin học được vào trường THPT vì quá tuổi, Lài đăng ký học tiếp lớp 10 ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp Hòa Vang. Chuyện Lài đi học lại ai cũng bất ngờ nhưng đều ủng hộ. Ngoài sách vở do cô em gái để lại, láng giềng mỗi người góp một ít từ tiền mặt, áo dài, hộp bút…

“Đúng là nghị lực, nhà quá nghèo, không được học trường chính quy mà vẫn học giỏi, đoạt nhiều giải thưởng cấp thành phố, đáng khâm phục. Bà con ở đây ai cũng lấy tấm gương của Lài để dạy con cái mình” – ông Nguyễn Sơn, hàng xóm cạnh nhà, nói.

Suốt ba năm học cấp III, Lài liên tục đạt những danh hiệu mà hiếm có học viên nào học ở một trung tâm giáo dục thường xuyên đạt được như: giải nhất môn lịch sử kỳ thi học viên giỏi lớp 12 TP Đà Nẵng, giải khuyến khích giải toán trên máy tính lớp 12 TP Đà Nẵng, giải khuyến khích môn hóa học lớp 12 TP Đà Nẵng…

Cô Dương Thị Thuận, giáo viên chủ nhiệm của Lài, cho hay cô bất ngờ về cách học, sự cần mẫn của một học viên lớn tuổi với sự học đứt đoạn như vậy.

“Mặc cho nghèo khó Lài vẫn học miệt mài, chăm chỉ. Ngoài sự cần cù, Lài còn rất thông minh, có lẽ vậy mà em là một trong những học sinh vượt bậc nhất từ trước đến nay của trung tâm”, cô Thuận nhận xét.

Mới đây khi hay tin Lài đỗ ĐH, trung tâm đã mở một buổi tiệc nhỏ để “chiêu đãi” cô học viên cưng này. Ngày làm thủ tục nhập học Lài đã khóc rất nhiều bởi trong tay chỉ có đúng 700.000 đồng trong khi số tiền phải đóng hơn 4,3 triệu.

Vừa lúc đó, mẹ Lài kịp chạy vạy vay mượn rồi đạp xe về trường nộp học cho con. Nộp xong tiền, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau khóc nức nở.

Chị Nguyễn Thị Thiên Hương, chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Cẩm Toại Trung, kể rằng hai chị em Lài chưa hề biết một bộ áo quần mới là gì. Tất cả áo quần đang mặc đều do mấy đứa cùng lứa trong xóm cho.

“Hai đứa con chị Liên tuy nghèo mà học giỏi, đàng hoàng nên bà con ở đây ai cũng thương nhưng chỉ giúp được vài ba cái lặt vặt thôi. Gia đình ở nhà thuê, không thể nhập khẩu nên không thể đưa vào diện chính sách được”, chị Hương nói.

Nỗi lo lớn nhất bây giờ của Lài và cô em gái là khi hay tin người quen sắp bán nhà đang ở trọ. Lài nói mấy hôm nay đang tìm phòng trọ giá 400.000 đồng cho hai chị em cùng ở nhưng tìm hoài không thấy bởi giá đó là rất khó.

“Nếu bí lắm hai chị em sẽ xin trú ngụ ở nhà chùa để vừa đi học, vừa đi làm thêm rồi tính sau. Nhưng bằng mọi giá, tôi và em cũng không bỏ học”, Lài quyết tâm.

 

PHAN THÀNH ([email protected])