Cảnh sát biển Thái Lan đã trấn áp quá mức độ cho phép
Theo luật sư Hà Hải, ngư dân Việt Nam có thể khởi kiện, yêu cầu phía Thái Lan bồi thường và ông sẵn sàng nhận tư vấn miễn phí cho các ngư dân trong việc khởi kiện này.
Cảnh sát biển Thái Lan đã trấn áp quá mức độ cho phép
Theo luật sư Hà Hải, ngư dân Việt Nam có thể khởi kiện, yêu cầu phía Thái Lan bồi thường và ông sẵn sàng nhận tư vấn miễn phí cho các ngư dân trong việc khởi kiện này.
Vết đạn bắn của cảnh sát biển Thái Lan lên tàu của ngư dân Việt Nam – Ảnh: Khoa Nam |
Vụ cảnh sát biển Thái Lan bắn ngư dân VN đang gây bức xúc trong dư luận, dưới đây là phân tích của luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM).
Theo phía Thái Lan thì tàu VN đã đánh bắt cá trái phép, tại vị trí cách tỉnh Narathiwat – cực nam Thái Lan – 40km. Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 thì đây được xem là vùng hải phận Thái Lan.
Tuy nhiên theo Cục Kiểm ngư VN thì vị trí của chiếc thuyền bị bắn nằm ở vùng biển giáp ranh giữa VN và Malaysia.
Do đó có sự mâu thuẫn trong việc cung cấp thông tin về vị trí con thuyền đánh cá.
Giả sử tàu ngư dân VN đã xâm phạm và đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Thái Lan thì theo điểm i khoản 2 điều 19 UNCLOS, hành vi của tàu ngư dân VN được xem là việc đi lại của tàu thuyền nước ngoài phương hại đến trật tự hay an ninh của Thái Lan.
Do đó, căn cứ theo khoản 1 điều 25 UNCLOS, Thái Lan có quyền sử dụng các biện pháp cần thiết trong vùng biển của mình để ngăn cản việc đi qua có gây hại của tàu đánh cá VN.
Căn cứ theo khoản 1 điều 73 UNCLOS, để thực hiện các quyền thuộc chủ quyền thì Thái Lan có quyền thi hành việc khám xét, kiểm tra, bắt giữ và khởi tố.
“Theo khoản 1 điều 6 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Thái Lan đã ký kết thì “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện”. Do đó, hành vi bắn chết ngư dân VN của cảnh sát biển Thái Lan dù bất kỳ lý do gì đã vi phạm không những pháp luật của quốc gia mình mà còn vi phạm các quy định của pháp luật quốc tế |
Luật sư Hà Hải |
Hành vi trấn áp vượt quá mức cho phép
Luật mà Thái Lan đã viện dẫn là Luật ngư nghiệp Thái Lan, theo đó tại điều 57, 58 “nếu tàu cá nước ngoài đi vào vùng biển Thái Lan và đánh bắt trái phép, cảnh sát biển và các cơ quan chức năng được phép bắt giữ và tịch thu tàu cũng như ngư cụ.
Nếu ngư dân nước ngoài có hành vi chống cự sẽ bị trấn áp tuỳ theo mức độ. Nếu ngư dân nước ngoài chấp hành lệnh bắt thì có thể bị tạm giam, sau đó làm thủ tục truy tố với các tội danh như xâm phạm hải phận, nhập cảnh trái phép và đánh bắt cá trái phép trong vùng biển Thái Lan”.
Sau khi tòa án Thái Lan xét xử, ngư dân đủ tiền nộp phạt sẽ được trả lại tàu.
Nếu cảnh sát biển Thái Lan chỉ bắn vào tàu ngư dân VN thì hành vi này có thể được pháp luật họ cho phép.
Thế nhưng việc bắn tàu này lại dẫn đến hậu quả 1 người chết và 2 người bị thương, trong khi tàu VN không hề có vũ khí và không có bằng chứng cho thấy ngư dân VN đã chống cự nên hành vi bắn tàu của cảnh sát Thái Lan rõ ràng là “hành vi trấn áp vượt quá mức độ cho phép” theo luật Thái Lan.
