11/01/2025

Tiếp sức đến trường: Suất học bổng khẩn cấp

Lần đầu tiên, những người làm học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ tại Quảng Trị đưa ra một quyết định: ứng trước một suất học bổng trao ngay cho một bạn tân sinh viên để kịp nhập trường.

 

Tiếp sức đến trường: Suất học bổng khẩn cấp

 

Lần đầu tiên, những người làm học bổng Tiếp sức đến trường của báo Tuổi Trẻ tại Quảng Trị đưa ra một quyết định: ứng trước một suất học bổng trao ngay cho một bạn tân sinh viên để kịp nhập trường.


 


Tú Ngân vẫn quanh quẩn giúp ông ngoại việc nhà - Ảnh: Quốc Nam
Tú Ngân vẫn quanh quẩn giúp ông ngoại việc nhà – Ảnh: Quốc Nam

Dù đã đến hạn vào trường làm thủ tục nhập học theo giấy báo nhập học của khoa du lịch thuộc Đại học Huế, nhưng Nguyễn Tú Ngân (ở thôn Xuân Dương, xã Triệu Trung, Triệu Phong, Quảng Trị) đành phải chấp nhận bỏ học ở nhà đi nhổ sắn thuê vì không thể mượn đủ tiền nhập trường.

Từ nhỏ không ba mẹ bảo bọc

“Học bổng Tiếp sức đến trường là tia hi vọng cuối cùng”. Lá thư Ngân gửi cho chương trình học bổng bắt đầu bằng câu đó. Ngân không có cha.

Mẹ kể rằng cha mất từ khi Ngân mới sinh ở Sài Gòn. Ông ngoại đón xe đò vào tận nơi đưa hai mẹ con về quê chăm sóc.

Được ba tháng, mẹ Ngân vào Tây nguyên đi làm thuê kiếm sống. Rồi vài năm sau, người mẹ trẻ đi bước nữa. Một tay ông bà ngoại với mấy sào ruộng nuôi lớn Ngân từ khi còn đỏ hỏn đến giờ.

Ông Nguyễn Văn Trung (78 tuổi, ông ngoại Ngân) kể hai ông bà chỉ định nuôi cho Ngân học hết cấp II. Nhưng Ngân ham học quá, ông bà không nỡ bắt Ngân bỏ học.

Vậy là hai ông bà tiếp tục vá víu để cho cháu đi học lên cấp III. Lúc đó hai ông bà đều đã ngoài 70 tuổi. “Bởi thương nó đã quá thiệt thòi, từ nhỏ lớn lên đã không được cha mẹ bao bọc” – ông Trung nói.

Nhưng rồi ba năm trước, ông Trung bỗng nhiên mờ mắt. Đi mổ về nhưng cả hai mắt của ông cũng chỉ nhìn được 20 – 30%. Ông không thể làm ruộng được nữa.

Đi vay khắp xóm

Năm đó, Ngân vừa thi xong đại học, điểm đủ đậu vào Trường CĐ Công nghiệp Huế. Nhưng Ngân không thể đi học. Không ai có thể nuôi Ngân.

Ở nhà, làng trên xóm dưới ai có việc gì thuê Ngân đều làm từ phụ hồ, nhổ sắn đến giữ xe, rồi bưng bê tại quán cà phê.

Ngân còn theo mấy người quen qua tận Lào làm nghề rửa xe. Tiền kiếm được vừa phụ giúp ông bà vừa dành cuối năm đi ôn để thi lại. Ngân chọn thi vào trường quân đội để đi học khỏi tốn tiền nhưng không đậu. Dù điểm đủ để nộp nguyện vọng 2 qua một trường khác nhưng Ngân không thể.

Năm nay, Ngân đậu khoa du lịch thuộc Đại học Huế. Ngân nói qua điện thoại với chương trình Tiếp sức đến trường: “Ngày 11-9 là hạn chót nhập học, đã đi vay khắp xóm vẫn không đủ tiền học phí”…

Theo kế hoạch, lịch trao học bổng Tiếp sức đến trường cho tân sinh viên Quảng Trị sẽ được thực hiện vào tối 18-9. Không khí tại nhà Ngân thật buồn.

Ông Trung kể về việc cháu đi học mà cứ ứa nước mắt. Ngân thì đang chuẩn bị cơm trưa, thi thoảng vào cầm tờ giấy báo nhập học đọc tới đọc lui rồi lặng lẽ cất vào hộc tủ.

Bà Nguyễn Thị Đào (73 tuổi, nhà ngay sát nhà Ngân) nói: “Mấy hôm nay thấy Ngân chạy quanh xóm mà thương. Nghe nó nói số tiền trong giấy báo nhập học lên đến hơn 4 triệu đồng nộp cho trường đầu năm. Rồi còn tiền ăn tiền ở nữa”.

“May cho nó quá”

Những người làm học bổng “Tiếp sức đến trường” tại Quảng Trị quyết định ứng trước một suất học bổng cho Ngân.

Cầm số tiền học bổng 7 triệu đồng, Ngân như vỡ oà. Ngân nói số tiền lúc này là cả một niềm mơ ước rồi luống cuống chạy đi lấy chiếc balô cũ, gói mấy bộ áo quần để sáng sớm mai đi nhập học cho kịp.

“Có tiền để lo nộp những khoản trước mắt đã. Sau đó vô trường rồi mình sẽ tính tiếp chuyện đi làm thêm kiếm tiền sinh hoạt hằng tháng” – Ngân nói.

Ông ngoại Ngân khóc: “May cho nó quá. Tui đã tưởng nó dừng học thêm lần nữa. Không ngờ có được sự trợ giúp kịp thời như ri”.

 

QUỐC NAM