Kinh tế là nền tảng trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết với một loạt nước và khu vực trên thế giới mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam – Nhật Bản.
Kinh tế là nền tảng trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết với một loạt nước và khu vực trên thế giới mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản.
Đó là phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc gặp Liên đoàn Các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) trưa 17.9 tại thủ đô Tokyo, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản từ 15 – 18.9. Tổng bí thư vui mừng nhận thấy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản hiện đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay, theo khuôn khổ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hoà bình và phồn vinh ở châu Á”. Quan hệ hai nước phát triển sâu rộng và toàn diện trên các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế, văn hoá, giáo dục đào tạo… trong đó kinh tế là nền tảng, là động lực quan trọng. Hiện nay Nhật Bản là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, đứng đầu về viện trợ phát triển chính thức, đứng thứ 2 về đầu tư trực tiếp nước ngoài và đứng thứ 4 về kim ngạch thương mại song phương. Trong đó các doanh nghiệp đóng vai trò xung kích hàng đầu và KEIDANREN có vai trò hết sức quan trọng.
Tổng bí thư tiếp lãnh đạo Đảng Cộng sản Nhật Bản
Ngày 17.9, tại Tokyo, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Nhật Bản Kazuo Shii đến chào. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và đồng chí Kazuo Shii đã trao đổi về những diễn biến phức tạp của tình hình khu vực. Đồng chí Kazuo Shii cho rằng các tranh chấp trên biển cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực; ủng hộ thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cùng ngày, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã tiếp Chủ tịch đảng Dân chủ Nhật Bản Okada Katsuya.
|
Theo TTXVN