10/01/2025

Sửa luật thuế để phòng vệ thương mại

Từ năm 2018 trở đi thuế suất thuế nhập khẩu về cơ bản sẽ được xoá bỏ, do đó VN cần một đạo luật về thuế để phòng vệ thương mại.

 

Sửa luật thuế để phòng vệ thương mại

 

Từ năm 2018 trở đi thuế suất thuế nhập khẩu về cơ bản sẽ được xoá bỏ, do đó VN cần một đạo luật về thuế để phòng vệ thương mại.



Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai băn khoăn sức khỏe ngành nông nghiệp VN trước hàng nhập khẩu như thịt gà Mỹ, thịt bò Úc - Ảnh: Việt Dũng
Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai băn khoăn sức khoẻ ngành nông nghiệp VN trước hàng nhập khẩu như thịt gà Mỹ, thịt bò Úc – Ảnh: Việt Dũng

Với hàng loạt hiệp định tự do thương mại đã ký kết, chưa kể Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định VN – EU đang được đàm phán, từ năm 2018 trở đi thuế suất thuế nhập khẩu về cơ bản sẽ được xoá bỏ, do đó VN cần một đạo luật về thuế để phòng vệ thương mại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết như vậy khi trình bày dự án Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi) tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ngày 21-9.

Lo lắng “sức bên trong” không khoẻ

“Để góp phần bảo vệ sản xuất trong nước, cần thiết phải bổ sung, nâng cấp cơ sở pháp lý một số nội dung quan trọng về các biện pháp phòng vệ thương mại về thuế (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ…) trong trường hợp các ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại hoặc bị đe doạ thiệt hại do các hành vi bán phá giá, trợ cấp, phân biệt đối xử của các đối tác thương mại, phù hợp với thông lệ quốc tế” – ông Dũng nói. Đây là một trong những nguyên nhân chính để sửa đổi Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Theo ông Dũng, để đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý áp dụng các biện pháp xử lý các trường hợp phát sinh như áp dụng thuế trả đũa được phép áp dụng trong khuôn khổ giải quyết cơ chế tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các hiệp định thương mại song phương và khu vực mà VN đã tham gia, dự án luật bổ sung nội dung quy định: “Trường hợp vi phạm các cam kết quốc tế dẫn đến việc lợi ích VN bị xâm hại hay vi phạm, Chính phủ báo cáo Quốc hội áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại khác”.

Ủng hộ quan điểm của Chính phủ, Uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội đề nghị: “Cần rà soát, bổ sung một số quy định phù hợp với thông lệ quốc tế; làm rõ các khái niệm về lượng hoá bán phá giá, mức trợ cấp đến mức nào sẽ áp dụng các biện pháp về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ”. Cho rằng với gần như tất cả dòng thuế về 0% sẽ tác động sâu rộng đến sản xuất trong nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đề nghị Chính phủ đánh giá sâu về toàn bộ tác động này, đồng thời đề nghị làm rõ các quy định “khi có thiệt hại đáng kể, VN có quyền áp dụng các biện pháp thuế để phòng vệ thương mại” nêu trong dự luật. “Như thế nào là thiệt hại đáng kể? Không thể quy định mơ hồ như vậy được, thuế là phải cụ thể mới tạo được lòng tin cho xã hội” – ông Giàu nói.

Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng người tiêu dùng sẽ được lợi khi giảm thuế nhưng các ngành sản xuất trong nước sẽ thiệt hại, đặc biệt là ngành chăn nuôi nhỏ lẻ nói riêng và nông nghiệp nói chung. “Thịt gà Mỹ, thịt bò Úc tràn vào, ngành chăn nuôi nước ta phải đối mặt với vấn đề này như thế nào?” – bà Mai hỏi. Trong khi đó theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, các báo cáo cho thấy năng xuất lao động của VN so với Singapore, Malaysia… còn khoảng cách rất xa.

