10/01/2025

Giá điện phải công bằng và minh bạch

Giá điện sinh hoạt tại các nước bao giờ cũng rẻ hơn điện công nghiệp, nhưng giá điện phục vụ sản xuất tại VN lại rẻ nên DN không có động lực phát triển khoa học công nghệ.

 

Giá điện phải công bằng và minh bạch

 

Giá điện sinh hoạt tại các nước bao giờ cũng rẻ hơn điện công nghiệp, nhưng giá điện phục vụ sản xuất tại VN lại rẻ nên DN không có động lực phát triển khoa học công nghệ.


 


Ông Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Việt Dũng
Ông Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) phát biểu tại hội thảo – Ảnh: Việt Dũng

Ngày 22-9, tại hội thảo lấy ý kiến về 3 phương án biểu giá điện mới do Tập đoàn Điện lực VN (EVN) tổ chức, hầu hết chuyên gia đều cho rằng cần giãn các bậc thang với mức giá theo hướng hỗ trợ người nghèo và khuyến khích tiết kiệm điện.

Dù thừa nhận không có phương án nào mà mọi người đều hài lòng, bởi biểu giá nào cũng không theo nguyên tắc không làm thay đổi giá bán điện bình quân cũng như doanh thu của ngành điện, nhưng các chuyên gia cho rằng ngành điện cần có phương án đơn giản, dễ hiểu, khoảng cách các bậc thang hợp lý hơn…

Cần giãn khoảng cách giữa các bậc thang

Ông Nguyễn Tiến Thoả, đại diện Công ty tư vấn CMD – đơn vị tư vấn cho EVN xây dựng ba phương án biểu giá điện sinh hoạt mới, cho rằng biểu giá điện sinh hoạt sáu bậc hiện nay “gây phức tạp khi ghi chỉ số côngtơ, sử dụng càng nhiều điện càng đắt, người tiêu dùng khó theo dõi…”, dù Công ty CMD thừa nhận hầu hết các nước đều tính giá điện theo bậc thang (3 – 7 bậc) và dùng càng nhiều càng đắt.

Ngoài ra nếu giữ nguyên biểu giá điện sinh hoạt sáu bậc hiện hành, theo ông Thoả, chênh lệch giá giữa các bậc thang khá cao, nên chỉ cần nhu cầu dùng điện tăng lên một chút thì tiền điện sẽ tăng mạnh hơn tốc độ tăng sử dụng điện.

Nếu áp phương án chỉ một bậc giá điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kWh, người nào dùng dưới 240 kWh/tháng thì tiền điện sẽ tăng, trên 300 kWh/tháng thì được giảm tiền điện. Như vậy, người nghèo sẽ tăng chi phí tiền điện và không khuyến khích tiết kiệm điện.

Trong khi đó, với phương án còn 3 hoặc 4 bậc thang, ghép các hộ sử dụng điện ít vào một bậc, những hộ có mức sử dụng trung bình vào một bậc và các bậc cao dồn chung vào một bậc.

Theo ông Thỏa, đến nay EVN vẫn chưa chọn phương án nào nhưng đơn vị tư vấn “nghiêng về phương án ba”. Ông Trần Quốc Hùng, Hiệp hội Năng lượng VN, ủng hộ phương án còn 3 bậc và đề nghị dùng đến 100 kWh là bậc một, các bậc tiếp theo cách nhau 100 kWh…

Theo ông Hùng, người nghèo không chỉ có nông dân, mà cán bộ viên chức cũng nghèo, chỉ 3 – 4 triệu đồng/tháng nên giới hạn bậc thang đầu tiên nên nới rộng ra thay vì 50 kWh.

Về lâu dài, ông Hùng đề nghị EVN nên đầu tư hệ thống đo đếm hiện đại hơn, thay côngtơ cơ thành côngtơ điện tử để số liệu đo chính xác, minh bạch hoá. Đặc biệt, quá trình ghi chép côngtơ cần tăng thêm giám 
sát, minh bạch…

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng giá điện sinh hoạt tại các nước bao giờ cũng rẻ hơn điện công nghiệp, nhưng giá điện phục vụ sản xuất tại VN lại rẻ nên doanh nghiệp không có động lực phát triển khoa học công nghệ.

