10/01/2025

Ngư dân Kiên Giang làm thủ tục kiện cảnh sát biển Thái Lan

Chi phí vụ kiện đòi phía Thái Lan phải xử lý, bồi thường cho các ngư dân Việt Nam bị cảnh sát biển Thái Lan bắn sẽ do Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự tài trợ.

 

Ngư dân Kiên Giang làm thủ tục kiện cảnh sát biển Thái Lan

 

Chi phí vụ kiện đòi phía Thái Lan phải xử lý, bồi thường cho các ngư dân Việt Nam bị cảnh sát biển Thái Lan bắn sẽ do Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự tài trợ.



 

Chị Nguyễn Thị Kim Phương - vợ ngư dân Ngô Văn Sinh - ký đơn nhờ luật sư khởi kiện - Ảnh: K.Nam
Chị Nguyễn Thị Kim Phương – vợ ngư dân Ngô Văn Sinh – ký đơn nhờ luật sư khởi kiện – Ảnh: K.Nam

Ngày 22-9, người nhà và ngư dân Kiên Giang bị lực lượng cảnh sát biển Thái Lan nổ súng tấn công (làm 1 người chết, 2 người bị thương) đã bắt đầu tiếp xúc với đại diện Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự tại TP.HCM để chuẩn bị việc khởi kiện đòi phía Thái Lan phải xem xét vụ việc và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.

Mong đòi lại công lý cho ngư dân Việt Nam

Trong căn nhà nhỏ ở tổ 1, ấp Vĩnh Thành A, xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang), chị Nguyễn Thị Kim Phương – vợ ngư dân Ngô Văn Sinh – vẫn chưa hết bàng hoàng, đau xót trước cái chết đột ngột ở tuổi 38 của chồng mình.

“Tôi mong luật sư và các cơ quan nhà nước sẽ giúp tôi đòi lại công lý cho cái chết oan ức của chồng mình. Để sau này con tôi lớn lên khỏi mặc cảm cha nó vi phạm pháp luật tới mức bị Thái Lan bắn chết, cũng để chồng tôi thanh thản ra đi…” – chị Phương nói.

Theo lời chị Phương, sáng 11-9 anh Sinh vẫn còn gọi về nhà nhờ vợ tìm thêm người đi biển với mình, bởi trong chuyến biển đó cặp tàu cào đôi của anh Sinh đi còn thiếu mấy người.

Chị Phương tìm người xong, chưa kịp điện thoại cho chồng hay thì nhận hung tin anh Sinh bị bắn chết trên biển.

Bình thường, anh Sinh là trụ cột lao động chính nuôi vợ và hai con. Cháu trai lớn đang học lớp 11, cháu gái nhỏ đang học lớp 8.

Sau khi anh Sinh bị bắn chết, số tiền 50 triệu đồng của chủ tàu cá đưa cộng với tiền hỗ trợ của ban ngành, đoàn thể, bà con, anh em, bạn bè góp thêm mới đủ lo chi phí mai táng.

Về những dự định cho cuộc sống sắp tới, chị Phương cho biết sẽ làm thuê bất cứ việc gì miễn có tiền lo cho hai con ăn học đàng hoàng.

Nằm trên giường bệnh với chân phải kẹp inox bắt đinh ốc, từ đầu tới cuối ngư dân Nguyễn Hùng Cường khẳng định lúc bị tàu Thai Police 528 đuổi bắn, tàu của mình đang đánh bắt hoàn toàn trên vùng biển Việt Nam.

Qua bộ đàm, ông Cường chỉ kịp nghe một trong số các tài công hét lên: “Chết rồi, Thái bắn…”, ngay sau đó là đạn bắn xối xả vào buồng lái. Một trong số hàng chục viên đạn đại liên đã xuyên qua hai lớp gỗ, xuyên qua đùi làm gãy vỡ xương đùi ông Cường.

Sau khi nghe luật sư Lê Văn Đức, đại diện Văn phòng luật sư Hà Hải và cộng sự, trình bày lý do cần phải khởi kiện để đòi bồi thường, toàn bộ chi phí sẽ do nơi này tài trợ thì cả chị Phương và ông Cường đều đồng ý ký đơn nhờ luật sư hỗ trợ về mặt pháp lý.

Chính phủ Thái Lan sẽ nghiêm túc điều tra vụ việc 

* Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, ngày 21-9 ông Phạm Thành Nam, tham tán công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, đã gặp thiếu tướng Apichart Suribunya – cục trưởng Cục đối ngoại Cảnh sát hoàng gia Thái Lan, tư lệnh Interpol Thái Lan - để trao đổi về vụ một số tàu cá của tỉnh Kiên Giang, Việt Nam bị tàu Thái Lan sử dụng vũ khí tấn công khiến một ngư dân Việt Nam thiệt mạng và hai ngư dân bị thương.

Tại cuộc gặp, ông Phạm Thành Nam nêu quan ngại sâu sắc về vụ việc, phản đối phía Thái Lan đã sử dụng vũ lực, vi phạm luật pháp quốc tế.

Đồng thời đề nghị Thái Lan sớm tiến hành điều tra, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc những cá nhân liên quan, thông báo cho phía Việt Nam và bảo đảm không để xảy ra những vụ việc tương tự trong tương lai.

Thiếu tướng Apichart cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, Cảnh sát hoàng gia Thái Lan đang hết sức nghiêm túc và tích cực điều tra vụ việc.

Hiện nay, Bộ tư lệnh Cảnh sát hoàng gia Thái Lan đang nghiên cứu báo cáo của Lực lượng cảnh sát biển, sau đó dự kiến thành lập một nhóm đặc trách để điều tra, xác minh vụ việc.

Thiếu tướng Apichart khẳng định Chính phủ Thái Lan sẽ điều tra vụ việc đến cùng một cách công khai, minh bạch và bảo đảm những cá nhân liên quan nếu có tội sẽ bị xét xử nghiêm khắc theo pháp luật, đồng thời thông tin tới Chính phủ Việt Nam về tiến trình và kết quả điều tra trong thời gian sớm nhất.

Trước đó ngày 17-9, Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm chính thức yêu cầu Thái Lan xác minh và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những cá nhân liên quan theo đúng luật pháp Thái Lan.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã yêu cầu phía Thái Lan khẩn trương điều tra, xác minh vụ việc, làm rõ trách nhiệm và xử lý những cá nhân liên quan, bồi thường thoả đáng cho những thiệt hại về người và tài sản của ngư dân Việt Nam, không để xảy ra những vụ việc tương tự, tránh để ảnh hưởng đến quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Thái Lan.

Chuyển ngư dân Nguyễn Hùng Cường 
lên tuyến trên

Ngày 22-9, bác sĩ Trương Công Thành, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang, cho biết sẽ phải chuyển ngư dân Nguyễn Hùng Cường lên tuyến trên (dự kiến là Bệnh viện Chợ Rẫy hoặc Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tại TP.HCM) do vết thương diễn biến rất xấu.

Theo bác sĩ Thành, ông Cường bị bắn gãy vỡ xương đùi, mất nhiều cơ, đứt một dây thần kinh. Hiện tại, phần xương bị vỡ còn thiếu một mảnh nên không có khả năng tự lành, phải tiến hành ghép xương. Khả năng hồi phục chưa thể nói trước được.

Ông Cường cho hay từ khi nhập viện điều trị đến nay vết thương đau nhức khiến ông không thể ngủ được, vừa hết thuốc là đau nhức khủng khiếp.

 

KHOA NAM – TTXVN