29/11/2024

Nga – phương Tây khẩu chiến về Syria

Mỹ và các đồng minh phương Tây đang có những phản ứng mạnh sau khi truyền thông đưa tin Nga triển khai thêm lực lượng quân sự đến Syria.

 

Nga – phương Tây khẩu chiến về Syria

 

Mỹ và các đồng minh phương Tây đang có những phản ứng mạnh sau khi truyền thông đưa tin Nga triển khai thêm lực lượng quân sự đến Syria.




Biểu tình ngày 9-9 ở Valencia (Tây Ban Nha) ủng hộ người di cư vào châu Âu và kêu gọi chống chiến tranh ở Syria - Ảnh: Reuters
Biểu tình ngày 9-9 ở Valencia (Tây Ban Nha) ủng hộ người di cư vào châu Âu và kêu gọi chống chiến tranh ở Syria – Ảnh: Reuters

Hãng tin Reuters dẫn ba nguồn tin chính trị giấu tên từ Libăng cho biết các lực lượng quân đội Nga đã bắt đầu tham gia hoạt động quân sự ở Syria, với mục đích hỗ trợ quân của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Giới chuyên gia cho rằng vai trò quân sự của người Nga ngày càng rõ ràng trong cuộc nội chiến Syria và đây là vấn đề mà Washington đang rất quan ngại.

Mỹ – phương Tây 
cùng chỉ trích

Ngày 9-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov rằng các hoạt động quân sự của Nga ở Syria có thể sẽ thổi bùng thêm làn sóng bạo lực, và không hữu ích đối với tất cả các bên “đang nỗ lực chấm dứt xung đột ở Syria”.

Cùng ngày, Nhà Trắng tuyên bố đang theo dõi sát tình hình này.

“Chúng tôi sẽ hoan nghênh những đóng góp mang tính xây dựng của Nga trong nỗ lực chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Nhưng chúng tôi phải nhấn mạnh rằng sẽ rất quá đáng cho bất kỳ bên nào, kể cả Nga, nếu hỗ trợ cho chế độ của Bashar al-Assad” – người phát ngôn của Nhà Trắng Eric Schultz nói.

Một số quan chức giấu tên của Mỹ cho biết Nga triển khai hai tàu đổ bộ, máy bay vận tải hàng hoá và một số chuyên gia thuộc các lực lượng hải quân và bộ binh đến Syria. Tuy nhiên họ vẫn chưa rõ mục đích của Nga là gì.

Một trong các nguồn tin trên lý giải có thể đây là động thái nhằm chuẩn bị cho việc thành lập hai căn cứ không quân, một nằm gần thành phố cảng Latakia, vốn là cứ địa của Tổng thống al-Assad, và một nằm sâu trong đất liền.

Các nguồn tin này không loại trừ khả năng Matxcơva muốn dùng các căn cứ này cho các chiến dịch trên không và để giữ vững cho căn cứ hải quân duy nhất của nước này nằm ở Tartous, trên bờ duyên hải của Syria.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh những thông tin này đang gây ra quan ngại trong cộng đồng quốc tế.

Còn Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius cho rằng giải pháp hoà bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria sẽ càng thêm phức tạp nếu Nga tăng cường quân sự ở Syria. Giải pháp này sẽ được đưa ra thảo luận ở kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng 9.

Nga thừa nhận

Trước những thông tin do truyền thông phương Tây đưa ra, Hãng tin TASS của Nga ngay sau đó dẫn tuyên bố của Điện Kremlin rằng sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào liên quan đến vụ việc vì Bộ Ngoại giao Nga đã cung cấp đầy đủ thông tin.

Trước đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova xác nhận Nga đã đưa các chuyên gia quân sự sang Syria nhưng chỉ nhằm hỗ trợ người Syria sử dụng trang thiết bị quốc phòng do Nga sản xuất.

Damascus cũng bác bỏ thông tin các chuyên gia quân sự Nga liên quan đến hoạt động chiến đấu ở Syria. Nhưng một quan chức giấu tên của Syria xác nhận số lượng chuyên gia quân sự Nga có mặt ở nước này đang tăng lên.

Bà Zakharova cáo buộc phương Tây đang tạo ra “sự kích động kỳ quái” về các hoạt động của Nga ở Syria. Bà khẳng định Matxcơva từ lâu đã cung cấp vũ khí và gửi các chuyên gia quân sự đến Syria một cách công khai.

“Matxcơva không có bất kỳ bí mật nào trong việc hợp tác với Damascus ở lĩnh vực kỹ thuật quốc phòng. Nga tuân thủ nghiêm ngặt các thoả thuận cắt giảm vũ khí và luật pháp quốc tế khi cung cấp khí tài và kỹ thuật quân sự cho Syria” – bà Zakharova nhấn mạnh.

Tổng thống Vladimir Putin và các quan chức khác của Nga cũng không loại trừ Nga sẽ có vai trò lớn hơn ở Syria khi gần đây nhiều lần nhấn mạnh với báo giới rằng Điện Kremlin đang xem xét những lựa chọn khác nhau về khả năng này.

Giới chức Mỹ gần đây tỏ ra nghi ngờ Nga đang củng cố viện trợ cho chính quyền Tổng thống Assad. Washington gây áp lực lên các nước gần Syria như Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, không cho máy bay Nga bay vào không phận của họ. Động thái trên bị Matxcơva chỉ trích là “sự thô lỗ quốc tế”.

Tranh cãi về vấn đề này, Nga khăng khăng việc họ sử dụng các vùng không phận trên để đưa hàng cứu trợ đến Syria. Song, Mỹ nghi ngờ phía Nga dùng các đường không vận này để tiếp tế quân sự cho chính quyền Damascus.

Iran mở không phận cho Nga?

Ngày 9-9, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Iran đã đồng ý mở không phận cho máy bay Nga bay sang Syria. Hãng tin TASS dẫn lời người phát ngôn Đại sứ quán Nga ở Tehran, ông Maxim Suslov, khẳng định cơ quan này đã nhận được giấy phép của Iran.

Quyết định được đưa ra sau khi Bulgaria từ chối yêu cầu từ Nga cho máy bay của họ bay qua không phận nước này trong tháng 9-2015. Nga cũng không muốn bay qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia từng không cho phép một chuyến bay của Nga chở linh kiện rađa bay đến Syria hồi năm 2012.

Tuy nhiên, Chính phủ Iran chưa đưa ra bình luận gì về thông tin mở không phận.

MỸ LOAN , [email protected]