10/01/2025

“Đột nhập” nhà hàng… voọc

Voọc là một loài linh trưởng quý hiếm, và nó cũng không thoát khỏi bàn tay con người. Chúng tôi tận mắt bắt gặp một vụ xẻ thịt voọc chà vá chân nâu (voọc ngũ sắc) quý hiếm…

 

“Đột nhập” nhà hàng… voọc

 

Voọc là một loài linh trưởng quý hiếm, và nó cũng không thoát khỏi bàn tay con người. Chúng tôi tận mắt bắt gặp một vụ xẻ thịt voọc chà vá chân nâu (voọc ngũ sắc) quý hiếm…


 


Con voọc chà vá chân nâu 12kg bị bắn chết - Ảnh: Sa Trung Kim
Con voọc chà vá chân nâu 12kg bị bắn chết – Ảnh: Sa Trung Kim

Chúng tôi đang đi trên đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) thì một người cùng ngồi trên xe bán tải đề nghị dừng xe để ghé vào “nhà hàng voọc” tham quan.

Xẻ thịt voọc

Ông chủ nhà hàng tên K. dốc cái bao tải, đổ ra một con voọc đã chết ngoẻo. Tôi cúi xuống xem thì sực lên mùi hôi khó chịu. K. nói: “Mùi lông voọc còn hôi hơn mùi chồn chứ không phải mùi thịt ôi đâu. Con này vừa mới bắn chết đêm qua nên không cần bỏ tủ lạnh”.

Quá ngạc nhiên vì lần đầu nhìn thấy con voọc đẹp như tranh vẽ lại bị bắn chết nên ai cũng tò mò nhìn ngắm và xuýt xoa con thú quý. Tôi hỏi: “Đây là voọc Hà Tĩnh hay voọc chà vá chân nâu?”. K. nói: “Voọc chà vá chân nâu. Voọc ngũ sắc đấy. Thịt nó ngon hơn voọc Hà Tĩnh”.

Thấy tôi thắc mắc sao trông con voọc khá nhỏ. K bảo: “12kg là to rồi đấy. Tầm 15kg là loại voọc lớn nhất. Nhưng nhiều đợt tăm bở hơi tai cũng khó gặp. Con này thợ săn phải rình nó ngủ say trên ngọn cây cao mới bắn được”.

“Bắn trong Vườn quốc gia Vũ Quang ở ngay đây à?” – tôi hỏi tiếp. K. gật đầu và nói thêm: “Thuộc rừng Vũ Quang nhưng khu vực cheo leo sát biên giới Việt – Lào, cách đây khoảng 50km”.

Con voọc đã chết nhưng sắc màu lạ lẫm vẫn hiện sáng lung linh: chóp đỉnh đầu như dính một mũ bêrê màu đen mỏng mảnh. Khuôn mặt “tô” màu hồng nhạt loang đến mũi. Hai mi mắt và vùng cằm, miệng đều có màu trắng nhạt.

Toàn thân voọc phủ dày tấm áo lông nhiều màu. Hai cánh tay dài màu đen đến khuỷu tay chuyển màu trắng. Ngực từ màu đen đến màu xám trắng nối màu đen trên hai đùi. Đầu gối xuống cổ chân có màu nâu đỏ đậm như màu lông loài chim bã trầu. Cái đuôi thon dài hơn nửa mét màu trắng. Riêng lòng hai bàn tay, bàn chân như được đeo bốn cái găng bằng lớp da nâu sánh.

Đưa con voọc lên cao cho chúng tôi nhìn kỹ, K. nói: “Trước đây loài voọc này còn có cái đai lông màu trắng quanh bụng giống hệt cái thắt lưng, dân thợ săn quen gọi là voọc “lính”. Gần đây bỗng dưng không thấy bóng dáng voọc “lính” đâu nữa. Mỗi năm voọc chỉ đẻ một lần, mỗi lần đẻ một con vào cuối mùa xuân đầu mùa hạ mà thợ săn ngày một nhiều nên loài voọc này chắc đã bị tận diệt”.

Sau khi cân thử lần nữa, K. cầm cổ con voọc xách vào bếp để xẻ thịt. Chúng tôi lặng nhìn K. xẻ thịt voọc. K. bảo: “Voọc chà vá cùng họ với khỉ nhưng làm thịt lấy nguyên bộ da để nhồi bông thì mệt hơn nhiều”. Con voọc này có người mua bộ da 2 triệu đồng để nhồi bông nên mới bóc thế này, nếu không thì chỉ cần thui lông rồi cạo sạch là xong.

