11/01/2025

Đi xúc tiến thương mại theo ‘chế độ’

Việc bỏ tiền ngân sách ra cho cán bộ, doanh nghiệp ra nước ngoài xúc tiến thương mại là cần thiết để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường xúc tiến và thành phần tham gia đoàn đi cho mặt hàng gạo mà Bộ Công thương đề xuất, theo nhiều chuyên gia là chưa hợp lý.

 

Đi xúc tiến thương mại theo ‘chế độ’

 

 

 

Việc bỏ tiền ngân sách ra cho cán bộ, doanh nghiệp ra nước ngoài xúc tiến thương mại là cần thiết để mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường xúc tiến và thành phần tham gia đoàn đi cho mặt hàng gạo mà Bộ Công thương đề xuất, theo nhiều chuyên gia là chưa hợp lý.



Cách chọn thị trường có vấn đề
Theo văn bản của Bộ Công thương, các chương trình xúc tiến thương mại nhằm xuất khẩu gạo sang Hồng Kông, Trung Quốc, Philippines, Mỹ, Mexico… sẽ được tổ chức đoàn đi trong năm nay. Tuy nhiên ngay tại vựa lúa ĐBSCL có nhiều doanh nghiệp (DN) không tham gia.
Công ty CP Gentraco (Cần Thơ) là một trong những DN tư nhân hàng đầu VN trong lĩnh vực xuất khẩu gạo nhưng ông Trần Thanh Vân, Phó giám đốc công ty cho biết: “Chúng tôi cũng không tham gia chuyến nào. Vì đi chỉ là cưỡi ngựa xem hoa không, chứ giờ mua bán khó lòng lắm”. Ông Vân giải thích: “Các nước nhập khẩu gạo VN đã và đang cố gắng tự túc hết, không mua gạo của mình nữa hoặc mua với số lượng hạn chế. Còn các thị trường khó tính như Mỹ thì có hai vấn đề khiến gạo Việt khó chen chân vào. Thứ nhất Mỹ cũng là nước xuất khẩu gạo. Thứ hai, Thái Lan xâm nhập vào thị trường này từ sớm và đưa vào loại gạo chất lượng cao nên khách hàng đã quen rồi. Như vậy thì làm sao mình mang gạo vào bán cho họ được”.
Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế, ĐH Nông Lâm (TP.HCM) nhận định: Mỹ và Mexico không phải là thị trường cho hạt gạo VN vì người gốc Âu và Mỹ La tinh ít ăn gạo. Chỉ có một bộ phận người gốc Á sử dụng nên nhu cầu không lớn. Trong khi gạo của chúng ta là gạo trắng hạt dài phục vụ các thị trường bình dân. Đó là chưa kể, các nước này lại là nước xuất khẩu gạo hàng đầu, nếu chen chân vào thì chúng ta cạnh tranh với họ bằng gì?
Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ nói: Tôi cũng không tham gia đoàn nào của Bộ Công thương vì đã đi Trung Quốc mấy lần rồi nhưng đều không hiệu quả, vừa mất công vừa tốn tiền. Thị trường này vướng ở khâu thanh toán. “Họ chỉ muốn mua gối đầu theo đường tiểu ngạch. Mình là DN làm ăn đàng hoàng, số lượng lớn làm theo kiểu đó không được” – ông nói và cho biết thêm, thị trường Philippines, Malaysia thì phải theo hợp đồng tập trung của Chính phủ, có thì DN mới tham gia. Bên cạnh đó, Philippines cũng cấp quota cho DN nhập khẩu nên muốn xuất cũng khó vì không biết đơn vị nào có quota, đơn vị nào không.
Đi nhiều mà chưa hiệu quả
Một chuyên gia hàng đầu ở ĐBSCL đề nghị không nêu tên kể: Vừa rồi ông có ngồi với một vị lãnh đạo. Ông ấy nói, số lượng người, đoàn của VN mình đi nước ngoài nhiều quá. Mà có những chỗ đoàn nào của VN cũng đến, tổ chức sự kiện này nọ rồi cũng nói chừng ấy chuyện, hỏi chừng ấy câu. “Chúng ta đang tồn tại cái gọi là đi công tác theo “chế độ” cho cán bộ công chức. Có nhiều người đi qua đó không biết làm gì chỉ là đi tham quan. Cuối cùng ngân sách bỏ tiền ra, tốn kém mà không hiệu quả”, chuyên gia này kết luận.
Minh họa cho câu chuyện trên, TS Lê Văn Bảnh, Phó cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối, nêu ví dụ: “Tôi thấy trên trang mạng của Hiệp hội Lương thực VN có đăng thông báo kêu gọi DN đi xúc tiến thương mại ở Trung Quốc. Trong đó thành phần gồm: Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, UBND một số tỉnh biên giới phía bắc, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các DN kinh doanh xuất khẩu gạo, nông sản. Tôi cũng không rõ vai trò của UBND các tỉnh biên giới phía bắc trong việc này là gì? Số lượng cán bộ sao nhiều thế, đến 12 người? Tôi nghĩ chỉ cần 5 – 3 người có năng lực đi là được rồi, có chức năng nhiệm vụ rõ ràng chứ đi nhiều tốn kém nhiều mà không hiệu quả. Còn nếu nói về vai trò biên giới thì trước nay vẫn buôn bán tiểu ngạch với họ đấy thôi. Cái chúng ta xúc tiến, chúng ta cần là làm ăn đàng hoàng theo đường chính ngạch”.
TS Nguyễn Văn Ngãi cũng đồng tình với nhận xét trên khi đặt vấn đề: Chúng ta phải tính xem các thành viên đó có cần thiết không, có hiệu quả không? Vì xài một đồng tiền từ ngân sách cũng phải tính toán cẩn thận. Chúng ta có thể thấy các đoàn DN xúc tiến thương mại của nước ngoài vào VN chỉ có DN và hiệp hội ngành nghề, không có đoàn nào có quan chức địa phương, chính quyền.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính về việc triển khai các chương trình xúc tiến thương mại nhằm xuất khẩu gạo, Bộ Công thương đề xuất, trong chương trình xúc tiến thương mại dự kiến tổ chức tại Hồng Kông vào tháng 9.2015 trong 4 ngày, kinh phí hỗ trợ cho đại diện một số bộ ngành và địa phương (khoảng 10 người) là hơn 34 triệu đồng/người. Với chương trình xúc tiến thương mại tại Quảng Tây (Trung Quốc) trong 6 ngày, mức hỗ trợ cho các cán bộ (12 người) bình quân hơn 40 triệu đồng/người. Với một số thị trường xa, chi phí hỗ trợ cho cán bộ nhà nước khoảng 96 triệu đồng/người và 126 triệu đồng/người với DN. Riêng với DN, Bộ Công thương đề nghị hỗ trợ 100% theo hình thức chi thực hết bao nhiêu thanh toán bấy nhiêu.
Trong văn bản trả lời, Bộ Tài chính đã chấp thuận một phần các khoản chi mà Bộ Công thương đề xuất, riêng với đoàn xúc tiến thương mại gạo tại Mỹ và Mexico, Bộ Tài chính đề nghị rà soát, nêu rõ sự cần thiết của chuyến đi này trước khi phê duyệt.

Chí Nhân