10/01/2025

Hàng may sẵn bỏ shop vào siêu thị

Nhiều nhà cung cấp hàng may mặc thời trang, đồ dùng gia đình bằng chất liệu vải của các nhà sản xuất Việt đang có xu thế “nhảy” vào các siêu thị…

 

Hàng may sẵn bỏ shop vào siêu thị

 

 Nhiều nhà cung cấp hàng may mặc thời trang, đồ dùng gia đình bằng chất liệu vải của các nhà sản xuất Việt đang có xu thế “nhảy” vào các siêu thị…


 


Khách hàng chọn mua quần áo may sẵn tại một siêu thị - Ảnh: T.V.N.
Khách hàng chọn mua quần áo may sẵn tại một siêu thị – Ảnh: T.V.N.

Hàng may mặc thời trang, đồ dùng gia đình bằng chất liệu vải của các nhà sản xuất Việt đang có xu hướng tìm một chỗ đứng tại các siêu thị để vừa tăng độ phủ sóng thương hiệu, vừa có lượng tiêu thụ ổn định dù lợi nhuận không cao.

Trong khi đó, không chỉ dành phần diện tích khá lớn cùng đội ngũ nhân viên hỗ trợ khách hàng hùng hậu, nhiều siêu thị không ngại tung ra nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi, nhất là ở những thời điểm thời tiết không thuận lợi để thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.

Nhiều nhà cung cấp, 
đa dạng thành phần

Dắt theo cô con gái 4 tuổi cùng đi mua sắm tại siêu thị Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu chiều 16-9, chị Nguyễn Thị Huệ, nhân viên Trung tâm thể dục thể thao Q.1, vừa ướm thử chiếc áo đầm khá xinh của Công ty TNHH thời trang Đa Gia lên người cô bé vừa nói: “Chị toàn đi sắm quần áo cho gia đình trong siêu thị. Mua ở trong này vừa tiện lại thoải mái, nhiều thứ để chọn, dù có một số loại giá cao hơn bên ngoài khoảng 20%”.

Tương tự, chị Đoàn Thị Minh Hải, giảng viên một trường múa của Q.3, cũng đang đứng lựa một mẫu quần thun ôm bó khá bắt mắt với vẻ ưng ý.

“Quần này giá 95.000 đồng là được. Tôi hay đi siêu thị này mua đồ mặc đi dạy hoặc mặc ở nhà. Hàng ở đây có khá nhiều mẫu cho mình chọn, giá cả lại đa dạng. Nhưng để tìm được sản phẩm có mẫu mã xuất sắc, tinh tế hay thể hiện tính thời trang cao thì không có đâu” – chị Hải nhận xét thêm.

Ở quầy thời trang nam, ông Nguyễn Văn Thuận, nhân viên văn phòng tận bên Q.10, cho biết lựa mãi vẫn chưa tìm được chiếc áo sơmi nào ưng ý.

“Chú thích đi siêu thị mua quần áo vì giá cả đã ghi sẵn, chắc chắn mua được đúng giá. Chứ đi ra ngoài mua trả giá thì ngại, lại không biết giá nào trúng hay trật để mà trả với người ta” – ông Thuận chia sẻ.

Dù có diện tích khá khiêm tốn nhưng Co.op Mart Nguyễn Đình Chiểu vẫn dành một khu vực rộng cho ngành hàng quần áo may sẵn với cách bố trí khá bắt mắt, thuận tiện cho việc lựa chọn, tìm kiếm sản phẩm. Hơn 90% sản phẩm may mặc ở đây đều được các công ty tư nhân, cơ sở may mặc nhỏ lẻ trong nước tự sản xuất.

Tại nhiều siêu thị như Maximark, Aeon Citimart hay Big C…, khu vực hàng may mặc cũng chiếm diện tích khá lớn, với nhiều chủng loại sản phẩm cho nhiều độ tuổi với mức giá từ 100.000 – 300.000 đồng/sản phẩm, trừ những thời điểm có chương trình khuyến mãi.

Tuy nhiên, nhiều thương hiệu chưa được người tiêu dùng kịp nhớ tên đã thấy có sản phẩm mới, tên công ty khác thế chỗ trên quầy kệ.

Theo ông Võ Hoàng Anh, giám đốc marketing Saigon Co.op, những năm gần đây sức mua các mặt hàng thời trang may sẵn có tăng lên, số lượng nhà cung cấp đối với ngành hàng này ở Saigon Co.op cũng tăng trung bình 20%/năm.

Việc người tiêu dùng có xu hướng tìm mua hàng may mặc tại siêu thị, theo ông Hoàng Anh, là do hàng hóa siêu thị có xuất xứ rõ ràng, giá hợp lý và ngày càng được đầu tư mẫu mã theo kịp xu hướng.

“Hàng may mặc tại siêu thị nói riêng và trong nước nói chung chỉ phục vụ khách thu nhập trung bình khá trở xuống, dù không ít nhà cung cấp đã nỗ lực tìm kiếm nguyên vật liệu có chất lượng, kiểu dáng thiết kế ngày càng được cập nhật nhanh theo xu hướng” – ông Hoàng Anh nói.

“Nuôi quân” 
để làm thương hiệu

Bà Trần Thị Thùy Trang, giám đốc Công ty thời trang Đan Châu, cho biết hơn 10 năm qua thương hiệu thời trang Đan Châu đã phủ sóng hầu hết trong các siêu thị ở khu vực phía Nam.

Dù có nhà máy sản xuất cùng với hệ thống phân phối riêng chừng 20 cửa hàng thời trang đang kinh doanh, nhưng Đan Châu vẫn kiên trì rót hàng vào siêu thị vì “xây dựng được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng ở kênh phân phối hiện đại không hề dễ chút nào” – bà Trang thừa nhận.

