07/01/2025

Doanh nghiệp ngoại ‘đòi’ làm doanh nghiệp nội: Ưu đãi nhiều, nội địa hoá ít

Thống kê cho thấy sau 25 năm mở cửa đón đầu tư nước ngoài, đến nay, chính sách nội địa hoá ở khu vực DN FDI gần như bị phá sản.

 

Doanh nghiệp ngoại ‘đòi’ làm doanh nghiệp nội: Ưu đãi nhiều, nội địa hoá ít

 

 

 

Thống kê cho thấy sau 25 năm mở cửa đón đầu tư nước ngoài, đến nay, chính sách nội địa hoá ở khu vực DN FDI gần như bị phá sản.

 

 

 

Không thể đánh đồng DN FDI với DN Việt - Ảnh: D.Đ.MKhông thể đánh đồng DN FDI với DN Việt – Ảnh: D.Đ.M
Để thu hút đầu tư, VN đã dành cho các nhà đầu tư ngoại rất nhiều ưu đãi để đổi lại cam kết lộ trình nội địa hoá, nhưng nội địa hoá thì ít trong khi ở nhiều lĩnh vực, các ưu đãi lại được sử dụng làm lợi thế để chèn ép doanh nghiệp nội địa.
Ông Nguyễn Đức Hồng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên cao su Thống Nhất, cho biết thông qua nhà cung ứng nước ngoài, doanh nghiệp (DN) nội có cơ hội tham gia vào công đoạn “nội địa hoá” linh kiện cho các DN nước ngoài ở VN.
Bất cập khó hiểu
 
 
DN nội mới gắn bó lâu dài
Các DN FDI mạnh về tài chính, giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp trong thôn tính. Còn DN VN đa phần vốn vừa và nhỏ, non về thị trường nên dễ dàng bị đánh bật ra khỏi thị trường sân nhà. Vì thế, thay vì ưu đãi thuế, đất cho DN FDI, VN nên tập trung cải thiện môi trường đầu tư, để dành ưu đãi cho DN trong nước. Bởi chính lực lượng này mới là những nhà đầu tư gắn bó với VN hơn bất cứ ai
TS Bùi Trinh
 

Hiện tại, Thống Nhất cung cấp linh kiện cao su cao cấp cho hai nhà cung cấp linh kiện số 1 thế giới là Skellerup, Molten – những nhà chuyên cung cấp linh kiện, phụ tùng ô tô cho các hãng Honda, Mazda, Toyota, Nissan, BMW, Ford… Thế nhưng, ngay chính tại VN, Thống Nhất phải đứng ngoài rìa. “Việc một DN Việt trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho các tập đoàn nước ngoài tại VN là điều vô cùng khó khăn”, ông lắc đầu.

