Hành trang nhập học chỉ 700.000 đồng
Hành trang lên đường nhập học của cô tân sinh viên Lâm Thị Thu Hương vừa trúng tuyển vào Đại học Nông lâm TP.HCM chỉ vỏn vẹn có 700.000 đồng.
Hành trang nhập học chỉ 700.000 đồng
Hành trang lên đường nhập học của cô tân sinh viên Lâm Thị Thu Hương vừa trúng tuyển vào Đại học Nông lâm TP.HCM chỉ vỏn vẹn có 700.000 đồng.
Lâm Thị Thu Hương đến thăm khoa môi trường và tài nguyên trong Trường ĐH Nông lâm TP.HCM – Ảnh: Ngọc Hiển |
Trong đó, 500.000 đồng là số tiền của mẹ, còn 200.000 đồng là tiền bà nội đưa làm lộ phí lên Sài Gòn.
Phập phồng lo học phí
Chúng tôi tìm gặp Hương tại một căn phòng trọ nhỏ có đến bốn người thuê nằm sâu trong con hẻm trên đường Kha Vạn Cân (P.Linh Chiểu, Q.Thủ Đức, TP.HCM). Phòng trọ này của hai cựu nữ sinh cấp III cùng trường với Hương, biết được hoàn cảnh nên rủ về ở cùng. Trước mắt, các chị cho Hương ăn ở nhờ chứ chưa tính đến tiền nong.
“Số tiền nhập học là hơn 3,6 triệu đồng nhưng tôi chỉ có trong tay 1/6 số tiền đó, cũng không dám “réo” mẹ vì biết mẹ đã xoay đủ đường rồi” – Hương tâm sự.
Cũng vì số học phí bước đầu đó mà từ hôm biết tin đậu đại học đến giờ Hương nửa mừng, nửa lo. Mừng vì mình đã đặt chân vào giảng đường mơ ước nhưng lo không biết sẽ bước tiếp chặng đường đại học sao đây khi gia cảnh quá nghèo khó.
Nhà Hương nằm ven sông Hậu, khuất sau mấy lớp nhà ở một xóm nhỏ thuộc thị trấn Chợ Vàm, huyện Phú Tân (An Giang). Đó là căn nhà cũ kỹ, do một người bà con để lại cho cha mẹ Hương, bên vách còn in dấu mực nước ngập vào những năm lũ lớn.
Mẹ làm nghề thợ may, cha quanh năm làm thuê làm mướn chẳng may lâm bệnh nặng mất cách đây năm năm.
Nghề may tại gia ở nông thôn mấy năm nay ế ẩm, thấy cảnh nhà thiếu trước hụt sau nên mẹ lên TP.HCM làm cho một cơ sở gia công hàng may mặc, mỗi năm thường đến dịp tết mới về. Ở nhà, hai chị em gái côi cút sớm hôm bảo bọc nhau.
“Hai đứa nó ngoan hiền ai cũng khen, rất chăm học, nhiều đêm ngủ tỉnh giấc nhìn sang thấy đèn vẫn sáng, Hương còn ngồi học bài” – ông Nguyễn Văn Thành, hàng xóm, kể.
Hương kể thấy gia đình khó khăn muốn học ở quê nhà cho đỡ tốn kém nên ban đầu dự tính đăng ký vào ĐH An Giang, sau khi suy đi tính lại và nhờ thầy cô tư vấn nên Hương đăng ký vào ngành môi trường ở ĐH Nông lâm TP.HCM.
“Với hoàn cảnh của mình cần phải đi làm thêm kiếm tiền trang trải việc học, nhiều người nói ở An Giang ít việc làm thêm, còn TP.HCM dễ kiếm việc làm bán thời gian hơn nên có thể vừa làm vừa học” – Hương giải thích.
Chiếc xe đạp cũ chở ước mơ
Lên Sài Gòn, hành trang ngoài chiếc túi vải đựng đôi ba bộ quần áo, Hương còn gửi theo xe đò chiếc xe đạp cũ. Đây là chiếc xe đạp mà cha Hương dành mua cho con gái năm Hương lên lớp 9 dù khi đó là xe đạp cũ.
Nửa năm sau cha mất, chiếc xe trở thành kỷ vật thể hiện tình cảm cha con mà Hương rất trân trọng. Năm lần bảy lượt xe hư cái này cái kia nhưng Hương vẫn sửa lại và quyết giữ bên mình.
“Trên chiếc xe này hằng ngày tôi đạp đi học, rồi ra chợ mua thức ăn, đến chiều lại đi học thêm, nó chở cả ước mơ vào giảng đường đại học của tôi mà cha hằng mong muốn” – Hương tâm sự.
Giờ vào đại học, Hương lại tiếp tục đi học, đi làm thêm trên chiếc xe đạp cũ này.
Nghe tin con trúng tuyển đại học, người mẹ về quê thăm nhà ba hôm rồi đi, bà đưa con mấy trăm ngàn đồng và nghẹn ngào bảo: “Con cứ vô trường nhập học cho kịp, mẹ lên thành phố chuyến này cố gắng làm thêm kiếm tiền, có gì vay mượn thêm để lo cho con”.
Lâu nay ông bà nội già yếu, làm mấy công ruộng chỉ tạm đắp đổi qua ngày vẫn chu cấp lo cơm nước hai đứa cháu, nay Hương đi học xa, ông bà đem đứa em về nhà nuôi nấng.
“Cháu cứ yên tâm đi học, nếu cần ông bà bán bớt vài công ruộng để lo cho hai cháu” – ông nội Hương động viên.
Thầy Nguyễn Văn Phú, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C5 (Trường THPT Nguyễn Chí Thanh), cho biết 12 năm học Hương luôn đạt học sinh giỏi, được bạn bè, thầy cô quý mến. Biết rõ hoàn cảnh của Hương, thầy Phú đã sớm liên lạc với hai cựu học sinh của trường đang học ở Sài Gòn để giúp đỡ Hương về chỗ trọ, kèm cặp Hương bước đầu đi làm thêm.
Nhìn cô học trò cũ của mình khăn gói lên đường nhập học, hành trang là chiếc balô cũ nhẹ tênh, trong tay vỏn vẹn 700.000 đồng, người thầy thở dài, ánh mắt xa xăm…
“Thầy yên tâm, lên trường nộp hồ sơ xong em xin đi làm ngay để lo chi phí việc học” – đôi mắt to tròn trên gương mặt sáng của Hương ngời lên vẻ tự tin.
Chiều 13-9, Hương cho biết mẹ vừa mang sang “ứng cứu” 10kg gạo và 4,3 triệu đồng. Ngay sau đó, Hương đã đóng tiền nhập học với số tiền gần 4 triệu đồng. Hiện tại Hương hùn số gạo để nấu ăn cùng các chị chung phòng trọ. “Mẹ nói số tiền đó là ứng trước của xưởng may và mượn của người ta rồi mẹ trả lần. Cầm tiền mẹ cho mà tôi rưng rưng nước mắt, vừa mừng vừa thương mẹ. Tôi đợi có lịch học chính khoá rồi sẽ bắt đầu đi làm thêm để lo cho mình, cho mẹ bớt khổ” – Hương khẳng định. |