Ông Long đề nghị giữ biểu giá 6 bậc thang nhưng giãn cách khoảng 100 kWh/bậc và giá mỗi bậc thang không nên nhảy vọt một mức quá nhanh. Bởi đời sống người dân đã cao lên, nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn, mà chỉ dùng thêm vài chục kWh đã phải lên một mức giá mới là không phù hợp…

Phải khuyến khích tiết kiệm, hỗ trợ người nghèo

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, dẫn số liệu của EVN cho thấy có tới 21% hộ dân dùng dưới 50 kWh/tháng, nếu dùng dưới 150 kWh/tháng thì tổng số hộ dân chiếm tới trên 65%. Cho rằng các hộ nghèo và công chức nằm trong nhóm dùng khoảng 150 kWh/tháng, ông Kiên khuyến nghị biểu giá điện phải đảm bảo quyền lợi số đông, tức trên 60% số hộ dùng điện.

Theo ông Kiên, việc chia bậc thang cụ thể là chuyện do các nhà kỹ thuật, nhưng điều người tiêu dùng cần là EVN quản trị nội bộ tốt hơn. Dẫn câu chuyện bao năm nay mỗi tháng vẫn có tới hai công nhân cùng đi ghi côngtơ, ông Kiên cho rằng đó là giữ nếp của thế kỷ cũ.

“Người dân mong EVN nâng cao năng suất” – ông Kiên nói và nhấn mạnh biểu giá bán điện sinh hoạt mới không nên ưu đãi người giàu, mà phải ưu 
đãi người nghèo.

Giáo sư – viện sĩ Trần Đình Long, phó chủ tịch Hội Điện lực, cho rằng biểu giá bao nhiêu bậc thang với EVN thật ra không quan trọng vì tổng doanh thu của họ không đổi. Do đó, theo ông Long, biểu giá chỉ cần điều chỉnh đúng đối tượng và dễ nhớ.

Và theo đề nghị của ông Long, biểu giá mới chỉ cần 5 bậc trên cơ sở giữ nguyên biểu giá 6 bậc hiện nay, chỉ gộp 2 bậc đầu lại. Tức dùng đến 100 kWh là bậc khởi điểm, được áp giá ưu đãi. Các bậc sau cứ cách 100 kWh là sang một bậc thang mới. Ai dùng bao nhiêu, biết ngay là ở bậc nào, không bị số lẻ, bà nội trợ cũng dễ nhớ…

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – phó chủ tịch Hội Tiêu chuẩn bảo vệ người tiêu dùng – cho rằng ngành điện cần xem lại quản lý của mình bởi vẫn còn giữ cách làm quan liêu. Chẳng hạn chỉ có ngành điện là đồng hồ đo đếm đặt ở vị trí ngành điện chọn, ghi số côngtơ chỉ ông điện biết, đâu dễ để người mua giám sát? Nhiều người dân muốn tăng sự minh bạch chứ không phải ai cũng ngại tăng giá.

Cũng theo ông Hùng, biểu giá điện cần cân nhắc đảm bảo hài hoà lợi ích, khuyến khích tiết kiệm. Mức bao nhiêu một bậc là việc của nhà chuyên môn nhưng phải thuận cho người tiêu dùng, chứ chỉ thuận cho Nhà 
nước thì không nên.

Trong khi đó, theo TS Trần Đình Thiên – viện trưởng Viện Kinh tế VN, biểu giá điện khó có thể hài lòng tất cả mọi người. Nếu áp phương án sử dụng nhiều điện phải chịu mức giá cao, nhóm dùng nhiều điện kêu.