Mặt khác, căn cứ theo khoản 1 điều 6 Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị mà Thái Lan đã ký kết thì “Mọi người đều có quyền cố hữu là được sống. Quyền này phải được pháp luật bảo vệ. Không ai có thể bị tước mạng sống một cách tùy tiện”.
Do đó, hành vi bắn chết ngư dân VN của cảnh sát biển Thái Lan dù bất kỳ lý do gì đã vi phạm không những pháp luật của quốc gia mình mà còn vi phạm các quy định của pháp luật quốc tế.
Theo trình bày của những ngư dân và thông tin từ phía cơ quan thẩm quyền VN: vị trí của tàu ngư dân VN bị bắn nằm ở vùng biển giáp ranh giữa VN và Malaysia, do đó Thái Lan hoàn toàn không có quyền tài phán tại khu vực này.
Tàu cảnh sát biển Thái Lan lúc này ngược lại đã đi vào vùng biển VN, lẽ ra phải có nghĩa vụ tuân thủ theo quy định của pháp luật VN, thế nhưng họ lại phá huỷ tàu cá, làm bị thương và tước đoạt tính mạng của ngư dân VN.
Theo pháp luật VN thì hành vi của cảnh sát biển Thái Lan đã vi phạm pháp luật hình sự quy định tại điều 104 của Bộ luật hình sự.
Do giữa VN và Thái Lan có sự mâu thuẫn với nhau về vị trí của tàu ngư dân VN bị bắn nên việc xử lý trách nhiệm và việc bồi thường tính mạng, sức khoẻ và tài sản của các ngư dân bị bắn, cơ quan chức năng có thể căn cứ theo điều 279 UNCLOS.
Theo đó: “Các quốc gia thành viên giải quyết mọi tranh chấp xảy ra giữa họ về việc giải thích hay áp dụng công ước bằng các phương pháp hoà bình theo đúng điều 2, khoản 3 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và, vì mục đích này, cần phải tìm ra giải pháp bằng các phương pháp đã được nêu ở điều 33, khoản 1 của hiến chương”.
Nếu giữa hai nước không thể giải quyết tranh chấp bằng phương pháp hoà bình thì theo khoản 1 điều 281 và khoản 1 điều 287 UNCLOS, hai nước có quyền lựa chọn một hay nhiều biện pháp sau đây để giải quyết tranh chấp: toà án quốc tế về Luật biển, toà án quốc tế, tòa trọng tài, toà trọng tài đặc biệt.
Có quyền khởi kiện
Tuy nhiên cho dù các bên chưa thống nhất được vị trí của tàu ngư dân VN, cho dù tàu cá VN có vi phạm điều 57, 58 Luật ngư nghiệp của Thái Lan và điểm i khoản 2 điều 19 UNCLOS thì hành vi bắn chết một người và làm bị thương ngư dân VN của cảnh sát biển Thái Lan là “hành vi trấn áp vượt quá mức độ cho phép”.
Điều này vi phạm Luật ngư nghiệp của chính Thái Lan và điều 290, điều 291, điều 295 Luật hình sự Thái Lan. Do đó ngư dân VN và thân nhân của họ có quyền khởi kiện yêu cầu nhà chức trách Thái Lan xử lý những người đã xả súng vào ngư dân và bồi thường thiệt hại.
Nếu vị trí tàu ngư dân đúng theo mô tả của phía VN thì hành vi của cảnh sát biển Thái Lan bắn tàu ngư dân VN trên vùng biển VN thì luật pháp VN sẽ được áp dụng.
Hành vi của cảnh sát biển Thái Lan phải bị xử lý theo điều 104 Bộ luật hình sự, ngoài ra họ còn phải bồi thường thiệt hại đã gây ra theo Bộ luật dân sự và nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
Trong trường hợp này căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, cơ quan chức năng VN có toàn quyền khởi tố vụ án để điều tra làm rõ về hành vi giết người và huỷ hoại tài sản của ngư dân.