29/11/2024

Xét tuyển theo kiểu se duyên

Có thể ứng dụng thuật toán học theo kiểu “kết duyên bền vững” của hai nhà toán học người Mỹ vào tuyển sinh ĐH ở VN. Những đề xuất này vừa được nhóm Đối thoại giáo dục VN (VED) của GS Ngô Bảo Châu đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nghiên cứu hướng xét tuyển trong những năm tới.

 

Xét tuyển theo kiểu se duyên

 

 

 

Có thể ứng dụng thuật toán học theo kiểu “kết duyên bền vững” của hai nhà toán học người Mỹ vào tuyển sinh ĐH ở VN. Những đề xuất này vừa được nhóm Đối thoại giáo dục VN (VED) của GS Ngô Bảo Châu đề xuất gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nghiên cứu hướng xét tuyển trong những năm tới.




Những căng thẳng trong xét tuyển ĐH đợt 1 diễn ra vừa qua là nguyên nhân có nhiều đề xuất thay đổi hướng xét tuyển ở các năm tới, trong đó có đề xuất của nhóm VED

Những căng thẳng trong xét tuyển ĐH đợt 1 diễn ra vừa qua là nguyên nhân có nhiều đề xuất thay đổi hướng xét tuyển ở các năm tới, trong đó có đề xuất của nhóm VED – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Khi cầu gặp cung
Thuật toán Gale – Shapley được các nhà khoa học Lloyd Shapley và David Gale giới thiệu từ những năm 1960 (về sau Shapley và một nhà kinh tế học là Alvil Roth đã dựa vào thuật toán này để giải quyết một số vấn đề thực tiễn và được giải Nobel kinh tế năm 2012).
Thuật toán này hoạt động trên một tiên đề chung về tính ổn định của hệ thống và năng lực nhận thức thuần lý của bên cầu trong hệ thống. Nếu áp dụng trong tuyển sinh thì bên cầu là thí sinh (TS) và được gọi bằng thuật ngữ “kết duyên bền vững”. Để ứng dụng thuật toán này vào bài toán tuyển sinh, những người thiết kế phương án tuyển sinh phải xem như TS biết rõ nguyện vọng (NV) của mình khi chọn và hành vi lựa tuân theo lý tính.
TS sẽ tham gia việc chọn trường, được thay đổi lựa chọn cho đến khi họ có được kết quả tốt nhất, nhưng hoàn toàn không phải đến từng trường rút ra nộp vào hồ sơ mỗi khi điều chỉnh NV như tuyển sinh đợt 1 vừa qua. Trạng thái “kết duyên bền vững” sẽ đạt được khi tất cả TS vào được trường cao nhất có thể, còn các trường chọn được số TS tốt nhất có thể. Đó là lúc bên cung (các trường ĐH) gặp bên cầu (TS) trong trạng thái ổn định bền vững.
Thí sinh đưa danh sách các trường theo nguyện vọng
Nếu ứng dụng thuật toán Gale – Shapley để xét tuyển ĐH, mỗi TS được phép đưa ra danh sách NV cá nhân của mình mà không phụ thuộc vào cơ hội trúng tuyển hay không. Nói cách khác, danh sách này là NV của TS nếu như được nhận vào tất cả các trường. Để có chiến lược chọn trường tốt nhất, TS nên nộp danh sách NV thực sự của mình. Giải pháp này không cho phép TS được can thiệp vào thứ tự NV của mình và đây cũng là một lợi thế nổi bật của phương pháp “kết duyên bền vững”.
