10/01/2025

Nhiều trường không xét tuyển được: Bộ GD-ĐT không bất ngờ !

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT, Bộ không quá bất ngờ trước việc nhiều trường vẫn còn phải tiếp tục xét tuyển các đợt tiếp theo để đủ chỉ tiêu khi mà việc lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố xã hội.

 

Nhiều trường không xét tuyển được: Bộ GD-ĐT không bất ngờ !

 

 

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD-ĐT, Bộ không quá bất ngờ trước việc nhiều trường vẫn còn phải tiếp tục xét tuyển các đợt tiếp theo để đủ chỉ tiêu khi mà việc lựa chọn nghề nghiệp của thí sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố xã hội.



Bà Phụng cho biết hiện Bộ chưa nắm được chính xác số lượng chỉ tiêu mà các trường sẽ tuyển trong đợt 2 này, bởi vì không thể tính số chỉ tiêu xét tuyển đợt 2 bằng cách lấy tổng số chỉ tiêu do các trường xác định trừ đi số đã trúng tuyển đợt 1. Theo tổng hợp của Bộ từ 170 trường có báo cáo với Bộ về nhu cầu tuyển sinh đợt 2 thì tổng số chỉ tiêu dành cho đợt này là 131.000. Đến nay, các trường nhận được hơn 99.000 lượt hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trong số này còn có cả hồ sơ ảo, chúng tôi ước tính hệ số ảo khoảng 1,5.
“Nhiều trường vẫn còn phải tiếp tục xét tuyển các đợt tiếp theo để đủ chỉ tiêu thì chúng tôi cũng không thấy quá bất ngờ. Những năm trước đây, vẫn có những trường phải tuyển nguyện vọng 2, 3. Thậm chí xong 3 đợt tuyển sinh rồi mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Năm 2014, các trường ĐH ngoài công lập chỉ tuyển được gần 84% chỉ tiêu, các trường CĐ chỉ tuyển được gần 60%. Vấn đề không phải ở chỗ kéo dài thời gian tuyển sinh là giải quyết được. Có kéo dài đến đâu nhưng thí sinh (TS) không có nguyện vọng học CĐ thì các em vẫn không đăng ký”, bà Phụng nói.
Uy tín, chất lượng đặt lên hàng đầu
Khi công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng, lãnh đạo Bộ cho biết nguồn tuyển rất dồi dào. Nhưng thực tế trong xét tuyển đợt 2, nhiều trường (kể cả trường công lập) vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu TS. Bà giải thích như thế nào về điều này?
Theo thống kê của Bộ, số TS được từ 15 điểm/3 môn trở lên là hơn 530.000, từ 12 điểm trở lên hơn 620.000. Trong khi đó chỉ tiêu của các trường ĐH dùng kết quả THPT quốc gia là 350.000, trường CĐ dùng kết quả này là 150.000. Cứ cho là chúng ta lấy được đủ 350.000 chỉ tiêu ĐH thì số dư ra để tuyển CĐ là gần gấp đôi.
Vậy TS đã đi đâu? Thực tế trên cho thấy dù nhiều em đủ điểm xét tuyển ĐH, CĐ nhưng các em vẫn không đăng ký, nghĩa là con đường vào đời của các em không chỉ duy nhất vào ĐH, CĐ.
Lãnh đạo Bộ từng cho rằng cách tuyển sinh như năm nay góp phần phân tầng ĐH từ góc độ xã hội. Trên thực tế thì các trường khối kỹ thuật và nông lâm tuyển sinh khó khăn nhiều hơn so với mọi năm?
