09/01/2025

Sự bất nhất của Trung Quốc ở Biển Đông

Giới quan sát tỏ ra không mấy tin tưởng trước cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc “không quân sự hoá” ở Trường Sa.

 

Sự bất nhất của Trung Quốc ở Biển Đông

 

 

Giới quan sát tỏ ra không mấy tin tưởng trước cam kết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về việc “không quân sự hoá” ở Trường Sa.


 


Hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hiện trạng của đường băng phi pháp trên Đá Chữ Thập - Ảnh: ReutersHình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hiện trạng của đường băng phi pháp trên Đá Chữ Thập – Ảnh: Reuters
Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng rạng sáng 26.9 (giờ Việt Nam), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố: “Những hoạt động xây dựng liên quan mà Trung Quốc đang tiến hành tại Nam Sa (tên Trung Quốc gọi quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam – NV), không nhằm vào hay gây tác động tới bất kỳ quốc gia nào và Trung Quốc không có ý định đeo đuổi quân sự hóa”.
Cam kết mập mờ
Đây là lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai cam kết “không quân sự hóa” ở Trường Sa, nhưng lại không cung cấp chi tiết, cho nên không rõ cam kết này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới những hoạt động của Trung Quốc, theo The Wall Street Journal. Chuyên gia về quân sự Trung Quốc Bonnie Glaser tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) nhận định cam kết của ông Tập là không rõ ràng. “Đó là ngôn từ mới, nhưng không rõ ông ấy muốn nói gì về quân sự hoá. Hy vọng có thêm vài chi tiết. Không có chiến đấu cơ sử dụng các đường băng (Trung Quốc xây phi pháp ở trên các đảo nhân tạo – NV)? Không triển khai tên lửa?”. Còn chuyên gia Taylor Fravel tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) bình luận với The Wall Street Journal: “Ý của ông Tập là gì phụ thuộc vào việc ông ấy hoặc Trung Quốc định nghĩa thuật ngữ “quân sự hoá” như thế nào”.
Thực tế, theo chuyên gia Fravel, nhiều thực thể ở Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng đã bị quân sự hoá qua việc cho binh sĩ đồn trú và triển khai một số vũ khí phòng vệ. Ngoài ra, Reuters dẫn lời một số nhà phân tích và giới chức Mỹ cho rằng Trung Quốc đã bắt đầu quân sự hoá các đảo nhân tạo và câu hỏi duy nhất là Trung Quốc sẽ triển khai bao nhiêu khí tà̀i quân sự tới đó.
Lâu nay, Trung Quốc nguỵ biện rằng những cơ sở mới trên các đảo nhân tạo được xây dựng nhằm cải thiện điều kiện sinh sống, an toàn biển và theo dõi thời tiết nhưng cũng ngang nhiên thừa nhận chúng sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự. Cách đây khoảng 2 tuần, Phó chủ tịch CSIS Michael Green, từng làm Giám đốc phụ trách vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống George W.Bush, cho biết một số quan chức Trung Quốc đã tiết lộ với ông rằng Bắc Kinh dự định quân sự hoá những bãi đá bằng cách triển khai máy bay quân sự, vũ khí phòng không và tàu chiến. Giới chức Mỹ cho rằng những cơ sở đó có thể được Trung Quốc sử dụng để củng cố chủ quyền phi lý của họ trong khu vực và lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Nói không đi đôi với làm
Các chuyên gia cũng không mấy tin tưởng cam kết “không quân sự hoá” nói trên bởi lâu nay Trung Quốc luôn có những tuyên bố và hành động trái ngược về Biển Đông. Bằng chứng mới nhất là vào đầu tháng 8, Trung Quốc tuyên bố đã ngưng hoạt động bồi đắp phi pháp ở Trường Sa, nhưng giới chuyên gia Mỹ khẳng định những hình ảnh chụp từ vệ tinh hồi đầu tháng này cho thấy Trung Quốc vẫn tiếp tục nạo vét xung quanh các bãi đá.
Mới đây nhất, chuyên san IHS Jane’s Defense Weekly đưa tin những hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 20.9 cho thấy Bắc Kinh vẫn tiếp tục nạo vét ở đá Xu Bi và đá Vành Khăn thuộc Trường Sa. Những hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 20.9 còn cho thấy Trung Quốc đã hoàn tất và sắp sửa đưa vào sử dụng đường băng dài 3.125 m trên đá Chữ Thập, đồng thời lắp đặt thiết bị quân sự, liên lạc trên một số bãi đá khác. Một số hình ảnh chụp từ vệ tinh trước đó cho thấy Trung Quốc có thể đang xây 2 đường băng tương tự ở đá Xu Bi và đá Vành Khăn. Theo tờ South China Morning Post (SCMP), tất cả các loại máy bay dân sự và quân sự đều có thể cất/hạ cánh trên đường băng có chiều dài trên 3.000 m như đường băng ở đá Chữ Thập.
Sau khi xây xong đường băng ở đá Chữ Thập, Trung Quốc có thể sẽ tăng tốc xây dựng các cơ sở ở khu vực và sẽ sớm bắt đầu tuần tra phi pháp ở Biển Đông, theo IHS Jane’s Defense Weekly. Giới phân tích quân sự còn cảnh báo từ đây đến năm 2017, Trung Quốc sẽ xây dựng cảng biển, doanh trại cũng như triển khai pháo binh và hệ thống ra đa tầm xa trên các đảo nhân tạo. Những cơ sở này sẽ giúp Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự lẫn bán quân sự trên khắp Biển Đông, uy hiếp những tuyến đường biển quan trọng ở khu vực, theo tờ Sydney Moring Herald.
Trung Quốc đưa thuỷ phi cơ tuần tra Biển Đông
Tân Hoa xã hôm 26.9 đưa tin Cục Hải sự Hải Nam ngày 25.9 đã tiến hành cuộc tuần tra ở Biển Đông, đồng thời khoe khoang rằng đây là cuộc tuần tra đầu tiên có sự phối hợp giữa thuỷ phi cơ và tàu hải tuần. Cuộc tuần tra tập trung vào các tuyến đường biển ở vùng biển phía tây nam đảo Hải Nam, với sự góp mặt của 2 tàu hải tuần 1103 và hải tuần 1401, nhằm kiểm tra tình trạng các giàn khoan của Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực.

VN kiên quyết phản đối hoạt động xây dựng của nước ngoài ở Trường Sa
Ngày 26.9.2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Namđối với phát biểu trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ gần đây của lãnh đạo Trung Quốc liên quan đến quần đảo Trường Sa, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Một lần nữa chúng tôi tuyên bố, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động xây dựng, mở rộng của nước ngoài trên các đảo đá, bãi ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không được phép của Chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị. Việt Nam kiên quyết phản đối các hành động nói trên và đề nghị các bên liên quan nghiêm túc thực hiện DOC, đóng góp thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông”.
Theo TTXVN

 

Văn Khoa