01/11/2024

Chàng trai mồ côi và ước mơ bác sĩ

Những ngày này, cậu học trò có cái tên khiến nhiều người thấy “ngồ ngộ” – Xi Na đang trở thành “tâm điểm” của ngôi trường chuyên Lê Thánh Tông ở phố cổ Hội An.

 

Chàng trai mồ côi và ước mơ bác sĩ

 

Những ngày này, cậu học trò có cái tên khiến nhiều người thấy “ngồ ngộ” – Xi Na đang trở thành “tâm điểm” của ngôi trường chuyên Lê Thánh Tông ở phố cổ Hội An. 




Thời gian rảnh, Na thay mẹ chăm con bò là tài sản lớn nhất của gia đình - Ảnh: T.Ba
Thời gian rảnh, Na thay mẹ chăm con bò là tài sản lớn nhất của gia đình – Ảnh: T.Ba

 Vượt qua vô vàn khó khăn, thiếu thốn về vật chất và mất mát chỗ dựa tinh thần khi mồ côi cha, Phạm Ngọc Xi Na (lớp 12/3 Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, TP Hội An, Quảng Nam) đã xuất sắc đoạt “vé” vào Trường ĐH Y dược Huế để thực hiện ước mơ làm bác sĩ.

Ngày trở về mái trường ba năm học phổ thông, Na nhận được những lời chúc mừng điểm thi THPT quốc gia đạt 28 điểm khối B (trong đó toán 9, hoá và sinh đều đạt 9,5 điểm). Cậu học trò mồ côi cha từ năm lớp 6 có “bộ sưu tập” giải thưởng từ cấp huyện đến cấp quốc gia suốt 12 năm đèn sách.

Tôi nghĩ với số tiền bán con bê sẽ đủ trang trải cho Na nộp học phí năm đầu. Ở quê, tôi sẽ ráng sức làm thuê cho người ta khi lúa vào vụ thu hoạch và tằn tiện gửi lên thành phố cho cháu ăn học. Tôi răn dạy con dù nghèo đến mấy cũng không được đứt gánh học hành giữa đường

Bà LÊ THỊ LƯỠNG (mẹ Na)

Cậu học trò 
của những giải thưởng

Trong cuốn sổ nhỏ chừng bằng bàn tay, Na cẩn thận ghi chép chi tiết từng giải thưởng mà cậu xem đó là nguồn động lực giúp mình phấn đấu không ngừng nghỉ và điều đặc biệt là tất cả đều được ghi dấu ấn bởi môn hóa mà Na đam mê.

Năm lớp 8, Na xuất sắc đoạt giải nhất cấp huyện, một năm sau cậu đoạt giải nhì cấp huyện và giải ba cấp tỉnh. Đến năm 11, Na lập “cú đúp” với giải nhì cấp tỉnh và huy chương bạc Olympic khu vực phía Nam. Và năm cuối cấp III, Na khép lại bộ giải thưởng của mình với việc giành giải nhất môn hóa cấp tỉnh.

Nói về cậu học trò ngoan hiền nhất lớp, cô Phan Thị Quỳnh Lan (giáo viên chủ nhiệm năm lớp 12 của Na) vui mừng khoe: “Thầy cô trong trường luôn lấy làm tự hào về Na với những gì em đã đạt được, kể cả số điểm xét tuyển đại học cao chót vót. Mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng 12 năm học Na đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, riêng ba năm phổ thông ở trường, điểm trung bình môn của em luôn đạt trên 8,5”. Khi mọi người hỏi về bí quyết học tập và thi đạt kết quả cao, Na khiêm tốn: “Nhà nghèo nên em ít có điều kiện học thêm. Em chủ yếu học theo sự chỉ dẫn của thầy cô ở trường và nắm chắc bài ngay tại lớp. Thời gian rảnh em lân la truy cập vào các diễn đàn chia sẻ bài tập nâng cao và cố gắng giải càng nhiều dạng đề càng tốt. Còn bí quyết làm bài tốt có lẽ là sự bình tĩnh, tự tin trong bất kỳ tình huống nào mà em rèn luyện bao năm qua”.

Ba năm trọ học xa nhà, Na đã quen với cuộc sống tự lập - Ảnh: Thanh Ba
Ba năm trọ học xa nhà, Na đã quen với cuộc sống tự lập – Ảnh: Thanh Ba

Dù hoàn cảnh có nghiệt ngã đến đâu thì em nhất quyết không đầu hàng số phận bởi ước mơ theo đuổi nghề bác sĩ là khát khao từ nhỏ của em. Sáu năm đại học, em tính kiếm suất dạy kèm và tự trang trải việc học. Bao năm trời mẹ đã khổ vì mấy chị em lắm rồi, nhất định em sẽ không làm mẹ thất vọng

PHẠM NGỌC XI NA

Bán bê cho Na nhập học

Rời mảnh đất Hội An suốt ba năm trời Na trọ học xa nhà, chúng tôi theo chân cậu học trò mồ côi vượt quãng đường gần 50 cây số để tìm về ngôi làng Mỹ Phiếm (xã Đại Cường, huyện Đại Lộc). Căn nhà cấp 4 bong tróc lớp vôi, trơ trọi một màu gạch đỏ rêu mốc ở xóm Mới đầu làng là nơi trú ngụ của bốn mẹ con Na suốt mấy chục năm qua.

Chiều tà, bà con chòm xóm kéo đến chật cả gian nhà nhỏ để chia sẻ niềm vui với gia đình học giỏi có tiếng và nghèo “đội sổ” ở vùng quê này. Người dân nói đã lâu lắm rồi ngôi làng nằm vắt mình bên dòng sông Vu Gia bên lở bên bồi mới có một học trò xuất sắc đậu vào trường y.

Gương mặt bà Lê Thị Lưỡng (mẹ Na) rạng lên niềm hạnh phúc vô bờ bến, nhưng hằn sâu trong đôi mắt thâm quầng vì bao năm thân cò vất vả nuôi ba con ăn học lại nặng trĩu gánh lo toan.

“Ba sắp nhỏ mất sớm nên một mình tôi phải bươn chải lo bốn miệng ăn và nuôi cả cái chữ cho con. Khó khăn quá nên chị lớn của Na phải bỏ học khăn gói vào miền Nam kiếm kế sinh nhai, còn chị giữa mới tốt nghiệp đại học đang chờ việc. Nợ ngân hàng 40 triệu đồng chưa trả thì nay Na sắp sửa bước chân vào đại học, tôi vừa mừng vừa lo nhưng bằng mọi giá tôi cũng chạy vạy cho con ăn học tới nơi tới chốn” – bà Lưỡng giãi bày.

Dứt câu, bà Lưỡng đưa mắt trông xa xăm về chuồng bò rồi nghẹn ngào chia sẻ dự tính rằng bà sẽ bán con bê để lo thủ tục nhập học cho Na.

THANH BA