05/01/2025

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Những toan tính đơn phương đe doạ hoà bình

Tại Đối thoại chính sách quan hệ Việt – Mỹ ở New York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảnh báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Những toan tính đơn phương đe doạ hoà bình

 

 

Tại Đối thoại chính sách quan hệ Việt – Mỹ ở New York, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảnh báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với nhiều thách thức và nguy cơ, đặc biệt là vấn đề tranh chấp chủ quyền.




Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại cuộc Đối thoại chính sách quan hệ Việt - Mỹ - Ảnh: V.V.T.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại cuộc Đối thoại chính sách quan hệ Việt – Mỹ – Ảnh: V.V.T.

Hôm qua, bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (LHQ), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự Đối thoại chính sách quan hệ Việt – Mỹ do Hội Châu Á phối hợp với phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ tổ chức.

Tại đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảnh báo khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với hàng loạt thách thức và nguy cơ nghiêm trọng đối với hoà bình, ổn định và phát triển bền vững…

“Điều khiến chúng ta hết sức quan ngại là vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, những toan tính nhằm đơn phương thay đổi luật lệ, thay đổi nguyên trạng ở các vùng biển có tranh chấp nhằm xác lập sự kiểm soát các vùng biển này và các tuyến đường biển quốc tế huyết mạch đi qua, bất chấp luật pháp quốc tế, trở thành những nguy cơ hiện hữu đối với hoà bình, an ninh, ổn định ở khu vực” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Xây dựng lòng tin

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, tình hình đó đòi hỏi sự quan tâm, trách nhiệm chung và sự hợp tác của tất cả các nước, trong đó có Việt Nam và Mỹ, nhằm mục tiêu chung là duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Về quan hệ Việt – Mỹ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói:

“Điều mà tôi rất tâm đắc là nguyên nhân và động lực giúp chúng ta vượt qua được quá khứ chiến tranh và những khác biệt để trở thành đối tác toàn diện của nhau như hôm nay. Đó chính là những lợi ích căn bản mà hai nước chia sẻ”.

Chủ tịch nước cho rằng sự chia sẻ lợi ích giữa Việt Nam và Mỹ trong việc giữ vững hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực bao gồm cả việc bảo đảm an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ môi trường biển… Những gì mà Việt Nam và Mỹ chia sẻ cũng là nguyện vọng chung của đông đảo các dân tộc chung sống ở khu vực này.

“Sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trở thành một thành tố không thể thiếu trong những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực” – Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước đánh giá việc Mỹ cam kết mạnh mẽ hơn với an ninh và thịnh vượng ở khu vực, tăng cường sự hiện diện, quan hệ và hợp tác của Mỹ với khu vực dựa trên các nguyên tắc, chuẩn mực của luật pháp quốc tế sẽ được nhiều nước hoan nghênh và hưởng ứng.

Chủ tịch nước đề nghị hai nước tăng cường xây dựng được lòng tin, nhất là lòng tin chính trị.

“Đây là bài học chúng ta rút ra từ quá khứ và từ sự khác biệt về hệ tư tưởng, hệ thống chính trị, văn hoá, tập quán giữa hai dân tộc. Việt Nam sẽ có và chỉ có được lòng tin như vậy vào Mỹ khi Mỹ thực hiện đúng cam kết tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của Việt Nam và có những hành động cụ thể để hiện thực hóa tuyên bố là Mỹ muốn Việt Nam thịnh vượng, vững mạnh, độc lập” – Chủ tịch nước nói.

Sẵn sàng đón Tổng thống Obama

Tại cuộc đối thoại, Phó chủ tịch Hội Châu Á Tom Nagorski đặt câu hỏi bao giờ cảng Cam Ranh của Việt Nam được mở cửa để nước ngoài đặt căn cứ quân sự? Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định Việt Nam không chủ trương cho mở căn cứ quân sự nước ngoài tại cảng Cam Ranh.

“Tôi nói như vậy không có nghĩa là Việt Nam đóng kín cảng Cam Ranh mà vẫn mở cho tàu bè quốc tế qua lại bình thường, trong đó có tàu quân sự của Hoa Kỳ” – Chủ tịch nước giải thích.

Chủ tịch nước cho biết Việt Nam sẽ thành lập một trung tâm dịch vụ quốc tế tại Cam Ranh, sẵn sàng tiếp nhận các tàu thương mại và tàu hải quân của tất cả các nước trên thế giới. “Họ có thể đi đến Việt Nam để sửa chữa, bảo trì và một số dịch vụ liên quan trên cơ sở thương mại” – Chủ tịch nước nói.

Về câu hỏi liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam nhân Hội nghị APEC tháng 11, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết Tổng thống Obama đã nhận lời thăm Việt Nam, thời gian cụ thể do Mỹ quyết định.

“Việt Nam hết sức mong muốn chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam để thúc đẩy triển khai hiệu quả hơn nữa Tuyên bố về tầm nhìn chung Việt – Mỹ và Tuyên bố chung về đối tác toàn diện. Chúng tôi sẵn sàng đón tiếp Tổng thống Obama” – Chủ tịch nước khẳng định.

Tăng cường quan hệ Việt Nam – Pháp

Trong khuôn khổ cuộc họp Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh về hoạt động gìn giữ hoà bình. Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước nhấn mạnh Việt Nam đã đóng góp lực lượng cho hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ từ năm 2014.

Chủ tịch nước thông báo Việt Nam sẽ sớm cử bệnh viện dã chiến cấp 2, đơn vị công binh và các sĩ quan liên lạc, sĩ quan tham mưu tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của LHQ.

Hội kiến Tổng thống Pháp François Hollande, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cam kết đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột chính của quan hệ Việt Nam – Pháp. Chủ tịch nước đề nghị Pháp ủng hộ việc phát triển quan hệ Việt Nam – EU.

Về Biển Đông, Chủ tịch nước hoan nghênh Pháp ủng hộ quan điểm của Việt Nam và ASEAN. Chủ tịch nước đề nghị Pháp tiếp tục phát huy vai trò, tiếng nói quan trọng của mình để đóng góp cho việc gìn giữ hoà bình, ổn định, đảm bảo tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.

V.V.THÀNH (Từ New York)