Mối nguy IS trà trộn thâm nhập châu Âu
Đạo quân đánh bom liều chết của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang ngấp nghé ngưỡng cửa châu Âu, một số kẻ có thể đã lọt vào nhờ lẫn trong dòng người tị nạn Syria.
Mối nguy IS trà trộn thâm nhập châu Âu
Đạo quân đánh bom liều chết của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang ngấp nghé ngưỡng cửa châu Âu, một số kẻ có thể đã lọt vào nhờ lẫn trong dòng người tị nạn Syria.
Theo kênh truyền hình NOVA của Bulgaria, lực lượng kiểm soát cửa khẩu Gyueshevo với Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ năm nghi can độ tuổi 20-25 mang hộ chiếu Syria giả hôm 27-8. Kiểm tra sau đó cho thấy trong điện thoại di động của họ lưu giữ những hình ảnh giết người, cắt cổ và những khẩu hiệu quảng bá cho IS.
Khi bị khám xét tại cửa khẩu, năm người này đã có hành vi hối lộ quan chức an ninh. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy các đương sự đã cố tình xâm nhập khu vực biên giới để từ đó tìm đường sang Macedonia – nơi sẽ có người đón.
Theo Cơ quan Kiểm soát biên giới ngoại vi của châu Âu (Frontex), nhiều người không phải là công dân Syria đã tìm mua hộ chiếu Syria giả tại Thổ Nhĩ Kỳ để tăng khả năng được chấp nhận tị nạn tại châu Âu. Các phần tử thuộc các nhóm thánh chiến, nhất là IS, đang lợi dụng cách thức này để xâm nhập châu Âu nhằm thực hiện các kế hoạch khủng bố.
Trả lời trên kênh truyền hình Europe 1, giám đốc Frontex cho rằng hộ chiếu Syria bị làm giả nhiều bởi người tị nạn Syria được hưởng chính sách “ưu tiên nhân đạo” của EU đối với người dân đất nước đang bị nội chiến khốc liệt.
Vì thế nhiều người Ả Rập từ các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi muốn vào EU chỉ vì lý do xã hội hoặc kinh tế cũng mượn tiếng “tị nạn Syria” để đạt mục đích. Họ khó bị phát hiện bởi đều nói tiếng Ả Rập.
Hồi tháng 2-2015, cơ quan an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đã báo cho EU thông tin hơn 3.000 người được các nhóm cực đoan huấn luyện từ Syria và Iraq tìm cách xâm nhập ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ, để từ đó tìm đường đến các quốc gia cửa ngõ EU như Bulgaria, Hungary.
Tháng 5, chính quyền Libya cũng cảnh báo EU về tình trạng các phần tử cực đoan trà trộn vào dòng người tị nạn bằng thuyền từ Bắc Phi băng qua Địa Trung Hải đến bờ biển phía nam châu Âu.