29/11/2024

Bệnh tay chân miệng lại vào mùa!

Tuy chưa vào thời điểm của đỉnh dịch nhưng tại TP.HCM số trẻ mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng mạnh. Các bác sĩ dự báo nếu không có biện pháp phòng chống quyết liệt, số ca mắc bệnh sẽ tăng rất cao.

 Bệnh tay chân miệng lại vào mùa!

 

Tuy chưa vào thời điểm của đỉnh dịch nhưng tại TP.HCM số trẻ mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng mạnh. Các bác sĩ dự báo nếu không có biện pháp phòng chống quyết liệt, số ca mắc bệnh sẽ tăng rất cao.



 

Bệnh nhi bị tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 sáng 10-9 - Ảnh: L.TH.H.
Bệnh nhi bị tay chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 sáng 10-9 – Ảnh: L.TH.H.

Tại hai bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 TP.HCM, ngày 10-9 có hàng trăm bệnh nhi bị bệnh tay chân miệng đang nằm viện, trong đó có những bé trở nặng, nguy hiểm cho sức khỏe.

Hàng trăm trẻ nhập viện mỗi tuần

Sáng 10-9, tại phòng hồi sức khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, bé N.N.K.H. (15 tháng, Q.11, TP.HCM) nằm thiêm thiếp trên giường sau ba ngày nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng giai đoạn 3.

Khi nhập viện bé bị sốt cao, ói nhiều, mệt lả. Dù được điều trị tích cực nhưng bé vẫn đang bị cao huyết áp do bệnh tay chân miệng, bị giật mình, chới với và đang được điều trị bằng thuốc đặc trị đắt tiền.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 sáng 10-9 có 56 bệnh nhi nằm tại khoa nhiễm, đa số bệnh nhi ở TP.HCM. Trong khi những tháng trước đó chỉ có 20-30 ca nằm viện/ngày. Do số bệnh nhi nằm viện nhiều nên một số bé phải nằm hành lang hoặc nằm ghép hai bé một giường.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1, cách đây hai tuần số bệnh nhi nằm viện nhiều nhất chỉ 30-40 ca, nhưng từ tuần cuối tháng 8 đến nay số ca bệnh tăng rất cao. Những ngày đầu tuần lên đến hơn 80 bệnh nhi nằm viện/ngày.

Trong khi đó bác sĩ Phạm Ngọc Thạch – phó phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi Đồng 2 – cho biết số bệnh nhi nhập viện vì tay chân miệng từ đầu năm đến ngày 9-9 tại bệnh viện là 1.237 ca. Hơn một tháng nay số trẻ mắc tay chân miệng nhập viện bắt đầu tăng nhiều.

Cụ thể, tháng 7-2015 chỉ có 126 ca nhưng tháng 8-2015 là 242 ca và chỉ trong 9 ngày đầu tháng 9-2015 số trẻ nhập viện vì bệnh này đã lên đến 131 em.

Bệnh vào mùa

Bác sĩ Khanh nhận định số ca tay chân miệng tăng nhiều là do tới mùa của bệnh này và trẻ bắt đầu tập trung đi học, thời tiết thuận lợi cho virút gây bệnh phát triển. Đỉnh điểm của bệnh là tháng 10, 11 nên dự báo thời gian tới số trẻ mắc bệnh này nhập viện còn tăng cao.

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, càng nhỏ càng dễ bệnh nặng. Khi khởi phát bệnh trẻ thường sốt nhẹ 1-2 ngày, sau đó hết sốt nhưng bắt đầu đau miệng, nổi bóng nước trong miệng, trong lòng bàn tay bàn chân. Có bé biểu hiện bằng bỏ ăn, chảy nước miếng. Khi người nhà mở miệng bé thấy có bóng nước.

Tuy nhiên có bé không lở miệng, chỉ nổi bóng nước tay chân. Có trẻ chỉ lở miệng, sốt nhẹ hoặc nổi bóng nước ở tay chân. Nếu bỏ sót, đến ngày thứ 3-4 từ khi mắc bệnh, bệnh có thể sang giai đoạn 3-4 và trở nặng rất nhanh.

Trường hợp trẻ bệnh tay chân miệng, cha mẹ cần lưu ý và theo dõi sát dấu hiệu trở nặng của bệnh. Đó là trẻ sốt kéo dài trên hai ngày, sốt cao khó hạ, nôn ói nhiều. Khi bắt đầu ngủ nếu bé giật mình, chới với thì chắc chắn có biến chứng.

Nếu trong vòng 30 phút trẻ giật mình hai lần là phải đưa đi bệnh viện ngay.

Ngoài ra, có một số em bé khi bị nặng sẽ có biểu hiện run tay chân, đi đứng không vững, loạng choạng, thở khó, không thở được, da nổi bông vân, tay chân lạnh. Do bệnh diễn biến rất nhanh, nếu không đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Phòng bệnh thường xuyên

Bệnh tay chân miệng lây theo đường tiêu hoá, như tay em bé dơ, vật dụng hoặc đồ chơi dơ, có dính virút tay chân miệng và cầm nắm thức ăn, hoặc đồ chơi vào miệng thì virút sẽ theo đường miệng vào cơ thể.

Khi trẻ bệnh, virút ở trẻ sẽ phát tán ra ngoài môi trường theo đường phân, nước miếng, bóng nước ở chân tay. Đặc biệt người lớn bị tay chân miệng mà không biểu hiện, họ vẫn phát tán virút đó.

Bác sĩ Khanh khuyên do bệnh lưu hành quanh năm nhưng có hai thời điểm dịch tăng mạnh là tháng 3-4-5 và tháng 9-10-11, nên việc phòng bệnh phải thường xuyên. Nếu trẻ bị bệnh phải nghỉ học ít nhất mười ngày, báo với nhà trường để trường vệ sinh khu vực bé đó học, tránh lây bệnh cho bé khác.

Cách phòng ngừa quan trọng nhất là cha mẹ, thầy cô giáo cần chú ý rửa tay, đồ chơi, đồ dùng… của trẻ dưới vòi nước với xà phòng, hoặc dùng thuốc khử trùng chloramin để ngâm rửa đồ chơi, lau chùi sàn nhà cho sạch virút gây bệnh.

TP.HCM có 4.559 ca tay chân miệng nhập viện

Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết từ đầu năm đến ngày 4-9, toàn TP có 4.559 ca tay chân miệng nhập viện, trung bình khoảng 100-150 ca nhập viện mỗi tuần. Tuy nhiên, vào tuần thứ 36 (từ ngày 28-8 đến 4-9) đã có 191 ca tay chân miệng nhập viện.

Số ca bệnh nhập viện của tuần 36 tăng 32% so với số ca bệnh trung bình của bốn tuần gần nhất (từ tuần 33 đến tuần 36).


LÊ THANH HÀ, [email protected]