28/11/2024

Nỗi sợ của cô tân sinh viên “hai không”

Với số điểm 20 khối D1, Lý Ngọc Thanh Thanh (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Q.Gò Vấp, TP.HCM) tự tin nộp đơn xét tuyển vào ngành Việt Nam học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng.

 

Nỗi sợ của cô tân sinh viên “hai không”

 

Với số điểm 20 khối D1, Lý Ngọc Thanh Thanh (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Q.Gò Vấp, TP.HCM) tự tin nộp đơn xét tuyển vào ngành Việt Nam học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng. 


 


Giấy báo trúng tuyển đang ở trước mặt, nhưng Thanh Thanh và mẹ gần như bế tắc vì Thanh vừa không có CMND vừa không có tiền đóng học phí - Ảnh: Văn Tiên
Giấy báo trúng tuyển đang ở trước mặt, nhưng Thanh Thanh và mẹ gần như bế tắc vì Thanh vừa không có CMND vừa không có tiền đóng học phí – Ảnh: Văn Tiên

Nhưng ngày nhận giấy báo trúng tuyển cũng là ngày Thanh rơi vào bế tắc.

Không có tiền đóng học phí, Thanh vội đến một ngân hàng ở Q.Gò Vấp những mong vay được tiền đi học nhưng bị từ chối. Lý do phía ngân hàng đưa ra là Thanh không có chứng minh nhân dân (CMND).

Nghe xong, vội lật mặt sau của tờ giấy báo trúng tuyển, đọc kỹ lại các giấy tờ cần nộp thì điều khoản: 1.7 Giấy CMND: 2 bản photocopy khiến Thanh tuyệt vọng.

Khó khăn từ vật chất…

Ba của Thanh mất hồi năm 2012 vì căn bệnh hiểm nghèo. Bà Nguyễn Thị Trường Tồn – mẹ Thanh – vì mang ơn bà chủ ngày trước đã giúp tiền lọc máu cho chồng nên ở lại làm việc nhà với mức lương 2,2 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà hằng tháng đã ngốn hơn một nửa, còn mấy trăm ngàn chỉ đủ lo bữa rau bữa cháo cho Thanh và con trai út năm nay 15 tuổi.

Sống giữa lòng Sài Gòn, thế mà ba mẹ con Thanh không có nổi chiếc xe đạp. Tất cả đều đi bộ. Mỗi sáng Thanh đi bộ hơn 3km để đến trường. Chiều về, bụng trống rỗng, Thanh lại đi tiếp 4km qua nhà chị Nguyễn Thị Tám (Q.Gò Vấp) để dạy thêm.

Chị Tám nói: “Thanh dạy cho con tôi đã bốn năm. Thanh nói nhờ dạy hai cháu mà Thanh có tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống. Nhà tôi cũng không giàu có gì, nhiều lúc tính nói Thanh thôi không qua dạy nữa nhưng không đành lòng. Có tháng tôi chưa có tiền trả, tôi thấy Thanh cũng không nhắc đến”.

Chuyện chậm đóng học phí đối với Thanh như một sự ám ảnh. Trong thư đề nghị được nhận học bổng Tiếp sức đến trường, Thanh viết: “Có những lúc tôi rất sợ đến trường. Sợ vì mình chưa có tiền đóng học phí. Sợ vì mình mà các bạn khác phải nghe cô nhắc nhở. Nỗi sợ đó khiến tôi không thể nào tập trung học được”.

Bà Tồn kể từ năm lớp 9 Thanh đã làm đủ mọi công việc để phụ mẹ. “Mọi năm vào tháng 7 âm lịch người ta hay cho nhà tôi 10kg gạo. Thanh hay nói mẹ ráng đi, con cố học giỏi mai mốt làm kiếm tiền lo cho mẹ. Nhà mình không phải đợi người ta cho gạo nữa” – bà Tồn nói.

… Đến pháp lý

Có một điều mà mỗi lần nhắc đến, nước mắt Thanh lại chực trào tuôn: không làm CMND được. Mẹ Thanh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 2003, mẹ nuôi của bà qua đời cũng là lúc bà đi làm tứ xứ. Ít chữ, bà Tồn không ý thức được mức độ quan trọng của giấy tờ tuỳ thân.

Khi gặp chuyện, bà cứ “xài đỡ” giấy báo mất CMND rồi nói sẽ làm lại sau, nhưng thực tế cả bà lẫn Thanh đều không thể làm CMND vì không có hộ khẩu. Vẫn đóng tiền hằng tháng nhưng ra vào nhà trọ mẹ con Thanh cứ lén lén lút lút vì chưa đăng ký tạm trú.

“Tôi biết làm vậy là không đúng nhưng thương con Thanh hiền lành, chăm chỉ lại ham học, tôi không nỡ kêu mẹ con nó dọn đi chỗ khác” – bà N.T.H., chủ nhà trọ, nói.

“Mười mấy năm qua, ba mẹ con sống chui sống nhủi vì không có tờ giấy lận lưng. Đời tôi coi như đã bỏ đi rồi, chỉ tội con Thanh. Âu cũng tại sự hời hợt của tôi mà làm khổ đời con” – bà Tồn ân hận nói.

Khi được hỏi gia đình nội đâu, Thanh chỉ cúi đầu lí nhí: “Ba tôi mất hồi tôi học lớp 10. Nhà nội tôi cũng nghèo, bà nội cũng ở nhà trọ như mẹ con tôi thôi…”.

Vì không có CMND nên trước ngày thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015, ban giám hiệu Trường THPT Trần Hưng Đạo phải cấp cho Thanh một mã số riêng để đi thi. Kết thúc kỳ thi, Thanh nói với mẹ trong hai tháng đợi kết quả sẽ tranh thủ đi làm kiếm tiền đóng học phí đại học. Nhưng dù là chạy bàn Thanh cũng không xin được chỉ vì không có giấy tờ tuỳ thân.

“Giờ tôi đậu đại học nhưng tương lai vô định lắm. Hôm nhận giấy báo trúng tuyển, tôi như chết lặng vì tiền đóng học phí không có, CMND để hoàn tất thủ tục nhập học cũng không. Nhà trường gia hạn để tôi bổ túc hồ sơ nhưng trường đâu biết hoàn cảnh của tôi không làm CMND được. Mai này học xong không biết có ai dám nhận tôi vào làm không” – nói đoạn, Thanh lại rơi nước mắt.

Cô Nguyễn Thị Khanh – giáo viên chủ nhiệm lớp 12 của Thanh – kể nhiều tháng cô đã đóng tiền cho học trò của mình vì hơn ai hết cô rất hiểu hoàn cảnh của Thanh. “Tôi sợ Thanh mặc cảm với bạn bè sẽ ngại đến lớp, không chú tâm học trong năm cuối. Với tôi, Thanh là một người có nghị lực và ý chí nhất lớp”.

Chị Nguyễn Thị Tám (Q.Gò Vấp) – mẹ của hai học trò Thanh đang dạy thêm – chia sẻ: “Biết hoàn cảnh của Thanh, rất nhiều lần tôi thuyết phục anh chị trong nhà bảo lãnh Thanh để làm CMND cho Thanh nhưng không được.

Căn nhà tôi đang ở là tài sản ba tôi để lại cho các anh chị tôi, nên một mình tôi không thể tự quyết định. Mong con bé sớm được làm CMND, trước là được làm người nước mình, sau là có giấy tờ để còn đi làm thêm kiếm tiền học đại học”.

 

TRẦN KIM ANH