Nếu tính trong phạm vi hẹp thì thấy sự phân tầng rất rõ. Ví dụ trong khối y dược, kinh tế… trường nào cao, trường nào thấp thấy rất rõ. Theo cơ sở dữ liệu mà chúng tôi có thì đúng là nhóm nông lâm ngư và nhóm công nghệ tuyển khó. Nhưng trong nhóm đó có những trường tuyển tốt. Ví dụ Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM tuyển được 97,85% chỉ tiêu. Trường ĐH Cần Thơ, một trường có thế mạnh đào tạo nông nghiệp, hiện cũng đã gọi đến 105%. Hoặc Trường ĐH Nha Trang, vốn là một trường có thế mạnh đào tạo ngành thuỷ hải sản cũng đã gọi tới 101% chỉ tiêu.
Nhưng về tổng thể thì xã hội (TS và phụ huynh) lựa chọn trường, ngành học thường có nhiều căn cứ: sở trường, sở thích nghề nghiệp, quan niệm xã hội về tính hấp dẫn của nghề nghiệp, uy tín của trường về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm sau đào tạo và có thể cả vị trí của trường… Như vậy, nếu xét trong phạm vi một ngành có nhiều trường đào tạo thì vấn đề uy tín, chất lượng sẽ được đặt lên hàng đầu. Về quan niệm xã hội còn có sự khác nhau giữa các vùng miền nên khối ngành nông lâm thuỷ sản ở miền Nam tuyển được tỷ lệ cao hơn so với miền Bắc.
Nhiều trường ĐH vẫn sẽ tiếp tục xét tuyển đợt kế tiếp từ ngày 11 đến 21.9 do chưa đủ chỉ tiêu - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Nhiều trường ĐH vẫn sẽ tiếp tục xét tuyển đợt kế tiếp từ ngày 11 đến 21.9 do chưa đủ chỉ tiêu – Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Vẫn tồn tại quan niệm về khoa cử, bằng cấp
CĐ mọi năm tuyển được 60%, năm nay theo các trường, còn khó khăn hơn nữa. Bà suy nghĩ gì về điều này?
Hết đợt 1, CĐ tuyển được xấp xỉ 50%. Có 150.000 chỉ tiêu, số đã trúng tuyển là 74.735 người. Đợt 1, đã tuyển được 50% thì tình trạng cũng tương tự như năm trước. Tất nhiên, đây chỉ là kết quả bước đầu qua đợt 1, chúng tôi chưa có kết quả tổng thể và kết quả tuyển sinh ở các trường xét tuyển, không lấy từ kết quả thi THPT quốc gia.
Nhưng mức 60% vẫn là một điều đáng lo lắng?
Điều đó không chỉ đến năm nay Bộ và các trường mới lo lắng và lo lắng cũng không thể đặt ra vấn đề giúp các trường trong tuyển sinh. Bộ và Chính phủ đã giúp các trường trong việc tăng cường đào tạo giảng viên theo các dự án của nhà nước để nâng cao chất lượng đào tạo; bản thân các trường phải chú trọng đầu tư cho chất lượng đào tạo và các trường tốt cần quảng bá hình ảnh, “sản phẩm đầu ra” của mình… Và vấn đề còn phải xem xét từ nhiều phía: Vẫn còn tồn tại quan niệm xã hội về khoa cử, bằng cấp; các nhà tuyển dụng có nhiều vị trí việc làm dành cho người có bằng CĐ hay không…
Nhiều trường CĐ tiếp tục xét tuyển đợt 3 đến hơn 50% chỉ tiêu

Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đến ngày 10.9, có rất ít trường CĐ tuyển đủ chỉ tiêu ngay sau đợt 1: Kinh tế đối ngoại, Kinh tế TP.HCM, Kỹ thuật Cao Thắng. Những trường tiếp tục tuyển nguyện vọng bổ sung đợt 3: Công thương TP.HCM (500 chỉ tiêu, gần 10% tổng chỉ tiêu), Tài chính – Hải quan (khoảng 300, 10%), Kinh tế kỹ thuật Vinatex (1.160, gần 50%), Bách Việt (1.005, khoảng 40%), Kinh tế công nghệ TP.HCM (1.500, 60%)…
Mỹ Quyên

Quý Hiên 
(thực hiện)