Nếu ít bậc thang, ghép cả người chỉ dùng 100 kWh vào biểu giá 150 kWh/tháng, người nghèo kêu vì họ phải chịu mức giá cao hơn. Được lòng “ông” này mất lòng “ông” kia, không thể trông đợi một lần điều chỉnh giải quyết hết mọi chuyện.

Do đó, EVN cần giải thích rõ sẽ không có phương án hài lòng tất cả mọi người và phải đưa phương án trong điều kiện khan hiếm nguồn lực. Còn lại, câu chuyện nên tập trung làm sao có thị trường cạnh tranh sớm hơn, chứ không nên tập trung quá nhiều vào biểu giá điện.

Ông Đinh Quang Tri (phó tổng giám đốc EVN):

Người tiêu dùng cần tín hiệu để tiết điện kiệm

Nhiều nước đều có giá điện bậc thang, có nơi 7 – 8 bậc, bậc cao nhất có giá 5.000 – 6.000 đồng/kWh. Một số nước có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đã áp dụng một mức giá và thường ở mức rất cao, khoảng 3.500 đồng/kWh.

Ta thiết kế không cẩn thận đồng giá mà cao thế thì không ai chấp nhận được. VN chỉ có 35 – 40% là thuỷ điện, tới đây phải nhập khẩu than, tức đầu vào của điện là theo giá thị trường, không có bao cấp gì. Do đó, chính sách giá điện phải ra tín hiệu cả người tiêu dùng và người sản xuất. Người tiêu dùng cần tín hiệu hợp lý để tiêu dùng tiết kiệm.

* GS – viện sĩ Trần Đình Long (phó chủ tịch Hội Điện lực):

Nên điều tiết mạnh đối tượng sử dụng nhiều điện

Phương án chỉ một bậc giá điện là lùi lại 20 năm trước, khi năm 1994 VN có hai giá. Hoặc nhảy có đến tận sau năm 2024, khi VN đã có thị trường bán lẻ cạnh tranh. Cả hai bước dù nhảy hay lùi đều không thích hợp.

EVN vừa công bố có 4,7% số hộ dùng trên 400 kWh/tháng. Tuy nhiên, tính ra 4,7% số hộ này dùng trung bình tới 700 kWh/tháng. Vì vậy, lâu dài có thể tính thêm một bậc thang ở trên mức 400 kWh để điều tiết mạnh đối tượng dùng nhiều điện.

TS Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Việc của EVN là giảm chi phí, chứ không phải làm giá điện cho Nhà nước

Vấn đề lớn hơn biểu giá là thể chế và kỹ thuật để tiến đến thị trường điện cạnh tranh nhưng đến nay chưa thấy cách giải quyết, trong khi lẽ ra Bộ Công thương chứ không phải EVN đứng ra làm hội thảo về biểu giá điện.

EVN không thể làm giá điện cho Nhà nước, mà chỉ làm giá điện cho chính EVN. Giá điện nhà nước là chi phí của EVN và các yếu tố khác, cả thuế má. Việc của EVN là giảm chi phí. EVN làm giá cho cả ngành điện cần xem xét có đúng chức năng, thẩm quyền không.

Ông Nguyễn Anh Tuấn (cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương):

EVN phải nâng cao năng suất, 
giảm tổn thất điện năng

Việc EVN tổ chức hội thảo lần này chủ yếu báo cáo thực trạng biểu giá, tiếp thu góp ý… Trên cơ sở đó, EVN phải báo cáo Bộ Công thương xem xét, có thể tiếp tục tổ chức thêm các cuộc hội thảo để nghe góp ý, từ đó bộ sẽ thiết kế biểu giá điện phù hợp, trình Thủ tướng quyết định.

Bộ Công thương cũng đang chỉ đạo EVN làm đề án nâng cao năng suất, đề án giảm tổn thất điện năng… chứ không chỉ cải cách biểu giá bậc thang điện sinh hoạt. Dự kiến EVN trình biểu giá điện mới lên Bộ Công thương trong tháng 10-2015.

 

CẦM VĂN KÌNH ([email protected])