Chuyến công du nước Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc
Chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh tồn tại nhiều bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington.
Chuyến công du nước Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc
Chuyến thăm Mỹ sắp tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra trong bối cảnh tồn tại nhiều bất đồng giữa Bắc Kinh và Washington.
|
Ngày 15.9, Nhà Trắng đã ra thông báo về chuyến thăm thủ đô Washington của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 25.9. Cùng lúc, website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng loan tin ông Tập sẽ thăm chính thức Mỹ từ ngày 22 – 25.9, trước khi tham dự sự kiện đánh dấu 70 năm thành lập Liên Hiệp Quốc từ ngày 26 – 28.9 tại New York.
Trước khi đến Washington lần đầu tiên trên cương vị chủ tịch Trung Quốc, ông Tập dự kiến sẽ dừng chân tại Seattle để gặp gỡ các doanh nhân hàng đầu nước Mỹ.
Theo Reuters, tại Nhà Trắng, Chủ tịch Trung Quốc sẽ được đón tiếp với nghi thức trọng thể dành cho nguyên thủ nước ngoài, bao gồm quốc yến vào đêm 25.9, xen lẫn một loạt cuộc gặp song phương. Thông báo của Nhà Trắng cho hay chuyến thăm của ông Tập “sẽ mang lại cơ hội mở rộng sự hợp tác Mỹ – Trung trong một loạt lĩnh vực trên bình diện toàn cầu, khu vực và song phương dựa trên lợi ích chung, đồng thời cho phép Tổng thống Obama và Chủ tịch Tập đề cập đến những vấn đề bất đồng một cách mang tính xây dựng”.
Nóng bỏng Biển Đông
Theo phân tích của trang tin Slate, những vấn đề có thể xuất hiện trên bàn đàm phán Mỹ – Trung bao gồm trạng thái thù địch ngày càng tăng giữa Trung Quốc và đồng minh số 1 của Mỹ tại Đông Á là Nhật Bản; tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên; yêu sách của Trung Quốc đòi Washington trao trả các quan tham đang trốn trên đất Mỹ và tình trạng bất ổn cao độ của nền kinh tế Trung Quốc. Các đề tài khác như hợp tác chống khủng bố và cắt giảm khí thải cũng được kỳ vọng xuất hiện trong chương trình nghị sự.
Tuy nhiên, một lĩnh vực bất đồng nổi cộm dự kiến sẽ chiếm nhiều thời gian hội đàm là việc Trung Quốc phớt lờ các cảnh báo và tiếp tục ngang ngược xây dựng các tiền đồn quân sự tại Biển Đông. Vấn đề này đã nóng trở lại sau khi Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington mới đây công bố hình ảnh vệ tinh cùng phân tích cho thấy Bắc Kinh vẫn đang tiếp tục hoạt động bồi đắp phi pháp và chuẩn bị xây dựng đường băng thứ ba ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bất chấp tuyên bố ngừng bồi đắp cách đây hơn 1 tháng.
Theo chuyên gia Bonnie Glaser thuộc CSIS, hoạt động trên “nhấn mạnh sự thiếu thiện ý của Bắc Kinh trong việc tự kiềm chế và tìm kiếm giải pháp ngoại giao để giảm căng thẳng với các nước láng giềng, Mỹ và các quốc gia khác”. “Trước thềm chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh dường như muốn gửi thông điệp đến Tổng thống Barack Obama rằng Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy các lợi ích ở Biển Đông ngay cả khi hành động này dẫn đến căng thẳng leo thang với Mỹ”, bà Glaser nói.
Như để chứng minh cho nhận xét của chuyên gia Glaser, trong cuộc gặp gỡ với giới ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh hôm 16.9, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khăng khăng tuyên bố nước này sẽ không bao giờ từ bỏ những yêu sách của mình ở Biển Đông.
Bạn hữu phải dè chừng
Cùng với thái độ thách thức của Trung Quốc tại Biển Đông, các cáo buộc của Mỹ về hoạt động tin tặc mà Washington cho rằng do Bắc Kinh bảo trợ chính là hai đề tài được báo giới và các chính khách Mỹ nhắc đến nhiều trước thềm chuyến thăm của ông Tập. Trong bài viết được giật tít: Obama và Trung Quốc: Cố gắng chơi đẹp với bạn hữu kiêm kẻ thù, tờ The Washington Postnhấn mạnh chuyến thăm rơi vào thời điểm căng thẳng dâng cao xung quanh các vấn đề an ninh mạng. Theo tờ báo, một số nghị sĩ tại Đồi Capitol không hài lòng trước việc tổng thống Mỹ đón tiếp long trọng lãnh đạo Trung Quốc, nhất là sau một năm liên tục được báo cáo về mức độ phá hoại của tin tặc bị cho là bắt nguồn từ Bắc Kinh.
Trước khi chuyến thăm được thông báo, ông Obama đã cảnh báo quy mô các cuộc tấn công xuất phát từ Trung Quốc là “không thể chấp nhận” và giới chức Mỹ cho biết sẽ cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt đối với các cá nhân hoặc doanh nghiệp Trung Quốc bị quy kết tấn công mạng nhằm vào Mỹ. Tuy nhiên, tờ The Washington Post đưa tin sau cuộc gặp trắng đêm vào tối 11.9 giữa quan chức hai nước, Mỹ đã đồng ý không áp đặt lệnh trừng phạt trước chuyến thăm của ông Tập.
Về phần mình, Bắc Kinh cũng có động thái hữu nghị khi quyết định trả tự do cho học giả Quách Ngọc Thiểm, người đã hỗ trợ luật sư khiếm thị Trần Quang Thành đến sứ quán Mỹ tị nạn trước đây. Dù vậy, theo đánh giá chung, không khí trước thềm công du Mỹ của ông Tập không thật sự lạc quan, khiến giới quan sát dự đoán về viễn cảnh những căng thẳng có thể xuất hiện trước áp lực từ nhiều phía.
Thụy Miên