Thuyền phục vụ du khách trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè… – Ảnh: Diệp Đức Minh
|
Đây là lần thứ hai Achim Fock, một người nước ngoài làm việc ở Hà Nội, đến TP.HCM công tác, nhưng là lần đầu tiên ông được dạo phố dưới lòng kênh. Ông cùng các đối tác địa phương thực hiện một chuyến thưởng ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vào buổi sáng.
Không có mùi hôi
|
|
Hành trình qua 9 cây cầu
Khách có thể mua vé trực tiếp tại nhà ga cầu Thị Nghè hoặc mua vé tại các văn phòng tour, lễ tân khách sạn, công ty du lịch… ở TP.HCM. Giá vé 220.000 đồng/khách. Chuyến sớm nhất khởi hành vào 8 giờ sáng và trễ nhất vào 9 giờ tối. Tất cả các thuyền đều bằng gỗ, được đóng ở tỉnh Hậu Giang. Hành trình qua 9 cây cầu gồm: bắt đầu từ cầu Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ, qua cầu Bùi Hữu Nghĩa, cầu Bông, cầu Hoàng Hoa Thám, cầu Trần Khánh Dư, cầu Kiệu, cầu Công Lý và cầu Lê Văn Sỹ.
|
|
|
Chuyến đi tham quan thuần túy, không vì công việc. Bước lên bờ kênh sau khoảng 1 giờ ngắm cảnh bằng thuyền chèo, Achim Fock nhận xét: “Trải nghiệm tuyệt vời, tôi rất thích. Tôi thấy phong cảnh hai bên đẹp, nước kênh khá sạch, có người vẫn tiếp tục thu dọn rác thường xuyên trên kênh, hai bên bờ thông thoáng, rộng mở”. Ông hẹn là lần sau quay trở lại TP.HCM sẽ đem gia đình đi cùng để tham quan thành phố và chèo thuyền trên dòng kênh này. “Ở TP.HCM mà có chương trình chèo thuyền như vầy là rất hấp dẫn. Tôi sẽ giới thiệu đến bạn bè khắp nơi của tôi”, Achim Fock bày tỏ.
Chúng tôi mua vé xuống thuyền tham quan dòng kênh vào giữa buổi sáng, khi mặt trời đã chiếu cái nắng gay gắt. Tuy nhiên, trái ngược với suy nghĩ ban đầu, dưới dòng kênh lồng lộng gió và không hề có mùi hôi thối. Theo giải thích của hướng dẫn viên Hoàng Thị Huệ, do gần sông Sài Gòn nên nước kênh sạch hơn rất nhiều so với đoạn kênh sâu trong nội thành. Tuy nhiên, quan trọng nhất khu vực kênh này được đầu tư hệ thống thu gom nước thải trong chương trình hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), nên nước kênh khá sạch. Trong lúc thuyền di chuyển, nhiều đàn cá rô phi, cá điêu hồng lượn lờ trên mặt nước tìm mồi. Trái ngược với trên bờ, khi các con đường tấp nập xe cộ, dưới lòng kênh yên vắng và tĩnh lặng.
“Thời điểm đẹp nhất để ngắm dòng kênh là lúc hoàng hôn và bình minh, khi mặt nước sóng sánh ánh sáng mặt trời. Mỗi ngày, có hai lần thủy triều lên xuống, nhưng lúc nước xuống thấp nhất, dòng kênh vẫn không có mùi khó chịu như nhiều người nghi ngờ”, Huệ giải thích thêm.
Cùng tham gia du ngoạn, anh Trường, một du khách địa phương, vừa cài nút chiếc phao cứu sinh vào người, vừa cho biết không khỏi bất ngờ khi TP.HCM có một sản phẩm du lịch độc đáo như vậy. Thuyền của các cô gái chơi đàn chèo song song với thuyền chở nhóm khách của anh Trường ở đoạn gần cầu Điện Biên Phủ. Đây là khu vực giữa hành trình, khi du khách cần có một không gian giải trí khác, cùng với ngắm cảnh xung quanh.