Theo ông Nguyễn Quốc Anh – Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP.HCM, nhiều DN nội trong thời gian nỗ lực chỉ đi lòng vòng men men trong chuỗi cung ứng đó. Nếu có thể trở thành nhà cung ứng thì cũng chỉ làm những chi tiết phụ của phần phụ sản phẩm, nghĩa là những thiết bị ngoại vi, không phải thiết bị gần lõi hay thiết bị lõi. Có thể thấy, các DN nội cực kỳ khó khăn để chen chân vào chuỗi giá trị trong quy trình sản xuất của các DN FDI, dù nội địa hóa là một trong những cam kết để các DN này được hưởng được các ưu đãi về thuế, đất đai…
Thống kê cho thấy sau 25 năm mở cửa đón đầu tư nước ngoài, đến nay, chính sách nội địa hóa ở khu vực DN FDI gần như bị phá sản. TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, cho rằng VN tham gia vào sản phẩm của các tập đoàn này vô cùng thấp. Nếu chỉ là đóng góp công để lắp ráp từ các linh kiện, nguyên vật liệu được nhập từ nước ngoài hoặc mua trong khối DN FDI trong nước, không thể coi là hàng VN. Đóng góp về chất của VN trong đó rất thấp, nên khi tỷ lệ nội địa hoá từ các DN FDI còn thấp, không thể coi đó là sản phẩm của VN được.
Bài học cay đắng
Với nhiều DN Việt, việc coi hàng hoá của DN FDI là hàng Việt gợi lại cho họ không ít cay đắng khi thương hiệu thuần Việt họ gây dựng đã bị cơn lốc hàng ngoại đánh bật ra khỏi sân nhà và “chết” không thương tiếc. Câu chuyện về kem đánh răng Dạ Lan của ông Trịnh Thành Nhơn là một ví dụ điển hình. Vào năm 1990, thương hiệu kem đánh răng Dạ Lan của VN đang ở đỉnh điểm của thời hoàng kim, chiếm 70 – 80% thị phần, đánh bật cả kem đánh răng của Trung Quốc đang làm mưa làm gió tại thị trường phía bắc và trở thành lựa chọn số 1 của người tiêu dùng Việt. Tuy nhiên, chỉ sau cái bắt tay với nhà đầu tư ngoại vào năm 1994, nhãn hàng kem đánh răng khác là Colgate vào thay thế toàn bộ sản phẩm Dạ Lan. Tên Dạ Lan bị khai tử từ đó.
Trường hợp khác là nước rửa chén Mỹ Hảo, cũng từng làm mưa gió trên thị trường nội địa. Thế nhưng, trước cơn lốc quảng cáo như vũ bão của hàng loạt nước rửa chén ngoại như Sunlight, thì Mỹ Hảo dần mất thị trường thành thị để dạt về nông thôn. Ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty Mỹ Hảo, chua chát thừa nhận: “Khó bám trụ trước đối thủ quá lớn, tài chính mạnh, kinh nghiệm làm thị trường chuyên nghiệp, tầm phủ sóng quảng bá quá lớn”. “Mạnh thắng, yếu thua là lẽ thường tình của cạnh tranh nhưng nếu giờ coi hàng hoá của DN FDI là hàng Việt thì những cái chết của thương hiệu Việt bởi chính các đối thủ này cay đắng quá”, đại diện một DN nói.
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, DN FDI thực tế đã được nhận nhiều ưu đãi. Với các DN lớn, ngay cả việc họ nhập máy móc về, họ bảo là hàng xịn, cao cấp, chúng ta bấm nút cho qua và công nhận là hàng công nghệ cao. Trong khi không ít DN trong nước, nhập máy móc về phải trải qua muôn vàn khó khăn để được công nhận. “Tôi nhớ đã có lúc Tập đoàn Viettel than trời “xin” được hưởng cơ chế, chính sách ưu đãi như Samsung nhưng đâu có được. Nghịch lý chính sách của chúng ta là ở đây. Nên tôi rất ủng hộ hoan nghênh chính sách vực dậy nền sản xuất trong nước bằng các hành động cụ thể, rõ ràng và công bằng”, ông Thành phát biểu.
Tập trung ưu đãi khối nội
TS Bùi Trinh, chuyên gia kinh tế, cho rằng chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài cần được thắt chặt lại, theo tiến trình giảm dần, vì bối cảnh kinh tế VN không còn phù hợp nữa với ưu đãi hiện thời. Hậu quả của ưu đãi tràn lan cho DN FDI trong 25 năm qua là tạo ra sự bất bình đẳng khi DN trong nước bị o ép.
TS Phong cũng cho rằng: “Tập trung nội lực để hỗ trợ khối DN trong nước trên con đường trở thành nhà cung ứng, tham gia vào chuỗi giá trị của hàng xuất khẩu là điều cần thiết và cấp bách. Hội nhập sâu và có nhiều thách thức lớn đang chờ DN Việt phía trước. Nếu không tự làm lớn mình, họ sớm bị đào thải, rời khỏi sân chơi lớn. Chính sách của chúng ta là nên tập trung lực để hỗ trợ lực lượng này, cũng là cách hỗ trợ nền sản xuất trong nước có nền tảng vững chắc hơn. Còn câu chuyện DN FDI muốn trở thành DN nội địa thì hãy xem xét tỷ lệ đóng góp của họ với nền kinh tế VN…”.

Nguyên Nga – Trần Tâm

 

Nguồn: TNO