Theo bà Trang, dù siêu thị áp mức chiết khấu khá cao, “nhưng bán ở ngoài tiền thuê mặt bằng và chi phí nhân viên cũng đâu vào đấy”.

Các sản phẩm thời trang công sở dành cho giới nữ tại các siêu thị khá đa dạng, với vài chục mẫu mã của mỗi nhà sản xuất.

Cứ nửa tháng, các công ty lại tung ra vài chục mẫu mới để chào cho siêu thị. Mẫu nào bán chạy thì châm thêm, mẫu nào bán chậm thì rút về để thay mẫu mới.

“Phải liên tục làm kiểu cuốn chiếu như vậy mới mong giữ chân được khách hàng, nhất là trong giai đoạn kinh doanh rất khó khăn như hiện nay” – một doanh nghiệp cho biết.

Cũng có mặt ở nhiều siêu thị, nhưng quần áo đồng phục học sinh của Công ty thời trang Sanding được quan tâm nhiều hơn các loại thời trang nữ công sở cũng của công ty này.

Bà Thúy Nga, trưởng phòng kinh doanh Sanding, cho hay chỉ riêng số lượng đồng phục học sinh cung ứng cho toàn chuỗi hệ thống siêu thị Saigon Co.op cứ tăng đều đều 10%/năm, dù mặt hàng này chỉ bán theo mùa từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm.

“Chúng tôi cũng có sản xuất hàng thời trang công sở nhưng mức tăng thấp lắm, do ngày càng có nhiều thương hiệu tham gia cạnh tranh, mức độ cạnh tranh khốc liệt hơn” – bà Thúy Nga nhận định.

Tuy nhiên, ở góc độ ổn định đầu ra, hầu hết doanh nghiệp cung ứng đều cho rằng nếu đã được siêu thị tin cậy mua hàng, việc nhận diện thương hiệu của người tiêu dùng sẽ tốt hơn rất nhiều so với tự kinh doanh, quảng bá bên ngoài vì lượng khách đến siêu thị luôn dồi dào, đông đúc.

Tuy nhiên, hiện nay phần lớn các hệ thống siêu thị kinh doanh cũng đang gặp không ít khó khăn do sức mua vẫn trì trệ. Đặc biệt, việc phải bán hàng giảm giá, tổ chức khuyến mãi liên tục để thu hút khách phần nào cũng đẩy áp lực lên các nhà cung cấp.

Siêu thị luôn thúc doanh nghiệp có mẫu mã mới để cạnh tranh với các hệ thống siêu thị khác nhưng lại khống chế giá bán ra. Giám đốc một doanh nghiệp cho rằng chính sách này dẫn đến hiện tượng là doanh số bán ra tại siêu thị của các doanh nghiệp tăng đều mỗi năm nhưng lợi nhuận không tăng, thậm chí có năm còn giảm.

“Do thị trường bán chậm, mình không thể bán hàng bình thường mà phải luôn làm chương trình khuyến mãi cùng với siêu thị để thu hút người mua, nên lợi nhuận nếu có cũng chỉ đủ bù qua đắp lại” – bà Thùy Trang cho biết.

Siêu thị nhắm tới hàng thời trang

Đồng hành cùng với nhà cung cấp trong việc xây dựng và quảng bá hình ảnh nhận diện thương hiệu hàng thời trang, những năm gần đây hệ thống Co.op Mart từng bước nâng cấp các mặt hàng “may mặc cơ bản” thành “hàng thời trang” bằng nhiều cách.

Như tổ chức khu trưng bày riêng ngày với sản phẩm dành cho nhiều lứa tuổi nhằm thu hút sự quan tâm của khách hàng, níu chân người tiêu dùng lâu hơn tại các quầy, kệ hàng may mặc, chưa kể các chương trình khuyến mãi, quảng bá riêng theo chủ đề, theo mùa…

Ông Nguyễn Thành Nhân (phó tổng giám đốc Saigon Co.op):

“Tự hào hàng Việt” thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng

Chỉ sau 16 ngày thực hiện, chương trình “Tự hào hàng Việt” đã đạt kết quả rất tích cực, thu hút hơn 6 triệu lượt người đi mua sắm với doanh số chương trình đạt hơn 1.200 tỉ đồng.

Nhờ có sự chuẩn bị tốt nên không có trường hợp nào đứt hàng, thiếu hàng khuyến mãi. Công tác kiểm soát chất lượng hàng hoá cũng đảm bảo nên không có sự cố, khiếu nại về chất lượng hàng hoá.

Trong đó, chương trình “Hàng Việt quà đặc biệt” và “Nông sản Việt ưu đãi mỗi ngày” thu hút sự quan tâm của nhiều người tiêu dùng do sản phẩm tham gia chương trình có giá trị sử dụng thiết thực và giảm giá trực tiếp trên sản phẩm.

Đặc biệt, thông qua các chương trình này, không chỉ được mua sản phẩm với giá rẻ hơn, người tiêu dùng còn có cái nhìn tích cực hơn với các sản phẩm rau, củ quả được sản xuất theo các quy trình an toàn, thiết thực quảng bá thương hiệu nông sản trong nước.

Thực tế cho thấy sức tiêu thụ của một số nhóm hàng rau củ tăng trưởng từ 2-10 lần so với tuần kinh doanh thông thường. Một trong những thành công nữa của chương trình “Tự hào hàng Việt” là tạo sự gắn kết giữa nhà cung cấp, hệ thống bán lẻ và người tiêu dùng, giúp nhà cung cấp hiểu hơn nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó quan tâm hơn đến việc đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo quy trình an toàn đối với sức khoẻ người dùng. (DŨNG TUẤN)

 

TRẦN VŨ NGHI ([email protected])