… và thuyền chở các nghệ sĩ chơi đàn phục vụ du khách trên kênh – Ảnh: N.Trần Tâm
Câu chuyện từ dòng kênh
Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty thuyền Sài Gòn – đơn vị đầu tư và khai thác thuyền chèo trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kể: Ngày xưa, bà ngoại của ông sáng sớm mang trầu từ Hóc Môn – Bà Điểm xuống Sài Gòn bán thường ngồi rửa trầu ở bến kênh chỗ cầu Thị Nghè bây giờ. Lúc xây dựng bến thuyền, nhiều người lớn tuổi ở xung quanh cầu Thị Nghè hồi tưởng thuở trước mỗi chiều ra đây bơi từ bờ bên này qua bên kia… Bản thân dòng kênh là một câu chuyện đầy sức cuốn hút.
“Từ bến cầu Thị Nghè đến cầu Lê Văn Sỹ, khoảng cách 4,5 km với thời gian di chuyển cả đi và về 1 giờ 30 phút, du khách sẽ thấy cả thảy 9 cây cầu và thuyền băng qua 7 cây. Mỗi cây cầu đều có một câu chuyện lịch sử, chưa kể nhiều di tích gắn với quá trình hình thành và phát triển của TP.HCM nằm ở hai bên bờ kênh… Tất cả đều khiến du khách thích thú”, ông Anh nói.
Năm 1994, UBND TP.HCM bắt đầu cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Để thực hiện dự án lớn này, ở lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè, hàng ngàn căn hộ ven kênh đã bị giải toả. Tuyến đường Hoàng Sa – Trường Sa chạy dọc hai bên bờ kênh với những hàng cây xanh phủ bóng được xây dựng. Nước kênh sạch hơn… Đó là cơ sở để ông Anh đầu tư vào tour du lịch thuyền chèo trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, thay vì tour đường sông và các tuyến kênh nội đô như Tàu Hủ, Bến Nghé và sông Sài Gòn, như chủ trương của ngành du lịch. “Tour tham quan trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chính là một góc nhìn khác của thành phố, rất lãng mạn. Vì thế, tôi đã quyết định đầu tư”, ông Anh cho biết.
Tuy nhiên, theo ông Anh, hiện tour này vẫn chưa hoàn chỉnh vì còn thiếu những chi tiết không thuộc khả năng của công ty, đó là nhà vệ sinh ngay bến thuyền cầu Thị Nghè quá nhỏ. Nhiều du khách nước ngoài người to không thể vào lọt. “Tôi mong muốn được chấp thuận cho xây dựng một nhà vệ sinh rộng rãi hơn. Ngoài ra, khách đi thuyền vào ban đêm không thuận tiện lắm, do bờ kênh vẫn chưa lắp đặt đèn, tối om om”, ông Anh đề xuất. Theo ông Anh, hiện nay công ty có 10 chiếc thuyền nhỏ và 2 thuyền lớn có thể chở tối đa 20 người. Vào tháng 10 tới, công ty tiếp tục đưa 10 thuyền nữa vào vận hành. Khi đó, khách có thể lên thuyền ở cả hai đầu, bến cầu Thị Nghè và bến cầu Lê Văn Sỹ.
Nhiều lợi ích
Ông Tào Văn Nghệ, Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn TP.HCM, nhận xét việc đầu tư 10 tỉ đồng để làm tour này là đóng góp tích cực cho du lịch thành phố. “Cộng đồng dân cư sẽ hưởng lợi nếu dòng kênh ngày càng hấp dẫn hơn. Trước đây, họ có thể xả rác xuống kênh nhưng vì nhờ du lịch mà người dân ý thức, nhìn nhận lại mình, rằng vứt rác xuống sông là không chấp nhận được. TP.HCM cũng cần nghiên cứu mở nhiều tuyến tour trên kênh hơn nữa”, ông Nghệ phát biểu.
Đồng tình quan điểm này, ông Lê Tuấn Linh, Giám đốc Công ty du lịch Phượng Hoàng, cho biết: “Chúng tôi đã cho nhân viên đi khảo sát tuyến tour kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Sản phẩm này khá mới, ban đầu tôi nghĩ không có gì hấp dẫn, nhưng sau đấy thì có cái nhìn khác. Tuy nhiên, chúng tôi cần thời gian để kiểm chứng và thuyết phục đối tác đưa hành trình vào tour bán cho du khách”.