10/01/2025

EU tuyên chiến với nạn buôn người

Các nước EU đang tập trung truy quét mạng lưới tội phạm chuyên tổ chức nhập cư trái phép để ngăn chặn tình trạng trục lợi trên sinh mạng người tị nạn.

 

EU tuyên chiến với nạn buôn người

 

Các nước EU đang tập trung truy quét mạng lưới tội phạm chuyên tổ chức nhập cư trái phép để ngăn chặn tình trạng trục lợi trên sinh mạng người tị nạn.



EU tuyên chiến với nạn buôn người - ảnh 1Một đứa trẻ di cư chờ lên tàu đến Serbia tại biên giới Hy Lạp và Macedonia ngày 5.9 – Ảnh: AFP

AFP ngày 6.9 dẫn lời ông Robert Crepinko, Trưởng đơn vị phòng chống tội phạm có tổ chức trực thuộc Cảnh sát châu Âu (Europol), cho biết: “Truy quét các băng nhóm chuyên đưa người nhập cư lậu vào châu Âu là mục tiêu hàng đầu của các nước EU. Hành động của bọn chúng có thể xem là một hình thức buôn người thời hiện đại, không chỉ dẫn đến nguy cơ thương vong cực cao đối với những người tị nạn mà còn là thách thức lớn về an ninh và nhân đạo ở châu Âu”.

Ước tính bọn tội phạm này có thể kiếm hàng tỉ USD nhờ lợi dụng niềm hy vọng đổi đời của người dân thuộc các quốc gia đang chìm trong bất ổn, đói nghèo ở châu Phi và Trung Đông. Các đường dây chuyên tổ chức nhập cư trái phép vào châu Âu được tổ chức ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức.
Bọn chúng cũng khéo léo lợi dụng mạng xã hội để dễ dàng thâm nhập các cộng đồng dân cư nhằm quảng bá “dịch vụ”. Theo tờLe Temps, điều này đặc biệt hiệu quả tại Syria, nơi mạng internet được sử dụng phổ biến nhờ hệ thống viễn thông khá tốt và người dân đang bị giằng xé giữa các cuộc xung đột. Không chỉ trục lợi từ việc đưa người sang châu Âu, bọn chúng còn tổ chức lao động “chui”, thường là làm việc cực nhọc với tiền công rẻ mạt. Ở những trường hợp này, bọn tội phạm có thể kiếm tiền cả 2 chiều: từ những người chủ muốn có nhân công giá rẻ và từ người tị nạn muốn có việc làm để trụ lại tại châu Âu, chờ cơ hội được cấp giấy cư trú hợp pháp.
Mạng lưới 30.000 người
Hồi tháng 7, EU mở chiến dịch truy quét các nhóm tội phạm chuyên tổ chức đưa người nhập cư vượt Địa Trung Hải để vào châu Âu. Trong giai đoạn đầu, những nước tham gia chiến dịch tập trung thu thập và trao đổi thông tin tình báo để xác định các mục tiêu. Giai đoạn tiếp theo là điều quân đội bắn hạ tàu thuyền của bọn tội phạm.
Ngoài ra, từ tháng 3, Europol đã phối hợp với cảnh sát nhiều nước, bao gồm cả những quốc gia không thuộc EU để phát hiện một mạng lưới buôn người xuyên quốc gia có quy mô cực lớn, với khoảng 30.000 nghi phạm, theo AFP. Trong đó có 3.000 tên “chuyên trách” khu vực Địa Trung Hải. Mạng lưới nói trên gồm nhiều nhóm nhỏ, bình thường hoạt động độc lập nhưng khi cần sẽ phối hợp với nhau để gia tăng lợi nhuận.
Để minh họa cho tính “toàn cầu hóa” của bọn tội phạm, ông Crepinko đưa ví dụ về một nhóm chuyên tổ chức nhập cư trái phép vừa bị bắt giữ tại Hy Lạp. Các thành viên của nhóm này đến từ nhiều nước: 2 người Romania, 2 người Ai Cập, 2 người Pakistan, 7 người Syria, 1 người Ấn Độ, 1 người Philippines và 1 người Iraq. Chỉ trong vòng vài tháng, nhóm tội phạm “đa quốc gia” đã thu về gần 7,5 triệu euro, chủ yếu qua việc đưa người từ Syria đến châu Âu, kèm theo các “dịch vụ” như cung cấp giấy tờ giả của Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp. Tùy theo số tiền bỏ ra mà “khách hàng” sẽ chọn đi bằng máy bay, tàu thuyền hay xe tải, xe hơi…
Cụ thể hơn, Le Temps dẫn phần “quảng cáo” bằng tiếng Ả Rập của một “công ty du lịch” trá hình được lan truyền trên mạng xã hội: 1.200 USD để đi từ Istanbul đến thành phố cảng Izmir (cùng của Thổ Nhĩ Kỳ) bằng xe hơi, sau đó đi thuyền sang một đảo của Hy Lạp. Nhiều người nhập cư sau đó lên mạng than phiền bị “công ty” này nhồi nhét trên xe và phải vượt biển để sang Hy Lạp bằng thuyền phao.
Cũng trên mạng xã hội, một nhóm tội phạm khác rao giá thẳng thừng: làm hộ chiếu Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha giá 4.500 USD; 65.000 USD để có giấy chứng nhận đang đợi cấp quốc tịch Pháp hoặc nhiều mức giá cho thị thực vào khu vực Schengen (qua lại không cần thị thực giữa các nước có ký kết ở châu Âu) tuỳ theo thời hạn lưu trú…
AFP dẫn lời phát ngôn viên Cơ quan Kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) Izabella Cooper nhận định: “Tổ chức nhập cư lậu, trong một số trường hợp là cung cấp nguồn nô lệ tình dục và lao động giá rẻ, nhiều khả năng đã trở thành hoạt động mang lại lợi nhuận cao nhất cho bọn tội phạm, hơn cả buôn lậu vũ khí và ma tuý”.
Trục lợi trên người tị nạn còn có nhiều “ưu điểm” khác như rủi ro thấp hơn (khung hình phạt thấp), dễ dàng quảng bá miễn phí trên các mạng xã hội.
Giáo hoàng kêu gọi đón nhận người tị nạn
Ngày 6.9, Giáo hoàng Francis kêu gọi mỗi giáo xứ, mỗi tu viện ở châu Âu đón tiếp một gia đình người tị nạn. Vatican sẽ là nơi đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi của giáo hoàng.
Những ngày qua, nhiều nước EU cũng đưa ra giải pháp về người nhập cư. CH Czech và Slovakia cùng đề xuất lập “hành lang đường sắt” từ Hungary đến Đức cho người nhập cư Syria. Nếu Budapest và Berlin đồng ý, hai nước này sẽ không kiểm soát giấy tờ mà chỉ hỗ trợ để họ đến nơi một cách an toàn. Thủ tướng Anh David Cameron hồi cuối tuần qua cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp nhận thêm hàng ngàn người Syria và chi 100 triệu bảng cho các hoạt động nhân đạo tại nước này”.
Tây Ban Nha cũng thông báo thành lập Uỷ ban Liên bộ về người tị nạn. Đức và Pháp kêu gọi các nước EU chia sẻ việc đón tiếp người nhập cư, tuỳ theo quy mô kinh tế và dân số của mỗi nước.

 

Lan Chi