Sau khoảng 30 phút, hầu hết phần thân con voọc đã bóc tách rời khỏi bộ da.

Nhìn chậu thịt, tôi hỏi: “Quán nằm gần vườn quốc gia, làm thịt voọc công khai thế này không sợ à?”. K. cười: “Quen biết nhau cả mà”.

Mùa săn voọc

Khi nghe tôi đề nghị K. bố trí cho tôi tham gia một chuyến săn voọc, K. liền bảo: “Không phải thợ săn chính hiệu không thể nào đi săn voọc. Thợ săn phải gùi lương thực, thực phẩm, đồ nghề đi tăm hàng tháng trời. Săn được con nào thì cho lính tráng mang “hàng” về ngay. Khi đã săn được kha khá, họ mới kết thúc chuyến đi chứ”.

K. còn cho biết thêm: “Thợ săn thú bao giờ vô rừng cũng mang theo chó săn. Tuy nhiên, riêng săn voọc thì phải đợi mùa. Mùa nắng nóng, voọc ở trong rừng sâu, nơi có nhiều hang đá lạnh nên rất khó tìm thấy để bắn. Mùa mưa lạnh voọc mới rời rừng sâu ra vùng có nhiều hoa trái, đó là mùa săn voọc bắt đầu.

Đi săn voọc thì thợ săn phải dựng lều, đóng chốt cách vùng rừng voọc trú ngụ dăm ba cây số. Từ đây thợ săn mới đi mai phục. Voọc là loài thú có thính giác rất đặc biệt. Hễ nghe một tiếng lá khô bị động là nó bay từ ngọn cây này sang ngọn cây kia ngay.

Nên một bước chân vô ý là có thể làm hỏng một bữa săn. Săn voọc cũng thất thường lắm, có đợt bắn được liên tục nhưng có đợt phải vài ba tháng mới hạ được một con”. Theo kinh nghiệm của K., muốn săn được voọc phải ngày ngủ, đêm thức. Biết voọc về, thợ săn phải nhất cử nhất động và đợi cho voọc ngủ say rồi mới bắn.

Khi tôi chuyển hướng sang hỏi “làm sao thợ săn mang lọt khẩu súng qua mắt các trạm gác kiểm lâm” thì K. chỉ cười cười…

Săn bắn, buôn bán voọc quý hiếm sẽ bị xử lý hình sự

Ngày 4-9, khi chúng tôi nêu tình trạng loài voọc ở Vườn quốc gia Vũ Quang bị bắn hạ và xẻ thịt với ông Đào Huy Phiên – giám đốc Vườn quốc gia Vũ Quang, ông Phiên thừa nhận có chuyện săn bắn voọc nhưng chưa thể bắt được một đối tượng nào.

Ông cho biết: “Tháng 9-2014 trong một cuộc truy đuổi thợ săn, kiểm lâm vườn quốc gia thu giữ được hai con voọc chà vá chân nâu, mỗi con trên 10kg. Do bị đuổi rát quá nên thợ săn ném lại hai con voọc này để thoát thân”.

Bàn về ý nghĩa cực quý hiếm của mười loài voọc đặc hữu, nằm trong danh mục nguy cấp của VN, trong đó voọc chà vá chân nâu cùng ba loài voọc khác như voọc Cát Bà, voọc mông trắng, voọc mũi hếch đang có nguy cơ bị diệt chủng rất cao, ông Phiên trăn trở: “Do người dân đi rừng không rành loài thú nào là động vật quý hiếm thuộc Sách đỏ của thế giới nên gặp là “xơi” ngay.

Vườn quốc gia rộng 57.000ha (10% diện tích tỉnh Hà Tĩnh), đa số rừng thuộc khu vực biên giới Việt – Lào nhưng chỉ có chín trạm, trại kiểm lâm canh giữ, cho nên thợ săn trốn tránh, chui lủi vác súng vô rừng thì rất khó phát hiện”.

Theo ông Phiên, bên cạnh tuần tra, kiểm soát, Vườn quốc gia Vũ Quang cần ráo riết tuyên truyền, giáo dục cho người dân biết voọc là động vật quý hiếm cần được ưu tiên bảo vệ. Nếu ai săn bắn, vận chuyển buôn bán chúng sẽ bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

 

SA TRUNG KIM