Nỗ lực lâu dài của Mỹ ở Biển Đông
Mỹ phải đưa tàu hải quân vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa.
Nỗ lực lâu dài của Mỹ ở Biển Đông
Mỹ phải đưa tàu hải quân vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa.
Đó là lời kêu gọi do Chủ tịch Uỷ ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain đưa ra trong phiên điều trần vào hôm qua. Reuters dẫn lời ông McCain nhấn mạnh động thái nói trên sẽ tái khẳng định rằng Mỹ không công nhận “thực trạng chủ quyền” do Trung Quốc dựng lên trên Biển Đông thông qua hành động bồi đắp. Thượng nghị sĩ này cũng chỉ trích chính quyền Tổng thống Barack Obama chần chừ trong việc đưa tàu vào khu vực 12 hải lý và cảnh báo: “Đây là sai lầm nguy hiểm khi công nhận thực tế tuyên bố chủ quyền tự tạo của Trung Quốc”.
Ông nêu ra tình trạng là Mỹ hiện nay tự giới hạn phạm vi tuần tra ở Biển Đông ngay cả sau khi Trung Quốc lần đầu tiên đưa tàu chiến đi qua khu vực 12 hải lý tính từ bờ biển bang Alaska (Mỹ) hồi đầu tháng, theo AP. Từ đó, thượng nghị sĩ McCain nhấn mạnh là Mỹ cần phải thực hiện quyền tự do lưu thông trên biển một cách quyết liệt hơn nữa.
Tương tự, khi trả lời các thành viên Uỷ ban Quân vụ trong phiên điều trần, Chỉ huy Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Harry Harris phát biểu: “Tôi tin rằng chúng ta cần phải thực hiện tự do lưu thông ở Biển Đông để phản đối sự tồn tại của những thực thể nhân tạo”. Đô đốc Harris còn cảnh báo Trung Quốc đang xây dựng những đường băng dài 3.000 m trên một số đảo nhân tạo ở Trường Sa thuộc chủ quyền VN, có thể cho phép đủ loại chiến đấu cơ hoạt động.
Cách đây vài ngày, giới chuyên gia Mỹ công bố hình ảnh chụp từ vệ tinh ngày 8.9 cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị xây đường băng trên đá Vành Khăn, tương tự 2 công trình phi pháp trên đá Chữ Thập và đá Xu Bi. Ngoài ra, Trung Quốc có thể đang xây cảng nước sâu có khả năng tiếp nhận nhiều loại tàu chiến cùng mạng lưới các cơ sở tên lửa, đường băng, chiến đấu cơ và điểm quan sát. “Điều này tạo ra một cơ chế giúp Trung Quốc kiểm soát thực tế Biển Đông trong viễn cảnh gần xảy ra xung đột”, Đô đốc Harris cảnh báo.
Tiếp tục đấu khẩu
Cũng tại phiên điều trần, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ David Shear cho biết việc tuần tra trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo trên Biển Đông “sẽ nằm trong những lựa chọn tương lai”. AP dẫn lời ông Shear cho rằng chỉ bằng cách thực hiện tự do lưu thông xung quanh các đảo nhân tạo sẽ không khiến Trung Quốc dừng các hoạt động gây lo ngại. Mặt khác, ông Shear cho biết Trung Quốc chưa triển khai vũ khí tiên tiến trên các đảo nhân tạo và nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo họ không tiến hành việc này. Đây sẽ là một nỗ lực lâu dài”.
Cũng trong ngày 18.9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố nước này “cực kỳ quan ngại” về phát biểu mới của Đô đốc Harris. Theo Reuters, đây là dấu hiệu mới cho thấy cuộc đấu khẩu Mỹ – Trung về vấn đề Biển Đông vẫn tiếp tục nóng bỏng ngay trước thềm chuyến thăm Mỹ 4 ngày của Chủ tịch Tập Cận Bình, bắt đầu từ ngày 22.9. Do đó, giới quan sát nhận định tình hình Biển Đông và những hành động gây quan ngại của Trung Quốc chắc chắn nằm trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Obama tiếp Chủ tịch Tập tại Nhà Trắng ngày 25.9.
Văn Khoa