“Thậm chí Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đầu tư nông nghiệp trong nước như vậy, nhưng sang Lào đầu tư thì hiệu quả cao, họ sản xuất đường ở Lào đem về nước tiêu thụ mà vẫn thắng. Vậy chỉ so sánh với Lào cũng thấy vấn đề rồi.

Tôi đề nghị làm thật rõ đâu là thế mạnh, thế yếu của chúng ta. Hội nhập phải là sao tăng cường được sức khoẻ của nền kinh tế. Tôi thấy rằng không chỉ nông nghiệp là thế yếu, mà công nghiệp cũng thế yếu”.

Dư 14.200 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ

Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phương án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của các dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên.

Theo nghị quyết của Quốc hội, phát hành trái phiếu chính phủ để phân bổ 61.680 tỉ đồng đầu tư cho 23 dự án thuộc quốc lộ 1 và bảy dự án thuộc đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây nguyên.

Do không phải sử dụng vốn dự phòng trượt giá, sử dụng biện pháp tổ chức thi công hợp lý, tiết kiệm 5% dự toán theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… nên tổng số vốn trái phiếu chính phủ còn dư là 14.259 tỉ đồng. Chính phủ đề xuất dùng số tiền dư này cho các dự án liên quan đến hai tuyến đường trên như cải tạo 13 cầu yếu, làm một số tuyến đường tránh TP, tuyến kết nối…

Đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhưng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: “Đừng coi số dư 14.000 tỉ đồng đó là tiết kiệm, vì mình đè ra cắt 5% các dự án (ví dụ đáng lẽ 100% nhưng anh nào chịu được 95% thì đấu thầu) rồi điều chỉnh thiết kế kỹ thuật để giảm vốn đầu tư… Nếu nói tiết kiệm như vậy thì thành tích to quá, các anh nên tìm từ ngữ thế nào cho phù hợp”.

Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết: Dư luận cho rằng có những vấn đề, ví dụ đoạn đi qua Quảng Nam hẹp quá, hoặc có những đoạn có vấn đề về chất lượng. Nếu điều chỉnh thiết kế cho tuyến đường hẹp đi thì đâu phải là tiết kiệm? Quốc hội quyết định làm tuyến đường huyết mạch có chất lượng, thông thoáng để đảm bảo giao thông, vậy cần xem xét xem các dự án đã đảm bảo chất 
lượng chưa?

Tuy vậy, đa số ý kiến hoan nghênh Chính phủ vì đây là lần đầu tiên dự án thừa tiền phải xin phương án sử dụng (trước đây thường là dự án thiếu tiền phải xin thêm).

“Nhưng cũng phải rút kinh nghiệm tại sao dư đến 22% tổng vốn đầu tư, tức là rút kinh nghiệm trong lập dự án làm sao cho sát” – Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói. Cho rằng thẩm quyền quyết định sử dụng số tiền thừa này thuộc về Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ hoàn thiện báo cáo, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp tới.

Mở rộng kiểm toán đến cấp quận – huyện

Báo cáo kế hoạch kiểm toán năm 2016, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Nguyễn Hữu Vạn cho biết sẽ tập trung kiểm toán 175 đầu mối, trong đó kiểm toán ngân sách năm 2015 của 47 tỉnh, TP trực thuộc trung ương; 2 thành phố trực thuộc tỉnh; 16 bộ, cơ quan trung ương; 13 chuyên đề; 41 chương trình, dự án; 31 doanh nghiệp và tổ chức tài chính – ngân hàng; 20 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khối cơ quan Đảng.

Để đẩy mạnh phát triển loại hình kiểm toán hoạt động, KTNN dự kiến lựa chọn 13 quận, huyện, TP (trực thuộc tỉnh) để tổ chức cho 13 KTNN khu vực triển khai kiểm toán hoạt động đối với việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước năm 2015 của các đơn vị này.

Riêng lĩnh vực tài chính – ngân hàng tiếp tục tập trung kiểm toán các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính nhà nước để đánh giá thực trạng thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp và đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015.

LÊ KIÊN ([email protected])