Trong kỳ tuyển sinh đợt 1 vừa qua, dù được chọn trường, nhưng vì ở một thời điểm TS chỉ được nộp hồ sơ vào một trường duy nhất (dù có đến 4 NV ngay trong trường này) nên TS bắt buộc phải theo dõi thường xuyên để cập nhật danh sách xét tuyển. Bởi thế trong quá trình nộp hồ sơ diễn biến việc xét tuyển căng thẳng, kịch tính. Từ đó nảy sinh tình trạng rút ra nộp vào hồ sơ khiến không khí xét tuyển càng thêm căng thẳng, gây áp lực khiến hầu hết TS buộc phải “quên” giá trị của ngành, trường mình sẽ học mà chỉ chăm chăm tính đến khả năng đỗ hay không. Hệ thống xét tuyển sử dụng giải pháp Gale – Shapley sẽ loại trừ được những rắc rối này, thậm chí nó giúp số TS hài lòng với kết quả cuối cùng đạt mức cao nhất (so với các phương pháp xét tuyển khác) nếu TS nộp đơn với danh sách NV thực tâm của mình.
Việc mỗi TS đưa ra một danh sách các trường theo NV thực của mình còn tạo ra một sản phẩm phái sinh có ích. Đó là xếp hạng các trường ĐH dựa vào NV được công bố.
Theo nhóm VED, không có phương pháp nào có được tất cả các yếu tố ưu việt nhưng về tính ổn định và khả thi ở VN thì giải pháp Gale – Shapley có vẻ như có nhiều yếu tố ưu việt quan trọng. Cũng theo nhóm VED, nếu ứng dụng giải pháp này vào xét tuyển ĐH tập trung cho toàn quốc, cần phải có một trung tâm xét tuyển tập trung (centralized matching maker), tốt nhất nên là một cơ quan độc lập.
Được biết, mới đây, trong một cuộc gặp không chính thức, GS Ngô Bảo Châu đã đưa báo cáo này cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Ông Luận cho biết Bộ GD-ĐT sẽ xem xét và nghiên cứu một cách nghiêm túc báo cáo này với kỳ vọng có thể ứng dụng ngay từ kỳ xét tuyển ĐH, CĐ năm sau.
Báo cáo đầy đủ về đề xuất hướng tuyển sinh của nhóm VED mời bạn đọc xem tại đây.
Có mâu thuẫn với tự chủ đại học ?
Theo nhóm VED, giải pháp này chỉ có thể ứng dụng trong tuyển sinh ĐH ở một nước có hệ thống ĐH tập trung hóa hoặc các ĐH phải có tính phối hợp rất cao, có hoạt động tuyển sinh cùng một thời điểm. Vì thế, thách thức cho giải pháp là sự ảnh hưởng của nó tới ước vọng được tự chủ ĐH mà trong đó bao gồm tự chủ tuyển sinh. Việc các trường ĐH ở VN áp dụng thuật toán Gale – Shapley để xét tuyển (nghĩa là phải tuyển sinh tập trung) có “đe doạ” vị thế tự chủ của ĐH hay không?
Nhóm VED cho rằng hệ thống ĐH Mỹ không những tuyển sinh hoàn toàn phân tán mà còn dựa vào nhiều tiêu chí chứ không chỉ điểm thi như ở VN nên không thể ứng dụng thuật toán này. Pháp thì ngược lại. Trong hệ thống của Pháp có một nhóm được gọi là Trường Lớn. Để tham gia tuyển sinh vào các trường trong nhóm Trường Lớn, TS phải thi nhiều môn (có cả vấn đáp, phỏng vấn), kết quả được thể hiện qua một điểm tổng hợp và các thành tích gộp lại. Sau khi hình thành điểm tổng hợp, từng trường trong nhóm Trường Lớn không còn được tự chủ nữa mà họ sẽ phải tự động nhận sinh viên từ trên xuống cho đến khi đủ số lượng cần tuyển. Song không vì thế mà nền ĐH của Pháp (đặc biệt là hệ thống Trường Lớn) lại kém đi tính tự chủ.
Nhóm VED lưu ý hiện nay VN phần nào vẫn đang thực hiện theo triết lý Pháp, xét tuyển chỉ dựa vào điểm thi ĐH. Vấn đề là kỳ tuyển sinh 2015 vừa rồi có nhiều điểm bất cập mà chỉ cần áp dụng thuật toán Gale – Shapley cũng có thể cải thiện nhiều.

Quý Hiên